(Tinmoi.vn) "Chủ đầu tư và ban quản lý chợ ít nhất cũng có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 BLHS hoặc dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về PCCC theo Điều 240 BLHS" - luật sư Nguyễn Mạnh Thắng cho biết.
Liên quan đến vụ cháy chợ Phố Hiến, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng văn phòng luật sư Thắng (số 19 phố Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội) để tìm hiểu thêm các góc độ pháp lý trong vụ việc này.
Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng văn phòng luật sư Thắng. |
Có dấu hiệu tội phạm hình sự?
Theo nhận định cá nhân ông, vụ cháy chợ Phố Hiến xảy ra đêm 19/3, đã cho thấy điều gì trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC)?
Ngoài vấn đề thiệt hại về vật chất của các tiểu thương, cũng như những vụ cháy khác, vụ cháy lần này đã để lại những bức xúc rất lớn trong lòng dư luận xã hội. Đầu tiên phải kể đến sự yếu kém và tắc trách của lực lượng PCCC tỉnh Hưng Yên. Đây là lực lượng hưởng lương Nhà nước, nghĩa là tiền thuế của dân, có nhiệm vụ phòng và chữa cháy.
Để xảy ra cháy là đã có 1 phần trách nhiệm của họ bởi việc chữa cháy không hiệu quả đồng nghĩa với việc đã không làm tốt công tác Quản lý Nhà nước lẫn thực thi nghiệp vụ.
Chợ Phố Hiến tan hoang sau hỏa hoạn. |
Một điều nữa cần phải bàn tới là công tác PCCC ở đây có vấn đề. Đối với những khu chợ, vấn đề PCCC luôn được đặt lên hàng đầu nhưng không hiểu sao dù chợ mới kinh doanh được 3 tháng mà lại có hiện tượng “vòi không có nước”, bình cứu hỏa “lỗi”,...? Vậy ai là người đã kiểm tra tất cả các thiết bị này để cấp chứng nhận đủ điều kiện PCCC.
Theo quy định của pháp luật, đơn vị kinh doanh phải đảm bảo các yếu tố PCCC thì mới được phép đi vào hoạt động. Vậy nhưng, khu chợ tuy mới hoạt động nhưng đã xảy ra một số “lỗi” trong thiết bị thì quả là một điều khó hiểu? Các cơ quan chức năng cần làm rõ vấn đề này để xác định rõ trách nhiệm của người quản lý, mà ở đây là đơn vị kiểm tra và cấp chứng nhận PCCC.
Để xảy ra vụ việc như vậy, chủ đầu tư và ban quản lý chợ có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng?
Theo tôi là có bởi họ là đơn vị trực tiếp giám sát, quản lý và vận hành hoạt động ở đây. Sau khi cơ quan CSĐT vào cuộc, xác định được nguyên nhân cụ thể, nếu do cá nhân, tổ chức nào đã trực tiếp hoặc gián tiếp có hành vi sai phạm dẫn đến cháy nổ sẽ phải xem xét trách nhiệm trước pháp luật đối với cá nhân, tổ chức đó. Tuy nhiên, chủ đầu tư và ban quản lý chợ ít nhất cũng có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 BLHS hoặc dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về PCCC theo Điều 240 BLHS.
Người dân có quền khởi kiện
Nếu có những dấu hiệu vi phạm BLHS như vậy, tiểu thương ở chợ Phố Hiến có quyền kiện hay không, thưa ông?
Họ hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu chủ đầu tư cũng như Ban quản lý chợ phải bồi thường thiệt hại đã xảy ra. Vì đây là trường hợp bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định của pháp luật. Do đó, người dân có quyền khởi kiện yêu cầu đơn vị này phải bồi thường trực tiếp.
Ngoài ra, các tiểu thương cũng đã đóng tiền phí cho công tác PCCC cho chủ đầu tư cũng như ban quản lý nên chẳng có lý do gì lại không được bảo đảm về PCCC, vấn đề tiền phí đóng vào có được sử dụng đúng mục đích hay không, cơ quan giám sát, cấp phép đủ điều kiện PCCC đã làm việc nghiêm túc, khách quan hay chưa?Nếu do tắc trách, chủ quan và không làm đúng quy trình, trách nhiệm thì ngoài chủ đầu tư và ban quản lý chợ, người dân còn có thể khởi kiện và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền liên quan bồi thường thiệt hại do làm không đúng, không đủ vai trò, trách nhiệm dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tiểu thương khóc ngất vì tài sản, hàng hóa bị thiêu rụi. |
Theo ông, để khởi kiện thì tiểu thương có thể dựa vào những căn cứ pháp lý nào?
Trong trường hợp này, chủ đầu tư và ban quản lý chợ đã vi phạm trong việc chưa thực hiện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định 130/2006/NĐ-CP và Thông tư 220/2010 của Bộ Tài chính...
Cho nên, chủ đầu tư cũng như ban quản lý chợ phải có trách nhiệm trong vụ việc, cụ thể là phải chịu trách nhiệm bồi thường về dân sự. Nếu CQĐT khởi tố vụ án, đề nghị truy tố, xử lý những người có liên quan đến vụ cháy thì trách nhiệm bồi thường về dân sự sẽ được nhập chung vào giải quyết trong vụ án hình sự. Nếu CQĐT không khởi tố hình sự vụ án thì các tiểu thương cũng có thể khởi kiện vụ kiện dân sự yêu cầu chủ đầu tư và ban quản lý chợ phải bồi thường.
Mặt khác, các tiểu thương khi thuê ki-ốt, mặt bằng với chủ đầu tư và ban quản lý chợ để hoạt động kinh doanh, mua bán thì giữa các bên đã hình thành quan hệ giao dịch dân sự và làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng thuê mặt bằng, ki-ốt. Khi vụ cháy xảy ra gây thiệt hại rất lớn đến tài sản của các tiểu thương, cần căn cứ xem xét vào các quy định, điều khoản trong hợp đồng về trách nhiệm của bên cho thuê mặt bằng, ki-ốt để làm cơ sở xem xét giải quyết, khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Chợ mới đi vào hoạt động Chợ Phố Hiến được xây dựng mới và đưa vào hoạt động từ tháng 1/2014, chợ được thiết kế hai tầng rộng hơn 4.800 m2, có hơn 100 kios chủ yếu bán hàng quần áo, giày dép, đồ nhựa các loại. Chợ do Công ty TNHH đầu tư phát triển Hoàng Phát làm chủ đầu tư. Các kios ở đây được chủ đầu tư cho các tiểu thương thuê theo thời hạn 1 năm, 10 năm và 20 năm với giá 27 triệu đồng 1 năm và hơn 100 triệu đồng cho 20 năm. |
Thuận Phong