Ông Phạm Trung Cang, người mới được “bổ sung” vào danh sách những bị can bị truy tố trong vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số đơn vị khác có thể đối mặt với mức án cao.
Ông Phạm Trung Cang
Ngày 27/1/2014 Viện KSNDTC vừa tống đạt cáo trạng số 09 thay thế bản cáo trạng số 02 ngày 12/12/2013 truy tố các bị can trong vụ án bầu Kiên. Ngoài 7 bị can bị truy tố trước đó Viện KSNDTC còn truy tố thêm 2 bị can là Phạm Trung Cang (60 tuổi) và Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi).
Tội ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo đó người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
Người thực hiện hành vi phạm tội vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
Như nhiều báo đưa tin, ngày 3/1/2014, TAND TP Hà Nội đã ra quyết định trả hồ sơ số 02/HSST-QĐ cho VKSND TP Hà Nội để làm rõ vai trò của một số cá nhân liên quan.
Theo quyết định này, TAND TP Hà Nội nhận định chủ trương của HĐQT ACB đã thể hiện rất rõ trong việc ủy thác cho 19 nhân viên gửi 718,9 tỉ đồng vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM, với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm lãi, chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7% đến 13%/năm.
Trong đó, hành vi của ông Phạm Trung Cang đã cùng ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang ký vào biên bản họp thường trực HĐQT ACB ra chủ trương dùng tiền huy động của dân để ủy thác cho nhân viên và các công ty gửi tiền VNĐ cùng USD vào một số tổ chức tín dụng. Việc làm này đã vi phạm các quyết định của Ngân hàng Nhà nước về cơ chế điều hành lãi suất, thông tư của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất và Luật Các tổ chức tín dụng.
Ông Phạm Trung Cang bị truy tố với vai trò đồng phạm, số tiền gây thất thoát trong vụ án lên đến 718,9 tỉ đồng. Do đó nếu bị buộc tội về hành vi trên ông Phạm Trung Cang có thể phải đối mặt với khung hình phạt tại khoản 4, Điều 165, cụ thể là từ mười năm đến hai mươi năm tù.
Tuy nhiên vẫn cần phải lưu ý rằng việc truy tố ông Phạm Trung Cang về tội danh trên vẫn còn nhiều tranh cãi, ngày cả nội bộ cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thời điểm bất nhất về quan điểm hành vi của ông Cang có dấu hiệu phạm tội hay không phạm tội. Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã một lần ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Phạm Trung Cang.
Ông Cang bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - C46) ra quyết định khởi tố bị can về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vào ngày 18/9/2012.
Ngày 20/9/2012, C46 Bộ Công an có văn bản đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A72) Bộ Công an thực hiện lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Cang.
Ngày 7/10/2013, lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Phạm Trung Cang được dỡ bỏ. Ngày 24/12/2013, ông Cang rời Việt Nam qua cửa khẩu hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Ngày 12/12/2013, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã có quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang.
Theo Seatimes