Việc trao nhầm trẻ sơ sinh ở bệnh viện không phải là điều hiếm hoi. Theo một số liệu thống kê mà trang tin Oddee cung cấp, chỉ riêng ở nước Mỹ, mỗi năm có tới 20.000 trường hợp trao nhầm trẻ sơ sinh.
Gần đây, dư luận trong nước đang xôn xao vụ trao nhầm trẻ sơ sinh tại Trung tâm y tế quận Ba Đình khiến gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh nuôi nhầm con suốt 42 năm qua. Việc trao, nuôi nhầm con trên thế giới không phải hiếm hoi, thậm chí còn có những trường hợp rất ly kỳ. Dưới đây là 9 câu chuyện về việc nhầm lẫn con cái xảy ra tại các bệnh viện trên khắp thế giới mà chúng tôi tổng hợp lại được. Có những vụ việc được giải quyết chỉ sau vài ngày nhưng cũng có những vụ kéo dài hơn 50 năm. Có những kết thúc có hậu, nhưng cũng có những kết thúc mở, tìm lại được con nhưng chưa thể đoàn tụ.
1. Mỗi gia đình nhận 2 triệu USD tiền bồi thường vì bị trao nhầm con
Bà Sophie Serrano (trái) đã nuôi nấng Manon Serrano (phải). Ảnh: oddee |
Vào tháng 2/2015, một tòa án tại Pháp đã phán quyết cho 2 gia đình bị trao nhầm con cách đó 20 năm được nhận mỗi nhà 2 triệu USD (hơn 50 tỷ đồng) tiền bồi thường.
Tòa án tại thị trấn Grasse, Riviera đã lệnh cho phòng khám Jourdan (ở Cannes) và một công ty bảo hiểm chi trả sau khi một trợ lý y tá trao nhầm 2 bé gái ở chung lồng ấp vào tháng 7/1994.
Vào thời điểm ấy đã có một bà mẹ nghi ngờ đứa bé không phải con mình nhưng bệnh viện nói không có sai sót nào cả và bọn trẻ được đưa về nhà.
Tuy nhiên, vào năm 2004, một bà mẹ phát hiện ra con gái mình không phải con ruột sau khi xét nghiệm DNA. Một cuộc điều tra được tiến hành, con gái ruột của bà được tìm thấy ở cách đó chưa tới 20 dặm.
2. Hai cặp song sinh bị tráo đổi
Hai cặp song sinh bị trao nhầm trong một lần tới khám chữa bệnh tại bệnh viện. Ảnh: oddee |
Hai cặp song sinh giống hệt nhau đã bị tráo đổi cho nhau và lớn lên như những cặp sinh đôi khác trứng.
Sự việc xảy ra tại một bệnh viện ở Colombia khi 2 cặp anh em này được đưa tới đó trị bệnh.
Hai gia đình sống cách nhau vài dặm - một nhà cư trú tại thành phố Bogota, nhà còn lại sống ở sâu trong vùng nông thôn phía bắc Colombia, gần Santander. Khi các chàng trai ở nông thông lớn lên, họ chuyển tới Bogota và cùng tìm được việc tại một lò mổ.
Sự nhầm lẫn chỉ được phát hiện ra khi một chàng trai của gia đình này gặp chàng trai của gia đình kia và nghĩ đó là anh mình. Sau 24 năm, các chàng trai đã có cuộc hội ngộ khó tin với người anh/em sinh đôi ruột của mình.
3. Phát hiện nhầm con trong lần gặp gỡ tình cờ
Hai bà mẹ này bị trao nhầm con khi sinh nhưng họ đã phát hiện ra sự thật 3 tuần sau đó. Ảnh: oddee |
Vào năm 2013, trong một lần gặp gỡ tình cờ, 2 bà mẹ Argentina đã phát hiện ra phòng khám tư nơi họ sinh đã trao nhầm con cách đó 3 tuần.
Các bà mẹ gặp nhau khi đưa con tới khám tại phòng khám nhi ở San Juan. Họ bắt đầu thảo luận về những nghi ngờ với phòng khám này và phát hiện ra sự trùng hợp đáng quan tâm - đứa bé mà mỗi bà mẹ đưa về nhà lại tương ứng với cân nặng của đứa bé còn lại.
Cô Lorena Gerbeno nói với đài C5N rằng: "Khi con tôi được sinh ra ở khu C, họ nói thằng với tôi là đó là một bé gái xinh xắn nặng 3,1 kg nhưng khi họ đưa con cho tôi, họ lại nói con bé nặng 3,8 kg, sinh ngược". Bà mẹ còn lại là Veronica Tejada thì nói rằng mình sinh ngược và con gái nặng 3,8 kg.
Do nghi ngờ, họ trao đổi số liên lạc. Lorena, một luật sư đã đệ đơn khiếu nại và yêu cầu xét nghiệm DNA để xác định xem đâu là con gái ruột của mình. Kết quả đã cho thấy những nghi ngờ của họ là đúng - những đứa trẻ đã bị trao nhầm.
Cả 2 người phụ nữ đã tính kiện bệnh viện. Tuy nhiên, họ đã đồng ý để câu chuyện có một kết thúc có hậu. "Tôi đã dành 3 tuần cho đứa trẻ không phải con gái mình nhưng tôi đã trao cho cô bé tất cả tình yêu thương của mình và tôi tin người mẹ kia cũng đã làm vậy", cô Lorena nói sau khi được đoàn tụ với con gái ruột.
4. Hai gia đình bị trao nhầm con về chung một nhà
Hai gia đình nuôi nhầm con suốt 24 năm. Sau khi phát hiện ra sự thật họ quyết định về chung một nhà. Ảnh: oddee |
Dimas Aliprandi đến từ Joao Neiva, Brazil luôn tự hỏi tại sao mình trông không giống các chị gái. Khi 24 tuổi, anh đã tiến hành thử DNA và chứng tỏ mình không phải con ruột của bố mẹ. Sau khi điều tra nhiều hơn, Aliprandi đã bị tráo đổi với một cậu bé khác, tên Elton Plaster, cũng sinh cùng ngày hôm đó.
Các hồ sơ dẫn Aliprandi tới một nông trại ở Santa Maria de Jetita, cách nhà anh khoảng 45 km. Tại đây, Plaster đang sống cùng bố mẹ là Nilza và Adelson. Gia đình Plaster cũng đã đồng ý thử DNA và xác nhận những nghi ngờ của họ là đúng.
Những gì xảy ra sau đó mới là phần đáng chú ý của câu chuyện. Gia đình Plaster đã xây thêm một ngôi nhà khác và mời gia đình nhà Aliprandi tới sống cùng trong nông trại. Cả 2 chàng trai hiện đang sống của với cả bố mẹ ruột và bố mẹ nuôi của mình.
5. Con bị trao nhầm không được về với bố mẹ ruột
Ảnh minh họa: oddee |
Vào năm 2014, một tòa án tại Nam Phi đã phán quyết 2 đứa trẻ bị trao nhầm khi sinh vẫn phải ở với gia đình đã nuôi nấng chúng và không được trở về với bố mẹ ruột.
2 đứa trẻ sinh cùng ngày vào năm 2010 tại một bệnh viện ở Johannesburg. Họ được đưa về nhà và được nuôi nấng bởi những người không phải bố mẹ ruột sau sự nhầm lẫn của các y tá. Các gia đình không phát hiện ra sai lầm này cho tới khi một bà mẹ tiến hành xét nghiệm do chồng cũ của bà ta không chi trả các khoản phí nuôi con bởi ông ta tin đứa trẻ không phải con ruột của mình.
Một bà mẹ muốn nhận lại con ruột, bà mẹ còn lại thì muốn giữ đứa trẻ bà đã nuôi nấng. Tòa án tối cao Bắc Gauteng đã quyết định 2 đứa trẻ tiếp tục ở với bố mẹ nuôi.
6. Mẹ ruột bị kiện, bắt giam vì muốn nhận lại con
Bà Paula Johnson (trái) cầm bức ảnh chụp bé Callie vào năm 1998. Ảnh: Reuters |
Câu chuyện này bắt đầu bằng sự chào đời của 2 bé gái vào ngày 29/6/1995 tại Mỹ. Bà mẹ đơn thân Paula Johnson sinh con gái tại Trung tâm Y tế trường ĐH Virginia tại Charlottesville và đặt tên Callie. Ngày hôm sau, cũng ở nhà hộ sinh này, Kevin Chittum (18 tuổi) và bạn gái Whitney (16 tuổi) sinh bé gái Rebecca.
Các gia đình sẽ vẫn hạnh phúc và không biết đến nhau trong nhiều năm. Đến khi Callie 3 tuổi, Carlton Conley (được cho là cha của cô bé) đòi Paula cho làm xét nghiệm cha con. Khi có kết quả, họ nhận được một bất ngờ: cả Conley và Johnson đều không phải cha mẹ ruột cô bé. Hóa ra Callie là con gái ruột của Kevin và Whitney.
Nhưng khi các bác sĩ định thông báo tin này cho gia đình Kevin thì họ phát hiện ra cặp vợ chồng này cùng với 4 người thân, bạn bè đã chết trong một tai nạn xe hơi. Kevin và Whitney sẽ không bao giờ biết được đứa trẻ họ đưa về nhà, nuôi nấng suốt 3 năm qua lại không phải con ruột của họ.
Sau khi biết cặp vợ chồng kia đã chết, Paula cố nhận lại con ruột và bị kiện vì giam giữ Rebecca trong năm 1999. Tuy nhiên, bố mẹ của Kevin và Whitney đã chiến đấu để giữ cô cháu gái bên mình. Sau cuộc chiến kéo dài 3 năm ở trong và ngoài tòa án, thẩm phán quyết định 2 cô bé sẽ ở với gia đình bố mẹ nuôi cho tới khi chúng đủ tuổi đưa ra quyết định riêng.
Paula đã kiện Trung tâm Y tế ĐH Virginia để lấy 31 triệu USD và đã được thanh toán 1,25 triệu USD.
7. Bị đặt nhầm nôi, bú nhầm mẹ, em bé phải xét nghiệm HIV suốt 1 năm
Ảnh: Star Tribune |
Một em bé mới sinh đã phải trải qua 1 năm làm các xét nghiệm HIV và viêm gan do bệnh viện Minneapolis đặt nhầm nôi và bú nhầm mẹ.
Sự nhầm lẫn này xảy ra vào năm 2012 tại Bệnh viện Abbott Northwestern, Mỹ sau khi con trai của cô Tammy Van Dyke, bé Cody, bị đặt nhầm nôi trong buồng trẻ.
Cô Van Dyke cho biết sự xáo trộn này diễn ra trong 2 giờ trước khi cô đưa Cody về nhà. Cậu bé ngay lập tức phải trải qua xét nghiệm HIV và viêm gan B sau sự nhầm lẫn này. Mặc dù các xét nghiệm là âm tính nhưng bệnh viện Abbott Northwester nói với Van Dyke rằng đứa con mới sinh của cô sẽ phải tiến hành xét nghiệm cứ 3 tháng một trong suốt 1 năm.
8. Hai đứa bé bị trao nhầm gặp nhau sau 56 năm
Kay Rene (trái) and DeeAnn (phải) |
Vào một ngày mùa xuân năm 1953, 2 đứa trẻ sinh ra tại Bệnh viện Pioneer Memorial, thị trấn Heppner, phía đông bang Oregon, Mỹ. DeeAnn Angell đến từ Fossil và Kay Rene Reed đến từ Condon đã lớn lên, kết hôn rồi sinh con, trở thành những người bà.
Vào năm 2008, em trai của bà Kay Rene, Bobby Reed nhận được một cuộc gọi từ người phụ nữ 86 tuổi, người được biết đến là mẹ của ông. Bà cũng sống gần gia đình Angell tại Fossi và nói rằng mình có điều muốn thổ lộ.
Bobby đã tới gặp người phụ nữ này tại một trại dưỡng lão. Bà nói rằng vào năm 1953, Marjorie Angell khẳng định bà đã bị trao nhầm con sau khi y tá tắm cho bọn trẻ. Tuy nhiên, những gì bà quan ngại đã bị gạt đi.
Sau đó, bà lão cho Bobby xem một bức ảnh.
"Trông như Kay Rene lúc 7,8 tuổi gì đó", Bobby nói. Nhưng đó là em gái của DeeAnn Angell. "Kay Rene không phải là người nhà Reed", người phụ nữ khẳng định. "DeeAnn mới là người nhà Reed".
Bobby đã vô cùng sửng sốt, không biết làm gì với thông tin mới biết. Cuối cùng, ông quyết định nói mọi chuyện cho 2 người chị lớn tuổi nhất của mình và một trong số họ đã nói chuyện với Kay Rene. Bố mẹ cả 2 bên đều đã chết, anh chị em nhà Reed và Angell đã so sánh những ghi chép, câu chuyện của gia đình mình. Họ đã biết tới những tin đồn về vụ trao nhầm con được lưu truyền trong nhiều năm.
Kay Rene, Bobby và chị gái Dorothy của họ đã tới gặp DeeAnn tại một bệnh viện ở Kennewick để làm xét nghiệm DNA. Kết quả đã xác nhận việc trao nhầm con. Bệnh viện Pioneer Memorial Hospital đã đề nghị được đưa ra lời tư vấn nhưng cả 2 người phụ nữ đều từ chối.
Cả hai hiện đã trở thành bạn bè của nhau, họ thậm chí còn tổ chức sinh nhật cùng nhau. Kay Rene Qualls cũng đã giới thiệu DeeAnn Shafer với các đồng nghiệp của mình và gọi cô là "chị gái".
9. Sinh đôi cùng trứng biến thành khác trứng chỉ sau 1 lần nhập viện
Kasia Ofmanska đã chia cắt với người chị em song sinh của mình - Edyta Wierzbicka (ảnh nhỏ bên trái) - sau một lần nhập viện và sống cùng Nina Ofmanska (ảnh nhỏ bên phải) như chị em song sinh khác trứng trong suốt 17 năm. Ảnh: oddee |
Kasia và Edyta giống nhau như 2 giọt nước nhưng trong 17 năm đầu đời, họ lại là 2 người hoàn toàn xa lại.
Vào một buổi chiều ở Warsaw, Ba Lan, bạn bè của Kasia rất ngạc nhiên khi nhìn thấy "cô" trong một câu lạc bộ, đi bốt quân đội, mặc áo da đen theo phong cách khác cô thường ngày. Sau đó, Kasia phủ nhận mình chưa từng tới đó.
Vào năm 2000, một người bạn chung đã đưa cho Kasia số điện thoại của một người được cho là "bản sao" của cô.
Hai cô gái đồng ý gặp nhau nhưng họ nghĩ đây chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Kasia có một người em song sinh là Nina. Edyta, tên cô gái "bản sao", nghĩ rằng bạn bè mình đã phóng đại việc họ giống nhau như thế nào.
Nhưng khi gặp nhau, những điểm tương đồng giữa 2 người lại quá nhiều. Họ có những nốt ruồi giống nhau trên tay, có tật ở chân giống nhau, cùng thích vẽ, mặc trang phục tương tự nhau, thậm chí còn cùng thích món thịt lợn nướng ăn với mận khô.
Những điểm tương đồng không chỉ có ngoại hình. Trong khi Nina là một người hướng nội, rất thích chơi với búp bê thì Edyta lại giống Kasia nhiều hơn. Cả hai đều là những cô gái hướng ngoại, thích trượt tuyết, chèo thuyền.
Theo thời gian, Kasia và Edyta phát hiện ra họ mới là chị em ruột bị chia cách do sự nhầm lẫn ở bệnh viện. Cả 3 cô gái khi ấy đều điều trị bệnh nhiễm trùng phổi sau khi sinh được 2 tuần. Bằng cách nào đó mà vòng đánh số ở tay họ bị tuột khỏi chân và Edyta trở về nhà với người bố mẹ nuôi trong khi Kasia và Nina bị ghép thành cặp sinh đôi khác trứng.
* Theo một con số thống kê có khoảng 20.000 trẻ em bị trao nhầm tại Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, hầu hết những sai lầm này đều được sửa lại trước khi bọ trẻ được bố mẹ đưa về nhà.
Bảo Linh (theo Oddee)