Tin mới

Vụ trâu chọi Đồ Sơn húc chết chủ: Phải xử lý cán bộ để trâu "điên" lên sới

Thứ tư, 05/07/2017, 08:45 (GMT+7)

Tại cuộc họp đột xuất của UBND quận Đồ Sơn chiều 4/7, lãnh đạo quận đã xin ý kiến các chủ trâu về việc lấy mẫu máu, nước tiểu trâu và được mọi người vui vẻ đồng thuận.

Liên quan đến việc trâu chọi Đồ Sơn húc chết chủ, chiều 4/7, lãnh đạo quận Đồ Sơn đã xin ý kiến các chủ trâu về việc lấy mẫu máu, nước tiểu trâu và được mọi người vui vẻ đồng thuận.

Theo thông tin trên Vietnamnet, Tri thức trực tuyến, sáng nay 5/7, ông Hoàng Xuân Minh – Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết quận sẽ cho thử chất kích thích tất cả các trâu còn lại.

Trâu số 18 đã được bắn chết để lấy mẫu vật phẩm xét nghiệm. Ảnh: Phong Pink

Lãnh đạo quận đã xin ý kiến các chủ trâu về việc lấy mẫu máu, nước tiểu trâu và được mọi người vui vẻ đồng thuận.

Mẫu máu của những con trâu chọi sẽ được gửi lên phòng PC54, Công an Hải Phòng. Theo một chủ trâu tham gia lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017 thì việc xét nghiệm này là chủ trương của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cùng UBND thành phố Hải Phòng.

Trước đó, tại cuộc họp giữa UBND quận Đồ Sơn và Bộ VH-TT&DL tại Hải Phòng ngày 2/7 vừa qua, chính quyền địa phương cho rằng việc trâu số 18 húc chết ông Đinh Xuân Hướng (47 tuổi, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn), là sự cố ngoài ý muốn. Trâu nổi điên phản lại chủ là do bị sốc tâm lý khi gặp tiếng động âm thanh trên sân.

Sau những lý giải rất chung chung, BTC lễ hội nói rõ “lỗi thuộc về người dân, chính quyền không chịu trách nhiệm”.

Quan điểm của chính quyền quận Đồ Sơn đã vấp phải sự phản đối từ Bộ VH-TT&DL.

Về việc này, nghệ nhân Đinh Đình Phú bày tỏ, "đây là lúc BTC lễ hội nên nhìn lại trách nhiệm của mình".

Theo lời ông Phú, trước giải đấu, chính ông đã yêu cầu ông Hướng trao đổi lại với ban tổ chức về biểu hiện lạ của trâu số 18.

Một chi tiết rất bất thường cũng được ông Phú cho biết, khi trâu 18 được nhốt tại buồng ở thời điểm trước khi vào tham gia đấu thì buồng này phải quây kín mít, bởi sợ rằng nếu trâu trông thấy người thì sẽ "nổi điên".

"Giờ người chết, trâu đã bị bắn bỏ, lại đổ hết lỗi cho người dân, cho trâu là sao?", nghệ nhân này đặt câu hỏi.

Cũng theo nghệ nhân Phú, Lễ hội chọi trâu là của nhân dân từ nghìn đời. Việc chính quyền đứng ra tổ chức lễ hội phải bài bản và chặt chẽ. Khi thấy trâu có biểu hiện “điên”, không hợp tác thì lẽ ra phải loại, không cho lên sới.

"Một lốt trâu để được vào đấu chúng tôi phải đóng tiền, đấu xong mổ trâu cũng phải đóng tiền triệu mới được bán thịt. Nhưng khi nói đến trách nhiệm thì không ai nhận. Vì thế BTC nên nghiêm túc rút kinh nghiệm, xử lý các cán bộ nằm trong khâu kiểm tra, xét duyệt trước thi đấu", ông nói.

Lãnh đạo Bộ và Cục Văn hóa cơ sở cũng nói rõ: Đảm bảo an toàn cho người và du khách tham dự là trách nhiệm của BTC và chính quyền địa phương. Đây là lễ hội văn hóa cấp quốc gia, vai trò của BTC là rất quan trọng, các khâu phải được chuẩn bị kỹ và chặt chẽ. Sự cố trâu húc chết người mà đổ hết cho dân là không thỏa đáng.

Anh Lưu Tuấn Đạt (phường Ngọc Hải, Đồ Sơn, Hải Phòng) - chủ của một "ông trâu" vô địch năm 2016 ở Đồ Sơn nhận định, theo kinh nghiệm của anh, trâu số 18 có biểu hiện sợ người khi vào sân thi đấu có thể do đặc tính của trâu miền Tây Nam Bộ ít được tiếp xúc với không khí đô thị.

Do đó, khi vào sân trâu bị ngợp bởi tiếng reo hò, màu sắc... và gây ra sự cố.

"Trong tâm thức của tôi cũng như tất cả người dân Đồ Sơn, không ai mong muốn Bộ Văn hóa cấm tổ chức lễ hội cả. Mất đi lễ hội, con người Đồ Sơn như mất đi dòng máu, mất đi truyền thống đã hun đúc từ bao đời nay", nguồn trên dẫn lời anh Đạt.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news