Tin mới

Vụ táo để 9 tháng không hỏng: Cơ quan chức năng đang đánh đố người tiêu dùng?

Thứ năm, 02/10/2014, 15:05 (GMT+7)

Chỉ trong vòng 4 ngày, hai kết luận của hai cơ quan chức năng về việc táo, lê để 9 tháng không hỏng lại hoàn toàn trái ngược nhau. Và người dân vẫn đang hàng ngày vừa trực tiếp sử dụng sản phẩm vừa hoang mang không biết đâu là kết luận sau cùng.

 

 

Chỉ trong vòng 4 ngày, hai kết luận của hai cơ quan chức năng về việc táo, lê để 9 tháng không hỏng lại hoàn toàn trái ngược nhau. Và người dân vẫn đang hàng ngày vừa trực tiếp sử dụng sản phẩm vừa hoang mang không biết đâu là kết luận sau cùng.

Thông tin về việc táo nhập khẩu để 5 tháng, thậm chí 9 tháng vẫn không hỏng, đồng thời có nhiều cho rằng, chỉ có chất độc bảo quản mới giúp cho hoa quả tươi lâu, ông Nguyễn Xuân Hồng (Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho rằng, không nên quá hoang mang khi trái cây để mãi không hỏng.

Ông Hồng khẳng định, táo để 9 tháng không hỏng là chuyện bình thường. Và để có dẫn chứng xác thực cho kết luận của mình, ông đưa ra các phương pháp bảo quản trái cây ở mức chuẩn cộng với các thuật ngữ chuyên ngành nghe khá lạ tai đối với người dân. Đó là các chất có khả năng kìm hãm quá trình sản sinh Etylen, hoóc môn thực vật, các chất ức chế Etylen, chất chống ôxy hóa Antioxidants, rồi Dephenyl amin (DPA), Ethoxiquyn và 1-MCP (1-metycyclopropene)…

Bác lại kết luận của ông Hồng, đại diện Viện nghiên cứu Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch – Tiến sĩ Trần Thị Mai, cán bộ của Viện khẳng định: "Chưa có tài liệu nào cho thấy táo để trong điều kiện bình thường, nhất là ở điều kiện gió mùa nhiệt đới ẩm như Việt Nam lại 9 tháng không hỏng".

Và cũng để bảo vệ cho kết luận của mình, Tiến sĩ Mai cảnh báo về loại hóa chất độc hại thường được sử dụng nhiều trong bảo quản hoa quả là 2,4D. Đây là thuốc diệt cỏ rất độc hại, có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số nhà sản xuất vì lợi ích kinh doanh đã đưa vào trái cây với mục đích kích thích sinh trưởng và bảo quản được lâu hơn. Tuy nhiên, chất này rất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khuyên người dân không nên hoang mang khi thấy táo để 9 tháng không hỏng (Ảnh: VOV)

Cùng quan điểm với Tiến sỹ Mai, đại diện Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm  và các chuyên gia công nghệ sinh học cũng nhận định, hoa quả khó có thể tươi lâu trong điều kiện bình thường. Theo đó, các yếu tố như hầm bảo quản hoa quả, màng phun polime tạo màng, chiếu xạ tiêu diệt vi sinh vật, sử dụng phóoc-mon…trong quy trình bảo quản hoa quả cũng được viện dẫn để minh họa.

Đối với người tiêu dùng, đa phần họ sẽ không quan tâm tới những phân tích chuyên môn mà đại diện của các cơ quan chức năng đưa ra xoay quanh câu chuyện của quả táo, quả lê “tươi mãi” đang làm nóng dư luận mấy ngày qua. Có thể vì không nhiều người có am hiểu về chuyên môn hóa chất và an toàn vệ sinh thực phẩm, hoặc có thể vì họ chỉ đơn thuần là người tiêu dùng; việc phân tích và đưa ra kết luận trái cây có được tẩm ướp hóa chất hay không và ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng ở mức độ nào thuộc về trách nhiệm của các cơ quan kiểm định. Vấn đề người dân quan tâm chỉ là sản phẩm trái cây có an toàn hay không, để từ đó họ đưa ra lựa chọn tiêu dùng.

Tuy nhiên, xoay quanh câu chuyện quả táo để 9 tháng không hỏng, trong khi cơ quan này khẳng định đó là chuyện rất đỗi bình thường thì cơ quan khác lại phản bác. Cục Bảo vệ thực vật cho biết, không nên vì trái cây để lâu không hỏng mà cho rằng chúng được bảo quản bằng hóa chất; và những loại trái cây này tuy để lâu nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị tươi ngon, chất dinh dưỡng, không ảnh hưởng tới sức khỏe. Còn Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm lại khẳng định, các loại hóa chất được sử dụng để giữ trái cây tươi lâu rất có hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Những kết luận trái ngược được các cơ quan chức năng đưa ra xoay quanh câu chuyện của trái táo giống một cuộc tranh luận trên một diễn đàn xã hội hơn là những phát ngôn từ các cơ quan chức năng có trách nhiệm làm rõ ràng và minh bạch vấn đề này. Và trong khi những kết luận trên đang trong giai đoạn hạ hồi phân giải thì chỉ những người tiêu dùng chịu thiệt thòi. Bởi chính sự lập lờm, tiền hậu bất nhất từ các kết luận của các cơ quan chức năng đang “đánh đố” người người dùng khiến họ rơi vào ma trận, không biết đâu là thật, là giả. Và trong khi vẫn tiếp tục tiêu thụ loại mặt hàng này, hậu quả như thế nào và ra sao thì người dân …tự lãnh.

Theo Vũ Đậu (Người đưa tin)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news