Tin mới

Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La: Công tác xét tuyển Đại học liệu có bị chậm trễ?

Thứ ba, 24/07/2018, 08:19 (GMT+7)

Sau khi nhận thấy có những bất thường về điểm thi tại Hà Giang, các lực lượng chức năng đã vào cuộc để tiến hành rà soát, kiểm tra, đối chiếu lại điểm số tại khu vực thi thuộc tỉnh thành này. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về sự ảnh hưởng của những vụ việc gian lận này đến công tác xét tuyển đại học trên cả nước.

Sau khi nhận thấy có những bất thường về điểm thi tại Hà Giang, các lực lượng chức năng đã vào cuộc để tiến hành rà soát, kiểm tra, đối chiếu lại điểm số tại khu vực thi thuộc tỉnh thành này. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về sự ảnh hưởng của những vụ việc gian lận này đến công tác xét tuyển đại học trên cả nước.

Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang trong trong kì thi THPT 2018 đang được đánh giá là vết nhơ lớn của ngành Giáo dục đào tạo. Và đang được ví như “Trận lũ” điểm cuốn trôi mất niềm tin...

Chiều 17/7, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng UBND tỉnh Hà Giang họp báo công bố về điểm thi bất thường trong kì thi THPT quốc gia 2018. Theo đó, có 114 thí sinh với 330 bài thi được nâng điểm ít nhất từ 1,0 đến cao nhất là 8,75 điểm.

Hàng loạt thí sinh có điểm thi cao bất thường ở Hà Giang.

Cụ thể, với các bài thi tự luận môn Ngữ văn, đã đối chiếu điểm thi ở trên bài thi của tất cả các thí sinh với biên bản thống nhất điểm. Đối chiếu kết quả thi trên biên bản thống nhất điểm với kết quả đã công bố, kết quả cho thấy hoàn toàn chính xác, trùng khớp.

Tuy nhiên, với bài thi trắc nghiệm, qua xác minh cho thấy có dấu hiệu nâng cao kết quả của thí sinh một cách bất thường.

Tổng cộng tất cả 114 thí sinh, với 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lệch hơn 1 điểm so với điểm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lệch lên hơn 20 điểm so với điểm thẩm định. Cá biệt, có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Qua xác minh ban đầu cho thấy Ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.

Ông Mai Văn Trinh trả lời phỏng vấn báo chí ngay trong đêm về vấn đề điểm thi bất thường tại Hà Giang.

Theo Dân Trí thông tin, ngay từ ngày đầu tiến hành chấm thi trắc nghiệm ở Hà Giang đã xuất hiện những bất thường. Cụ thể, buổi chấm thi trắc nghiệm đầu tiên, hai cán bộ thanh tra chấm thi trắc nghiệm do Bộ GD-ĐT ủy quyền (hai cán bộ này thuộc trường ĐH Tân Trào) đều xin phép nghỉ và không có mặt. Mặc dù thiếu cán bộ thanh tra nhưng Hà Giang vẫn tiến hành bóc niêm phong bài thi và tiến hành quét bài bình thường.

Bên cạnh Hà Giang, Sơn La cũng là tỉnh thành có nghi vấn về điểm thi cao bất thường.

Theo thông tin được cập nhật trên trang Sài Gòn Giải Phóng online, vào khoảng 23 giờ ngày 21/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã có vài phút gặp mặt báo chí cho biết.

Ông cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao nhất với xã hội, thí sinh cả nước, từ nhận biết dữ liệu điểm thi cũng như phản ánh của dư luận, Bộ GD-ĐT đã thành lập tổ công tác xác minh dấu hiệu bất thường của điểm thi ở Sơn La.

Qua rà soát, với sự chủ trì của Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La phối hợp với Tổ công tác của Bộ GD-ĐT đã điều tra, xác minh làm rõ những dấu hiệu sai phạm, phát hiện hàng chục bài thi ở Sơn La có dấu hiệu sửa điểm thi.

Trước những sai phạm liên quan tới điểm thi THPT 2018 xảy ra ở các địa phương trên, ngày 20/7, Bộ trưởng GD&DDT Phùng Xuân Nhạ đã ký văn bản yêu cầu các địa phương rà soát điểm thi và xử lý nghiêm sai phạm nếu có.

Trả lời phỏng vấn của báo Lao Động, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Trần Anh Tuấn khẳng định, các thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm và tiếp tục thực hiện các bước điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian tới. Việc cập nhật, tổ chức chấm thẩm định, chấm phúc khảo lại điểm của các thí sinh sẽ không ảnh hưởng đến xét tuyển cả nước.

Công tác xét tuyển đại học sẽ không bị ảnh hưởng bới bê bối ngành giáo dục.

Trước lo ngại việc một số thí sinh đỗ đại học nhờ gian lận trong thi cử nhưng chưa bị phát hiện sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, ông Tuấn nói:

“Tôi cho rằng, đối với khâu tuyển sinh đầu vào và đầu ra của các trường đại học là tiến trình liên tục, có sự gắn kết với nhau chặt chẽ. Đối với các thí sinh có khả năng may mắn đỗ đại học, có những biểu hiện gian lận mà không được phát hiện thì trong quá trình đào tạo đại học dĩ nhiên sẽ bị sàng lọc, thải loại. Bởi vì, hiện nay trong các trường đại học thì công tác đảm bảo chất lượng, xây dựng chuẩn đầu ra đòi hỏi đáp ứng yêu cầu từ thị trường lao động rất cao”.

Trang Vũ (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news