Tin mới

Vụ ông Trần Văn Truyền: “Cứ nể nang như vậy xã hội sẽ rối loạn!”

Thứ năm, 27/11/2014, 09:37 (GMT+7)

Sau khi Đời sống và Pháp luật đăng tải bài viết: "Thu hồi tài sản của ông Trần Văn Truyền", tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi của dư luận cả nước. Bên cạnh những ý kiến tán thành, nhiều độc giả cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, cơ quan giám sát trong việc để cho tài sản của ông Truyền ngày càng "phình to". 

Sau khi Đời sống và Pháp luật đăng tải bài viết: "Thu hồi tài sản của ông Trần Văn Truyền", tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi của dư luận cả nước. Bên cạnh những ý kiến tán thành, nhiều độc giả cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, cơ quan giám sát trong việc để cho tài sản của ông Truyền ngày càng "phình to". 

 

Thậm chí, dư luận đặt nghi vấn về sự nể nang, tiếp tay của một số cá nhân, tổ chức trong bộ máy công quyền. Phải chăng, việc giám sát cán bộ cao cấp có quyền lực đang bộc lộ những lỗ hổng vô hình?

Tấm bình phong và quyền lực vô hình

Bàn về câu chuyện trách nhiệm, vấn đề luôn được đặt ra sau khi những sai phạm bị phát giác, rất nhiều câu hỏi cũng được dư luận đề cập đến. Được biết, trước khi "hạ cánh", ông Trần Văn Truyền từng giữ những chức vụ đầy quyền lực, từ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Trung ương đến Tổng Thanh tra Chính phủ. Trong suốt thời gian đó, ông nằm dưới sự giám sát của nhiều cơ quan, thế nhưng có một điều lạ, sai phạm chỉ được phát hiện từ người dân và báo chí. Phải chăng, đã có sự tiếp tay của những cơ quan Nhà nước?

Vụ ông Trần Văn Truyền: “Cứ nể nang như vậy xã hội sẽ rối loạn!” - Ảnh 1

Còn bao nhiêu người như ông Truyền là câu hỏi khiến dư luận nhức nhối?

Trong bản thông cáo phát đi ngày 21/11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định: "Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre có khuyết điểm, vi phạm trong việc còn nể nang, không chỉ đạo thu hồi dứt điểm lô đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định (phường Phú Khương, TP. Bến Tre); trong việc sửa chữa, cải tạo mới và bán cho ông Trần Văn Truyền nhà số 6 Lê Quý Đôn, TP. Bến Tre theo Nghị định 61/CP".

Đối với khuyết điểm của các cơ quan chức năng tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng khẳng định: "UBND TP.HCM và các cơ quan chức năng của thành phố đồng ý bán cho con gái ông Trần Văn Truyền căn nhà tại số 105 Nguyễn Trọng Tuyển (P.15, quận Phú Nhuận) là không đúng đối tượng, thiếu căn cứ pháp lý, có sự nể nang"...

Như vậy, với những khuyết điểm kể trên, những cơ quan quản lý Nhà nước tại Bến Tre và TP.HCM sẽ không tránh khỏi việc phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, còn những cơ quan kiểm tra, giám sát khác, trách nhiệm của họ đến đâu? Khi được hỏi về vấn đề trên, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thẳng thắn khẳng định: "Chuyện nể nang quá rõ rồi, còn hối lộ hay không thì chưa ai dám quả quyết. Những căn cứ, dữ liệu đã đủ để suy nghĩ về hành vi của một con người. Nhưng cái đáng lo nhất là còn bao nhiêu người như thế? Nể nang đã là điều không cho phép, đặt tình riêng mang tính chất sai lầm lên trên đạo đức, làm trái những quy định của pháp luật. Đặc biệt, dùng tài sản Nhà nước để nể nang nhau thì lại càng dễ dàng".

 

Ông Hùng dẫn chứng, nguyên Tổng Thanh tra Truyền từng là người đứng đầu tỉnh, nên khi có yêu cầu đòi lại nhà người ta đã không đòi. Ở đây, rõ ràng sự nể nang, cảm tình cá nhân được đặt lên trên lợi ích chung. Từ thực tế đó, ông Vũ Quốc Hùng khẳng định, chính sự nể nang đã làm hại cán bộ.

 

Trước khi có kết luận của ủy ban Kiểm tra Trung ương, có thể xem như ông Truyền đã "hạ cánh an toàn". "Tôi cho rằng đã có sự nể nang ở đây. Khi người ta ngồi vào vị trí nào đó thì dường như có một quyền lực vô hình, một "tấm bình phong" an toàn", vị này nhấn mạnh. Trong khi đó, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa XII, ông Lê Văn Cuông đặt câu hỏi: "Tại sao nhiều cơ quan có liên quan lại vi phạm như thế?".

Theo ông Cuông, từ ban Thường vụ tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre, đến UBND TP. HCM, qua thông báo thấy đều vi phạm cả. ông này nói: "Từ đó, tạo cho dư luận những băn khoăn về cách thức làm việc của các cơ quan Nhà nước này. Đây đều là những cơ quan quan trọng nhưng lại vi phạm như thế là điều đáng bàn. Đối với cán bộ cao cấp còn bị lộ như thế, thì biết bao nhiêu người chưa bị lộ?".

Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nhấn mạnh: "Vấn đề những cán bộ của TP.HCM và Bến Tre do "nể nang" mà làm sai trong việc cấp, cho thuê nhà đất đối với ông Truyền rất đáng xem xét. Nếu như địa phương nào, cơ quan nào cũng "nể nang" thì luật pháp có còn được thực thi hay không? Cứ "nể nang" như vậy thì Xã hội bị rối loạn".

Minh chứng đau đớn của việc kê khai tài sản

Hậu sự việc ông Trần Văn Truyền, người ta đã cảm nhận rõ nhất giá trị đích thực của câu chuyện kê khai tài sản cán bộ, đặc biệt là của quan chức. Theo thông báo nội dung kết luận của ủy ban Kiểm tra Trung ương, một số nhà và đất của ông Truyền mua ở TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre đều qua các thủ tục theo quy định, được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện. Có chăng, do biết cách khéo léo "trình bày hoàn cảnh", lại được các cơ quan quản lý "nể nang" nên ông ấy mới mua nhà, đất, xây biệt thự... một cách dễ dàng hơn người dân bình thường.

Câu chuyện đặt ra, nếu những cơ quan giám sát làm đúng, làm thẳng căng, ắt sẽ không dẫn đến hậu quả như vậy. Nếu việc kê khai tài sản được thực hiện minh bạch, chính xác cũng sẽ không có kết cục như ngày hôm nay. Cá nhân ông Trần Văn Truyền mất uy tín là lẽ đương nhiên, nhưng lớn hơn là làm mất uy tín của bộ máy công quyền vì ông Truyền là “tư lệnh” ngành thanh tra, cơ quan được đánh giá như “đầu sóng ngọn gió” trong “cuộc chiến” phòng chống tham nhũng, kiểm soát tài sản thu nhập cán bộ.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng khép lại câu chuyện: "Lâu nay, việc phanh phui ra quan chức liên quan đến nhà đất không phải là độc nhất vô nhị. Việc nhiều quan chức bị xử lý liên quan đến vi phạm đất đai có nhiều, nhưng tổng kiểm kê tài sản của một quan chức cao cấp thì có lẽ đây là lần đầu tiên". Tuy nhiên, điều mà dư luận còn băn khoăn là liệu vụ việc này có được tiếp tục xử lý bởi những quy định pháp luật của Nhà nước hay không? Bởi lẽ, với những sai phạm như vậy mà chỉ dừng ở mức "lấy nhầm thì trả lại" và "kiểm điểm rút kinh nghiệm" thì chúng ta cũng khó an lòng được về quyết tâm chống tham nhũng - một chủ trương đã được Đảng và Nhà nước nhấn mạnh từ nhiều năm qua.

Trong tương lai phải có sự liên kết dữ liệu các địa phương để quản lý

Liên quan đến vấn đề quản lý cấp đất, nhà, tài sản của cán bộ, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên & Môi trường nhận định, công tác quản lý quá lỏng lẻo nên mới dẫn đến chuyện lùm xùm giao đất cho người này, người kia. Trong khi là đất công, không được kiểm soát tốt, không ai biết, mới trở thành chuyện người này, người kia phải trả lại. Vì vậy, đây là thời điểm phải kỷ luật nghiêm minh đối với những người làm sai, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước. Hiện nay, Hồ sơ quản lý đất đai, tài sản nhà, đất của tỉnh nào cắt riêng của tỉnh đó, không có sự liên hệ với nhau. Trong tương lai, phải có sự liên hệ, liên kết dữ liệu giữa các địa phương để có thể quản lý, mới có thể biết được người này, người kia có đất, có nhà ở những nơi nào.

Theo Thơ Trịnh- Chí Thanh-Hoàng Minh-Thanh Lam/Doisongphapluat

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news