Tin mới

Vụ nổ kho phế liệu ở Bắc Ninh: Những ai phải chịu trách nhiệm?

Thứ sáu, 05/01/2018, 10:58 (GMT+7)

Sau vụ nổ khiến 10 người thương vong xảy ra ở Bắc Ninh, quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam chủ cơ sở thu mua phế liệu đã được Công an tỉnh Bắc Ninh thực hiện. 

Sau vụ nổ khiến 10 người thương vong xảy ra ở Bắc Ninh, quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam chủ cơ sở thu mua phế liệu đã được Công an tỉnh Bắc Ninh thực hiện. 

Theo thông tin từ Tri thức trực tuyến, Dân Trí, tại cơ quan công an, ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1964 ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong), chủ vựa phế liệu phát nổ khai, khoảng tháng 12/2016, ông có thu mua của một cán bộ tại Trung tâm Xử lý bom mìn thuộc Bộ Tư lệnh Công binh (Bộ Quốc phòng) khoảng 7 tấn đầu đạn cũ loại 12 ly 7 và 14 ly 5 về để tháo dỡ phế liệu; số đầu đạn trên được tập kết tại khu vực sân vườn nhà ông Tiến và xảy ra vụ nổ. Lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, đang phối hợp điều tra làm rõ nguồn gốc số vật liệu gây ra vụ nổ kinh hoàng trên.

Hơn nửa tấn đầu đạn đã được thu gom sau vụ nổ ở Bắc Ninh sáng 3/1. Ảnh Trí thức trẻ

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, chúng ta có các quy định rất chặt chẽ về quản lý các kho phế liệu hay quản lý vật liệu nổ.

Theo các quy định về quản lý, các kho phế liệu này phải nằm xa khu vực dân cư, có những quy định nghiêm ngặt về môi trường cũng như an toàn, thế nhưng xem lại các vụ việc nổ tại các kho phế liệu gần đây thì hầu hết các quy định trên đều bị “ngó lơ”.

Hơn nữa, việc quản lí và sử dụng vật liệu nổ được quy định rất chặt chẽ. Theo đó, chỉ có đơn vị công binh của quân đội hoặc công an hoặc cơ quan khác được Chính phủ đồng ý thì mới được phép tổ chức đào bới vật liệu nổ.

Bên cạnh đó là các quy định chặt chẽ về trình tự thủ tục phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Chỉ có cơ quan quân sự, cơ quan công an cấp huyện và đơn vị quân đội cấp trung đoàn trở lên mới có quyền phân loại để thanh lý và tiêu hủy các vũ khí đó.

Thậm chí sau khi tiêu hủy xong, phải tiến hành kiểm tra tại hiện trường, bảo đảm tất cả vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiêu hủy đã bị làm mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng. Kết quả tiêu hủy phải được lập thành biên bản, có xác nhận của chủ tịch và các thành viên hội đồng. 

Sau vụ tai nạn thương tâm ấy là hàng loạt câu hỏi: 7 tấn đầu đạn đi về làng Quan Độ bằng cách nào? Gốc gác nó từ đâu ra? Vì sao chính quyền sở tại không biết? Rút cục trách nhiệm thuộc về ai?... 

Trao đổi với PV báo Giao Thông, Thượng tướng Võ Trọng Việt cho rằng, lời khai của người chủ thu mua phế liệu về việc mua số đầu đạn phát nổ của một cán bộ thuộc Trung tâm Xử lý bom mìn thuộc Bộ Tư lệnh Công binh mới chỉ là lời khai ban đầu nên chưa thể kết luận gì. Mọi việc phải chờ cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ, nếu lời khai đó là đúng mới xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan.

Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Trần Tuấn Anh – GĐ Cty luật Minh Bạch cho rằng, theo quy định của pháp luật Hình sự Việt Nam, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị coi là tội phạm.

 

Theo luật sư Tuấn Anh, tùy vào tính chất mức độ phạm tội, hậu quả do tội phạm gây ra đối với người khác (về tính mạng, sức khỏe, tài sản) và giá trị của vật phạm pháp sẽ là căn cứ để định khung hình phạt đối với người phạm tội.

 

Cũng theo luật sư Tuấn Anh, trong vụ nổ tại Bắc Ninh, rõ ràng đến thời điểm bây giờ, chắc chắn những người thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Song, dưới góc độ quản lý xã hội có thể thấy đang có vấn đề. Chính từ dấu hiệu buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền địa phương, lỗ hổng trong quản lý vật liệu nổ cộng với sự tùy tiện, thiếu hiểu biết pháp luật và kiếm tiền bằng mọi cách của những người buôn bán, vận chuyển phế liệu trong đó có vật liệu nổ là nguyên nhân chính gây nên sự kiện đau lòng này.

 

Đồng quan điểm với luật sư Tuấn Anh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Việt Trường khẳng định với PV báo Giao Thông, qua những vụ việc trước đây và vụ Bắc Ninh mới đây nhất đã cho thấy đang có lỗ hổng lớn về công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ.

 

Bên cạnh đó, ông Trường cũng cho rằng, chính quyền địa phương không thể “vô can” trong vụ việc này. Bởi, việc cấp phép cho người dân kinh doanh cơ sở phế liệu ở giữa khu dân cư đông đúc cũng là một lỗ hổng. Hơn nữa, số đầu đạn, số vật liệu nổ đã tồn tại ở đây rất lâu, với số lượng lớn mà chính quyền không biết là thiếu trách nhiệm.

Hà Trang (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news