Theo tin tức trên TTXVN, tối 10/1, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Bộ Công an xác nhận người tử vong trong các đối tượng chống đối người thi hành công vụ tại Đồng Tâm là ông Lê Đình Kình.
Trong báo cáo của Công an thành phố Hà Nội, khi khám nghiệm tử thi, trên tay của ông Lê Đình Kình cầm giữ quả lựu đạn.
Lời khai của một số đối tượng bị bắt xác nhận ông Kình là kẻ cầm đầu, chủ mưu các hoạt động chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật trong vụ việc tại Đồng Tâm.
Vật liệu nổ các đối tượng dùng để chống đối lực lượng chức năng. Ảnh: TTXVN
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chiều tối ngày 10/1, ông Phan Văn Sự, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm cho biết, cơ quan chức năng đã tiến hành các thủ tục để bàn giao thi thể ông Lê Đình Kình (84 tuổi) về gia đình để mai táng.
Con gái ông Kình, bà Lê Thị Nhung là người đại diện gia đình nhận thi thể. Việc an táng ông Kình sẽ được tổ chức tại ngôi nhà ông Kình sinh sống tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm.
Ông Lê Đình Kình, là người đứng đầu 'Tổ đồng thuận' ký các đơn thư khiếu kiện liên quan tới khu đất đồng Sênh đã được Thủ tướng ký quyết định bàn giao cho đơn vị Quốc phòng quản lý.
Bản đồ thể hiện phạm vi quản lý đất tại sân bay Miếu Môn. Ảnh: VNN
Tại cuộc họp báo thông tin về quá trình thanh tra việc quản lý, sử dụng đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) hồi tháng 8/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ông là người tiếp xúc với ông Kình từ chiều 15/4/2017, sau khi bị thương đưa ra bệnh viện và kể cả trước khi mổ, chăm sóc sau khi mổ, gặp gỡ gia đình.
Chủ tịch Hà Nội khẳng định, bản thân ông Kình cũng có huy động tiền đóng của một số đối tượng ở xã Đồng Tâm để đi khiếu kiện, lợi dụng việc khiếu kiện nhằm mục tiêu cuối cùng muốn trục lợi, gây sức ép với chính quyền xã, huyện, TP với mục tiêu xem có được bồi thường hỗ trợ không.
"Đây là câu chuyện có thật và chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí biết rõ, vạch trần âm mưu này", trên VietNamNet dẫn lời ông Chung nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Hà Nội, ông Kình đã từng có thời gian rất dài làm cán bộ chủ chốt của xã nên nắm chi tiết nguồn gốc đất đai, không phải đất đai ở sân bay Miếu Môn mà rất nhiều khu đất khác.
"Thế nhưng tại sao trong suốt những năm ông làm Chủ tịch, Bí thư, nếu phát hiện ra có những sai sót trong quản lý, sử dụng đất đai, với cương vị của mình, không kiến nghị các cấp chính quyền liên quan đến xử lý tất cả những việc này.
Tại sao suốt năm 2012, khi Bộ Quốc phòng vào giải tỏa, chuẩn bị xây dựng và giai đoạn 2014, thực hiện theo luật Đất đai 2013 cũng như khi có biến động về đất đai, Bộ Quốc phòng làm thủ tục đề nghị UBND TP cấp giấy chứng nhận mới mà ông không đề nghị?", ông Chung đặt câu hỏi.
Theo người đứng đầu chính quyền Hà Nội, vấn đề mấu chốt là có một bộ phận, số nhóm gọi là nhóm đồng thuận có ý thức chủ quan thông qua khiếu kiện mong muốn trục lợi.
Ông Chung cũng nhắc lại tại buổi đối thoại sáng 22/4/2017, đã có 9 cụ đại diện, trong đó có cả ở nhóm đồng thuận của ông Kình đứng dậy nhận rõ liên quan đến sai trái của mình và xin được khoan hồng...
Như tin đã đưa, chiều ngày 10/1, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án 'Giết người', 'Tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép' và 'Chống người thi hành công vụ' để điều tra việc một số người chống đối làm 3 cảnh sát hy sinh tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Theo Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành khám nghiệm hiện trường, bước đầu thu giữ 8 quả lựu đạn, 38 chai bom xăng, 20 lít xăng, 12 tuýt sắt đầu gắn dao nhọn, 3 hộp pháo sáng, 1 khẩu súng bắn điện, 1 thanh kiếm, 1 búa.
Ngoài 3 cán bộ, chiến sỹ Công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ mà Bộ Công an đã thông tin đến báo chí, cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo đảm an ninh, trật tự thi công tường rào sân bay Miếu Môn đều an toàn.