Tin mới

Vua Bảo Đại cưới vợ và chuyện "phá lệ" tấn phong hoàng hậu

Thứ hai, 15/09/2014, 10:32 (GMT+7)

Cho dù rình rang hay đơn mọn, nói chung đều là lễ cưới của dân hoặc quan. Nhưng ở thời phong kiến, là dân thì hiếm ai có dịp nhìn thấy, chứng kiến lễ cưới của nhà vua.

Cho dù rình rang hay đơn mọn, nói chung đều là lễ cưới của dân hoặc quan. Nhưng ở thời phong kiến, là dân thì hiếm ai có dịp nhìn thấy, chứng kiến lễ cưới của nhà vua.

 

Nỗi cô đơn của bà hoàng hậu cuối cùng Đất Gò Công có hai thứ nổi tiếng là gạo Nàng Thơm chợ Đào và… Nam Phương Hoàng hậu.

Năm 2014 tròn 80 năm vua Bảo Đại cưới vợ (1934), và 100 năm ngày sinh Hoàng hậu Nam Phương (1914). Dù “chú rễ và cô dâu” đều đã qua đời, nhưng nhờ tư liệu báo chí thời ấy, chúng ta biết được đại nét diễn tiến về cuộc đại hôn này.Thời Nguyễn, theo lệnh của vua Thiệu Trị, một số quan lại ở Kinh đô phụng mạng soạn sách Đại Nam hội điển sự lệ ghi chép những điển lệ chính yếu do chính quyền phong kiến Việt Nam ban hành từ 1802 – 1851. Sách khởi làm năm 1843, hoàn thành năm 1851, gồm có cả thảy 262 quyển.

Vì quá rườm rà nên về sau, sách Đại Nam điển lệ toát yếu tóm tắt cho gọn. Trong sách này, phần Tuyên sách văn lập Hoàng hậu, do Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Giác phiên âm và dịch nghĩa (Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1993) ghi: lệ mỗi khi gặp đại lễ sách lập Hoàng hậu, trước ngày lễ, phụng chỉ vua cho hội họp các Bộ phụ trách chế tạo sách vàng, ấn vàng và lỗ bộ nghi trượng.

Hoàng hậu Nam Phuong và vua Bảo Đại..

Viện Hàn lâm nghĩ soạn bài sách văn [bài để dâng tôn hiệu, để tuyên ngôn trong lễ lập Hoàng hậu], tờ chiếu cáo và các tờ biểu, tiên. Chọn ngày tốt Bộ Lễ tâu xin vua sai quan Khâm mạng kính cáo đàn Nam giao và Thái miếu. Phụng Hoàng đế thân đến điện Phụng tiên kính cáo việc lễ; kế đó đến cung Từ thọ đem ngày sách lập tâu cho Thái hậu biết.

Đến ngày lễ, đặt nghi lễ đại triều, phụng Hoàng đế ngự điện Cần chánh ban cờ tiết mao và kim sách kim bảo; quan Khâm mạng đem các thứ ấy vào cung, rồi do các hoạn quan chuyển tiến lên Hoàng hậu. Hoàng hậu bèn theo nghi lễ đến bái yết điện Phụng tiên, bái yết cung Từ thọ, và lạy tạ Hoàng đế.

Các quan lần lượt dâng tờ biểu và tiền chúc mừng [tiền là giấy vẽ rồng cũng như tờ biểu; văn biểu viết bằng thể tứ lục, còn thể văn tờ tiền thì không rõ thể nào]. Lễ sách lập xong, ban tờ chiếu bá cáo cho thiên hạ. Các địa phương đều dâng tờ biểu và tiền chúc mừng, do Bộ Lễ dâng lên Hoàng đế.

Tuy “sự lệ” chỉ ghi chép đến năm 1851 (thời vua Thiệu Trị, 1847-1883), tức trước khi vua Bảo Đại (1925-1945) cưới vợ năm 1934 những 83 năm, nhưng việc đại hôn về cơ bản vẫn diễn ra theo trình tự thủ tục của sách đã ghi.

Vì là tư liệu, nên tác giả xin trích dẫn đúng cách viết thời ấy của Nam phong tạp chí, số 193 tháng 2 + 3.1934:

Đức Bảo Đại gặp Hoàng hậu lần thứ nhất

Hồi tháng Giêng năm ngoái (năm Bảo Đại thứ 8) đức Bảo Đại nhân dịp ngự giá Nam tuần lần thứ hai, Ngài ngự lên Dalat, quan Công sứ Dalat có thết tiệc, nhân mời cả các thân hào Tây Nam ở Dalat đến dự, tình cờ Hoàng hậu đi cùng ông cậu là ông Lê Phát An ra chơi Dalat, nên cũng mời đến dự tiệc, đức Bảo Đại mới bắt đầu quen biết mà duyên trời cũng bởi từ đấy mà nên.

Gia thế Hoàng hậu

Trong Nam Kỳ ai cũng biết tiếng ông huyện Sĩ xưa là người giàu nhất xứ ấy. Nguyên ông tên là Lê Phát Đạt sinh ở Chợ Quán tỉnh Gò Công, là người đã giao thiệp với người Pháp khi mới bước chân đến xứ này trước nhất. Ông có công trạng to với các nhà đồn điền lớn ở Nam Kỳ, vả lại có đức cần kiệm, cho nên dần dần lên một vị cự phú ông ở xứ ấy.

Tem Bưu chính Hoàng hậu Nam Phương

Ông có ba người con trai là Lê Phát An, Lê Phát Tân, Lê Phát Thanh và một người con gái là bà Bảy. Bà Bảy lấy ông Nguyễn Hữu Hào sinh ra Hoàng hậu. Vậy thì Hoàng hậu là lệnh ái của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Bảy, mà là cháu ngoại ông huyện Sĩ, lại là cháu gọi ông Lê Phát An (là một nhà triệu phú hiện thời ở Nam Kỳ) bằng cậu.

Hoàng hậu có đủ tài văn chương, thể thao và âm nhạc, năm nay 21 tuổi, có nhập tịch dân Pháp và là người bên giáo, đã xin phép đức Giáo hoàng bên La Mã cho được kết duyên với đức Bảo Đại.

Đức Bảo Đại làm lễ Đại hôn và tấn phong Hoàng hậu

Ngày 6 Mars 1934, đức Bảo Đại phụng mệnh ba Tôn cung và hợp nghị cùng Lục bộ, phủ Tôn nhân, cùng Hoàng tộc rồi xuống Dụ định làm lễ Đại hôn và lập Hoàng hậu như sau này:

Dụ số 4 ngày 21 tháng giêng năm Bảo Đại thứ 9 Trẫm theo Ý chỉ của ba Tôn cung, Trẫm định lập nội cung để có người nội trợ. Nhưng muốn lập một người cho có học thức hoàn toàn, sách lập liền làm Hoàng hậu, để chánh vị trong cung, thời ba Tôn cung đã chuẩn doãn rồi. Đối với văn minh bây giờ, thì phong tục đã mở mang, thế mà còn nạp vào nội cung cho nhiều người, chia giai cấp cho nhiều bậc, tất không thích hợp với trình độ tiến hóa ngày nay. Ấy cho nên Trẫm định bỏ tục xưa ấy đi. Vả chăng Trẫm chọn người làm cổ quăng, đã không câu nệ người Nam với Bắc, thời nay lựa người nội trợ, chỉ cần lấy hiền đức, chớ cũng không nệ là người ở xứ nào. Vậy nên Trẫm lựa một người thiếu nữ quán ở Nam Kỳ, tên là Nguyễn Hữu Thị Lan tức là Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Hào, con một nhà có danh giá trong lục tỉnh. Nguyên xứ Nam Kỳ trước đây đã có một vị quốc mẫu đáng tôn kính, làm tiêu biểu ở chốn cung vi, đến bây giờ nhắc đến đức Từ Dụ là đức Nghi thiên Chương Hoàng hậu, người trong Hoàng tộc hãy còn ghi nhớ luôn.

Đến Trẫm bây giờ mà nối được lề xưa, để tỏ lòng hoài niệm với nhân dân trong Lục tỉnh thời Trẫm lấy làm vui mừng.

Người mà Trẫm sách lập làm Hoàng hậu đây, đã từng du học bên quí Pháp quốc lâu năm cũng như Trẫm vậy, cho nên đã dung hòa được văn hóa tốt đẹp của Tây Âu và tinh thần vẻ vang của Đông Á, mà trở nên một người nhân cách hoàn toàn.

Trẫm đã từng biết rồi, đức hạnh người ấy đáng làm hiền phối cho Trẫm, và cũng đáng làm khuôn mẫu ở ngôi chánh vị trong cung. Hễ người ấy vào cung, thời Trẫm cho lập liền làm Hoàng hậu.

Bà Hoàng hậu là người giáo đức cho vua và việc lập hậu là việc quan hệ, vậy Trẫm cho sở quan sắp đặt sự nghi thế nào cho xứng đáng và trọng sự thể.

Khâm thử.

Tem Bưu chính Hoàng hậu Nam Phương

Dụ tại Cung An Định ngày 21 tháng giêng năm Bảo Đại thứ 9. Ngự tiền Văn phòng cung lục.

Các nghi lễ Đại hôn và tấn phong Hoàng hậu

- Ngày mồng một tháng Hai (15 mars 1934). Đức Bảo Đại ngự khăn vàng áo thụng vàng ngự đến điện Phụng Tiên, có các quan nội thần đi hầu, để làm lễ kỳ cáo; rồi tâu với Lưỡng tôn cung và Hoàng thái hậu về việc làm lễ Đại hôn.

- Ngày 3 tháng Hai (17 mars). Hoàng thân Bửu Liêm cùng Phủ thiếp và Hoàng tùng đệ vào Lăng Cô đón Hoàng hậu rước về Kinh đô. Khi tới cung Trú tất ở Kinh đô, Hoàng hậu trú ở cung ấy suốt ngày mồng 3, 4 và 5 tháng 2 (17, 18 và 19 mars).

- Ngày 6 tháng Hai (20 mars).

+ 9 giờ sáng đón Hoàng hậu vào Đại nội. Khi ở cung Trú tất khởi hành, Hoàng hậu đội khăn thiên thanh, mặc áo thụng thêu đỏ, có các bà Phủ thiếp, các công chúa, các bà mệnh phụ đều thịnh phục đến đón Hoàng hậu vào Đại nội. Có bốn lọng đỏ, mười lá cờ đứng giàn trước cung Trú tất.

Hoàng hậu và quý quyến ngồi trên chiếc ô tô đi giữa các ô tô khác.

Quan Đề đốc hộ thành mặc binh phục, cưỡi ngựa, có các toán lính đi theo để hộ vệ đám rước từ cung Trú tất đến cửa Chương đức.

Mé trong cửa ấy có quan Đô thống đứng đón, đưa đám rước vào cung Dưỡng tâm. Suốt hai bên đường từ cửa Chương đức đến cung Dưỡng tâm đều có cắm cờ.

+ 10 giờ rưỡi, đức Bảo Đại ngự khăn áo vàng ngự ra điện Cần chánh, có các quan nội thần đi hầu. Hoàng hậu yết kiến tại điện Càn thành. Đoạn đức Bảo Đại ngự vào điện Kiến trung, rồi Hoàng hậu lui ra cung Dưỡng tâm.

+ 11 giờ, các quan đình thần, các bà mệnh phụ đều mặc áo gấm, đeo huy chương vào mừng Hoàng hậu. Các quan thì do quan Lại bộ Thượng thư giới thiệu; các bà mệnh phụ thì do bà Hiệp Lại giới thiệu.

+ 4 giờ chiều, Hoàng hậu vào chầu Lưỡng tôn cung và Hoàng thái hậu.

- Ngày 8 tháng Hai (22 mars). 9 giờ sáng, Hoàng hậu đến bái yết miếu Phụng tiên. Rồi vào chầu Lưỡng tôn cung và Hoàng thái hậu.
- Ngày 10 tháng Hai (24 mars).

+ 8 giờ sáng. Các quan Khâm mệnh làm lễ bái mệnh tại điện Cần chánh, lĩnh cờ mao tiết, có nhạc công rước kim ấn và kim thư do cửa Đại cung môn tới Thái bình lâu.

+ 8 giờ rưỡi. Đám rước tới Thái bình lâu, có Hoàng hậu đã tới đấy, sai các nội quan ra lĩnh cờ mao tiết, kim ấn cùng kim thư đặt trên bàn phủ vóc vàng để ở giữa điện ấy.

Hoàng hậu xá ba xá bái mệnh, các nội quan dâng kim ấn và kim thư, Hoàng hậu tiếp nhận dâng lên ngang trán xá ba xá để tạ ân.

Hoàng hậu giữ lấy kim ấn và kim thư, còn cờ mao tiết thì giao cho các quan Khâm mệnh đem về phục mệnh tại điện Cần chánh.

+ 9 giờ. Quan quyền Toàn quyền Graffeuil, quan Khâm sứ Thibaudeau, quan Thống sứ Tholance cùng các quan chức văn phòng các ngài vào điện Kiến trung chúc mừng Hoàng hậu.

+ 3 giờ chiều. Hoàng hậu mặc mũ áo Hoàng hậu đến bái yết tại miếu Phụng tiên. Đoạn, Hoàng hậu đến bái yết Lưỡng tôn cung và Hoàng thái hậu. Ba Tôn cung có ban tặng phẩm và lời huấn thị.

Đoạn, Hoàng hậu đến điện Cần thành, có các quan nội thần đi theo, làm lễ xá ba xá tạ ân đức Bảo Đại.

Ngày làm lễ tấn phong Hoàng hậu này các công sở của Nam triều và các trường học đều được nghỉ một ngày. Khắp các công sở đều treo cờ, đốt đèn. Có bày các trò du hí trước Phu văn lâu cho công chúng xem. Ở Bắc Kỳ quan Thống sứ cũng hạ lệnh cho các công sở và các trường học đều nghỉ một ngày để tỏ ý kính mừng Hoàng thượng cùng Hoàng hậu.

Buổi tối, đức Bảo Đại đặt đại yến tại cung An định, có quan quyền Toàn quyền Graffeuil, Lưỡng tôn cung, Hoàng thái hậu, quan nguyên Phụ chánh thân thần Tôn Thất Hân, quan Khâm sứ Trung Kỳ, quan Thống sứ Bắc Kỳ, các quan Đại thần Nam triều, các viên chức Tây Nam cả thảy chừng bảy trăm người dự tiệc.

- Ngày 12 tháng 2 (26 mars). Buổi sáng, tại điện Thái hòa có đặt lễ Đại triều hạ để các quan làm lễ mừng đức Bảo Đại về dịp Đại hôn Ngài. Đến dự có quan quyền Toàn quyền Graffeuil, quan Khâm sứ Trung Kỳ, quan Thống sứ Bắc Kỳ, quan Thống đốc Nam Kỳ cùng đông các quan chức Bảo hộ. Quan quyền Toàn quyền thay mặt đức Giám quốc Lebrun, quan Tổng trưởng Thuộc địa Pierre Laval, quan Toàn quyền thực thụ Robin cùng tất cả các người Pháp ở Đông dương tỏ lời chúc mừng đức Bảo Đại. Đức Bảo Đại đứng dậy nói mấy lời cảm ơn.

Đến các quan trong triều, các quan đại biểu quan lại các tỉnh Trung Kỳ cùng Bắc Kỳ dâng các biểu mừng rồi cùng xá ba xá.

Về dịp lễ Đại hôn của đức Bảo Đại này, đức Giám quốc Đại Pháp Albert Lebrun, quan Thượng thư Thuộc địa Pierre Laval, đều có gửi điện tín sang chúc mừng đức Bảo Đại và Hoàng hậu.

Ân chiếu về dịp lễ Đại hôn và tấn phong Hoàng hậu đã thành

Đức Bảo Đại làm lễ Đại hôn tấn phong Hoàng hậu đã thành rồi, Ngài có ban ân chiếu như sau này:

Chiếu ban ngày 12 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 9 (26 mars 1934) Vâng mệnh Trời, dấy vận nước, Hoàng đế xuống chiếu rằng: Giữa vũ trụ xây nên trời đất, có mặt trăng đối chiếu với mặt trời; chốn cung vi lập đạo cương thường, ngôi Hoàng hậu sánh vai cùng Hoàng đế. Lễ nên tôn quí là lẽ thiên nhiên. Trẫm tuân theo Ý chỉ của ba Tôn cung, định lập Nội cung để có người nội trợ, nhưng muốn lựa một người học thức hoàn toàn, hiền đức có tiếng, sách lập liền làm Hoàng hậu, để chính vị trong cung. Người ấy là Nguyễn Hữu Thị Lan, quán ở Nam Kỳ, con nhà khuê tú, có danh giá ở trong Lục tỉnh. Xứ Nam Kỳ là đất khánh nguyên của các bà Hoàng hậu tiên triều, cho nên người của Trẫm chọn đây, là một người đứng đắn, đã từng du học bên quí Pháp quốc lâu năm, kiến thức rộng rãi, học hạnh kiêm toàn, nên dung hòa được văn hóa của Âu và Á, Trẫm biết chắc người này đáng làm hiền phối cho Trẫm ở ngôi Chánh hậu trong cung.Trẫm đã thỉnh mạng ba Tôn cung du doãn rồi. Ngày 21 tháng giêng đã xuống dụ cho biết việc Trẫm lập Hậu; ngày mồng một tháng này đã kỳ cáo Liệt miếu; ngày mồng 6 đưa vào Cung; ngày mồng 10 đã phái Mệnh quan đệ kim sách, kim bửu tấn phong làm Hoàng hậu rồi.

Nay đại lễ đã thành, hồng ân ban bố, có các khoản thi ân và thích giảm sẽ do các bộ sở quan thương thỏa công bố thi hành. Đạo sinh thành quẻ Khôn đối với quẻ Càn, chữ “Quí quí” cũng thể theo kinh Dịch; nền phong hóa việc nhà suy ra việc nước, thơ “Quan quan” là chép trước kinh Thi. Vậy nên bá cáo mọi người cùng hay. Khâm tai!Qua trên ta thấy trong việc cưới, chỉ có Bảo Đại, vị vua cuối cùng triều Nguyễn đã mạnh dạn “phá lệ”:

1. Chúng ta đều biết, các vị vua tiền triều đều có lệnh cấm rất khắc nghiệt mọi sự hoạt động của các thừa sai, tùy từng thời mà mức độ đàn áp có khác nhau, đôi lúc “gặp đâu giết đó”; những người tin nghe, nhẹ lắm cũng phải bị nhục hình bằng cách thích chữ “tả đạo” lên trán! Nay Bảo Đại chọn cô Nguyễn Hữu Thị Lan là người theo đạo Cơ Đốc, lại là “đạo dòng” làm vợ, nên triều đình không thể không phản đối. Nhưng ông bất chấp, quyết vượt mọi rào cản của những người trong hoàng tộc, đến mức lớn tiếng: “Cưới vợ cho Trẫm, hay cho triều đình?”.

2. Kể từ khi Gia Long khai sáng triều Nguyễn cho đến 12 đời vua nối tiếp, các vị chỉ phong cho vợ tước Vương Phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu. Nhưng vua Bảo Đại thì khác, ông không ngần ngại tấn phong Hoàng hậu cho vợ ngay trong lễ cưới đúng như yêu cầu trước đó của gia đình bên vợ; bà vẫn được theo đạo Chúa; và các con khi sinh ra đều phải rửa tội theo đạo của mẹ. Còn vua thì được giữ đạo cũ là Phật giáo. Do Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan (hay Mariette Jeanne hoặc Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào) “có vẻ đẹp dịu dàng của người con gái phương Nam, thùy mị và quyến rũ”, nên nhà vua đặt cho danh hiệu Hoàng hậu là Nam Phương.

Vấn đề lập ngôi Hoàng hậu, ngoài những áp lực từ bên ngoài (gia đình bên vợ và các quan chức người Pháp – cụ thể, tác giả của kịch bản này chính là ông Charles, cựu khâm sứ Pháp, cha nuôi của Bảo Đại, người “bảo trợ” hoàng đế suốt những năm học tập ở Pháp), ta có thể truy tìm duyên cớ để nghiệm giải thêm chuyện hết sức tế nhị này:

Vua Gia Long có rất nhiều phi tần, mỹ nữ hầu hạ. Truyền rằng chính thức có đến 17, 18 bà. Sống giữa một tập thể nữ giới rần rần như vậy chắc ông đã gặp không biết bao nhiêu là rắc rối! Theo tiết lộ của một quan chức người Pháp khá thân cận với Ngài là Michel Chaigneau (quan đại thần, được vua Gia Long ban cho tên Việt là Nguyễn Văn Đức), thì vua rất ngao ngán cái đám nữ giới này, thậm chí ông còn gọi họ là “một lũ quỷ sứ” thì quả tình trạng nơi thâm cung tồi tệ biết chừng nào! Phải chăng đó chính là nguyên nhân? Kinh nghiệm thực tiễn này nhà vua không thể không nghiêm dạy trong nội bộ hoàng tộc, và bản thân ông cũng như các vị nối ngôi – ngoại trừ Bảo Đại – đều không lập Hoàng hậu.
Như vậy việc vua Bảo Đại cưới vợ là người Công giáo, và lập ngôi Hoàng hậu ngay trong lễ cưới là những hình thức phá lệ tích cực, rất đáng ghi nhận, coi như triều đình đã chính thức xóa bỏ sự kỳ thị giữa lương và giáo; “mở bửng” để người dân quen dần với nếp sống văn minh phương Tây, mà hơn hết là tôn vinh người phụ nữ.

* Cho đến nay người dân vẫn cảm mến đức độ và luôn thể hiện sự tôn kính đối với hai vị Hoàng hậu triều Nguyễn (đều người tỉnh Tiền Giang nay): bà Từ Dụ (hay Từ Dũ, tên thật Phạm Thị Hằng 20.6.1810 – 12.5.1902), vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức, và bà Nam Phương (tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan, 14.12.1914 – 16.12.1963), vợ vua Bảo Đại, người đã chủ tọa Tuần lễ vàng ủng hộ Cách mạng Tháng tám năm 1945, và từng gửi thông điệp cho bạn bè trên thế giới yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Theo Nguyễn Hữu Hiệp/ Dân Việt

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news