Các dòng xe 125 đến dưới 175 phân khối đang được đề xuất không xếp vào nhóm mặt hàng xa xỉ, mà chỉ nên coi chúng là phương tiện giao thông bình thường như các dòng xe máy khác không thuộc đối tượng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2015, nhóm Công tác Công nghiệp ô tô và xe máy (bao gồm các công ty thuộc các cấu phần của ngành công nghiệp ô tô, xe máy) tiếp tục đề xuất kiến nghị không nên xếp dòng xe máy từ trên 125 đến dưới 175 phân khối vào nhóm hàng xa xỉ để liệt nhóm này vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Theo đó, chỉ nên coi các dòng xe náy là phương tiện giao thông thông thường như các dòng xe máy khác không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB, tương tự một số quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia và phù hợp với việc phân loại xe máy trong việc cấp bằng lái xe.
Honda SH 150i giá 80 triệu đồng, cao hơn nhiều so với SH 125i. Ảnh: Internet |
Kiến nghị nêu trên dưa trên một số như về mặt kỹ thuật và công nghệ, cấu trúc và việc sử dụng các xe máy trên 125 đến dưới 175 phân khối (cụ thể là các xe 135 và 150 phân khối đang có mặt trên thị trường hiện nay) không khác biệt nhiều so với xe 125 phân khối, ngoại trừ dung tích xi lanh.
Về mặt kinh tế - xã hội, từ khi thuế TTĐB được áp dụng, khách hàng trở nên e dè hơn khi lựa chọn dòng xe gắn máy trên 125 phân khối và trên thực tế, số lượng bán của dòng xe này giảm đáng kể trong khi các chúng từng có thị trường khá lớn tại Việt Nam. Điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà sản xuất trong nước có sản xuất dòng xe dung tích trên 125 phân khối.
Mặt khác, việc khách hàng không muốn trả thêm số tiền thuế TTĐB khá cao sẽ khiến số lượng bán ra của các dòng xe này giảm mạnh, làm thất thu một khoản không nhỏ nguồn thuế giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, việc áp thuế TTĐB cũng làm cho khách hàng mất cơ hội sở hữu những chiếc xe máy có kỹ thuật sản xuất tiên tiến.
“Chúng tôi nhận thấy việc áp dụng thuế TTĐB đã tạo một áp lực lớn cho các nhà sản xuất xe máy trong nước. Chính sách thuế này cũng gây ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp xe máy. Bởi chúng tôi không dám mạnh dạn đầu tư vào việc sản xuất dòng xe có dung tích trên 125 phân khối này, trong khi đây là dòng xe được xem là một phương tiện giao thông có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại””, đại diện nhóm cho biết.
Một trong những lý do nữa của đề xuất chính là việc mặt bằng chính sách. Theo phân tích của nhóm thì trên thực tế cho thấy, các chính sách thuế và phí có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh xe máy tại Việt Nam đều áp dụng chung không có sự phân biệt giữa xe máy 125 phân khối và các xe máy có dung tích xy lanh trên 125 đến dưới 175 phân khối. Chẳng hạn như thuế nhập khẩu không có sự phân biệt khi áp dụng thuế suất cho xe máy từ 50 đến 200 phân khối.
Hiện tại, luật Thuế TTĐB quy định xe máy trên 125 phân khối chịu mức thuế 20%. Với cách áp dụng này, xe 150 phân khối tuy không có nhiều khác biệt với 125 phân khối nhưng mức giá lại bị độn lên đáng kể.
Đơn cử, một chiếc Honda SH 150i, chỉ chênh 25 phân khối so với SH 125i nhưng giá bán cao hơn tới 21%. Mức giá bán lẻ đề xuất của Honda với SH 125i là 66 triệu, trong khi SH 150i là 80 triệu đồng.
Nếu đề xuất bãi bỏ thuế này được thông qua, thì một chiếc SH 150i có thể giảm giá gần 20 triệu đồng.
Nam Nam