Liên quan đến sai phạm đất đai xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, sáng nay (8/8), TAND H.Mỹ Đức đã mở phiên sơ thẩm xét xử 14 bị cáo nguyên là cán bộ xã Đồng Tâm và H.Mỹ Đức.
Các cán bộ này mỗi người được hưởng lợi 2 suất đất với tổng diện tích từ hơn 260 đến 334 m2 mà không phải nộp tiền đất. Ảnh: TTTT |
Theo thông tin trên Dân trí, Thanh niên, Công an Nhân dân, sáng nay, 8/8, Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức đưa ra xét xử 14 bị cáo nguyên là cán bộ xã Đồng Tâm và cán bộ huyện Mỹ Đức (Hà Nội) có sai phạm trong công tác quản lý đất đai ở xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức.
Người dân đứng chật kín bên ngoài cổng trụ sở TAND huyện Mỹ Đức. Ảnh: TTTT |
Các bị cáo bị xét xử về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Dự kiến phiên tòa diễn ra 2 ngày.
Trả lời thẩm vấn, hầu hết các bị cáo thừa nhận cáo trạng truy tố đúng nhưng viện lý do rằng khi đăng ký mua đất đều không biết đây là đất giãn dân theo quyết định 868.
Lạ lùng hơn là các bị cáo đã thực hiện các thủ tục để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng lại khai rằng không biết thực địa đất như nào.
Bị cáo Nguyễn Văn Đức - nguyên chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm cho biết được ông Trường - cán bộ địa chính cho biết có một khu đất do vị trí xấu người dân không mua nên sẽ bán cho “anh em”. Ông Đức lý giải do không biết đây là đất cấp cho đối tượng giãn dân nên đã đăng ký mua một suất.
Tôi cũng không có bằng cấp chính quy, học hành thì chắp vá nên không có hiểu biết đầy đủ quy định của pháp luật”, ông Đức nói.
Bị cáo Nguyễn Văn Khang - nguyên kế toán ngân sách xã Đồng Tâm cũng khai năm 2007, 2008 ký vào biên bản việc giao cấp đất cho cán bộ của xã do ông Trường đưa.
Theo ông Khang, vì không nắm được quy hoạch, không biết khu đất cấp cho đối tượng giãn dân nên thấy cán bộ địa chính bán thì đăng ký mua. “Sau khi người dân có tố cáo thì tôi mới biết việc mua bán này là sai vì mình không phải đối tượng giãn dân”, ông Khang khai.
Bị cáo Nguyễn Văn Hồng, nguyên xã đội trưởng thì cho biết dù không tham gia hội nghị nào của xã về việc mua bán đất nhưng thấy ông Trường đưa biên bản có sẵn tên rồi nên ký vào.
Ông Hồng khai rằng thời điểm đó con cái chuẩn bị lập gia đình, thấy xã thông báo bán đất cho cán bộ và nghĩ rằng mình thuộc diện “được quan tâm” nên ký vào biên bản mua đất.
“Đến giờ bị cáo nhận thức thấy sai rồi, mong hội đồng xét xử xem xét chứ cũng không biết nói sao nữa”, ông Hồng nói.
9h50: Sau khi đại diện VKS công bố bản cáo trạng dài hơn 20 trang, tòa tạm nghỉ trước khi bước vào phần xét hỏi.
Tại bản cáo trạng dài hơn 20 trang đã nêu rõ vi phạm của nhóm cán bộ gây thiệt hại hàng tỷ đồng:
Bị cáo Nguyễn Văn Sơn - nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm đã cấp, giao đất trái thẩm quyền cho 4 hộ dân với tổng diện tích hơn 1.000 m2, "đút túi" hơn 28 triệu đồng.
Ngoài ra, ông Sơn còn có hành vi cấp, giao đất cho 11 hộ không đúng đối tượng hơn 1.200m2, không thu tiền sử dụng đất; Giao đất sai đối tượng cho 29 hộ dân với diện tích hơn 2.600m2, thu tiền vụ lợi hơn 1,5 tỷ đồng (để ngoài ngân sách xã 50 triệu đồng).
Đối với nguyên chủ tịch xã khác là Lê Đình Thuần, cơ quan chức năng xác định năm 2002-2003, Thuần đã lập hồ sơ xác nhận hợp thức cho 12 hộ dân đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mặc dù đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp thuê thầu, đất lấn chiếm… Số đất hợp thức hóa gần 1.900m2.
Bị cáo Nguyễn Xuân Trường - nguyên cán bộ địa chính đã cùng nguyên chủ tịch xã Nguyễn Văn Bột và Nguyễn Văn Sơn cấp, bán đất, giao đất trái thẩm quyền cho 9 hộ dân với tổng diện tích hơn 1.600m2, thu số tiền vụ lợi 21 triệu đồng; Cấp giao đất sai đối tượng cho 29 hộ dân với hơn 2,6 ngàn m2 thu số tiền vụ lợi hơn 1,5 tỉ đồng.
Trường cùng Lê Đình Thuần làm hồ sơ, xác nhận hợp thức nguồn gốc sử dụng đất cho 12 hộ dân từ đất giao trái thẩm quyền, sai đối tượng, đất lấn chiếm thành đất thổ cư với tổng diện tích hơn 1.800m2. Bản thân Trường được hưởng lợi 2 suất đất với tổng diện tích 260m2 không phải nộp tiền theo quy định.
Nguyên Bí thư đảng ủy xã Nguyễn Tiến Triển đã đồng ý chủ trương của UBND xã về việc chia đất cho 10 cán bộ xã trái quy định với tổng diện tích hơn 1.200m2, không thu tiền sử dụng đất.
Đồng ý chủ trương và kế hoạch tổ chức đấu thầu sai quy định dẫn đến 29 hộ trúng đấu thầu sai đối tượng thu số tiền vụ lợi cho UBND xã hơn 1,5 tỉ đồng. Bản thân được hưởng lợi 2 suất đất với tổng diện tích hơn 330m2 không phải nộp tiền đất.
Cáo trạng cũng xác định liên quan đến các sai phạm của cán bộ xã Đồng Tâm còn có sự thiếu trách nhiệm của 4 cựu cán bộ phòng TN&MT, văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức.
Nhóm cán bộ cấp huyện đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, thẩm tra nguồn gốc đất, dẫn đến ký xác nhận không có căn cứ.
Trong đó, Đinh Văn Dũng đã ký xác nhận 8/12 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 650 triệu đồng. Trần Trung Tấn ký 9/12 hồ sơ gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, Bạch Văn Đông gây thiệt hại hơn 580 triệu đồng.
Bị cáo Phạm Hữu Sách - nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức không thẩm định hồ sơ nhưng vẫn ký tờ trình để UBND huyện ra quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 12 hộ ở Đồng Tâm, gây thiệt hại hơn 1,2 tỉ đồng.
Trước khi phiên toà bắt đầu, ngay từ sáng sớm trước cổng TAND huyện Mỹ Đức chật kín người dân đến theo dõi. Tuy nhiên, do phòng xử án chật nên Toà chỉ cho những người tham gia tố tụng được vào dự phiên xử. Nhiều nhà báo đại diện cho các cơ quan báo chí cũng dự phiên toà để thông tin diễn biến quá trình xét xử.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Bạch Văn Đông cho rằng, một số nhân chứng trong vụ án này được Toà triệu tập nhưng không đến sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bị cáo. Luật sư cho rằng, chưa có văn bản nào xác định thiệt hại cụ thể về vật chất trong vụ án này là bao nhiêu? Luật sư này cũng đề nghị HĐXX triệu tập thêm Hội đồng định giá đất của xã Đồng Tâm để làm rõ thiệt hại về vật chất do các bị cáo gây ra.“Nếu không triệu tập được các nhân chứng và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan, đề nghị HĐXX tạm hoãn phiên toà”, luật sư đề nghị.
Đại diện Viện KSND huyện Mỹ Đức nêu quan điểm, quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã tiến hành lấy lời khai của các nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này. Lời khai của các nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan được Toà triệu tập đã thể hiện trong hồ sơ vụ án nên không cần thiết phải triệu tập.
Quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết thì HĐXX có thể tiếp tục triệu tập để làm rõ hơn các vấn đề liên quan. Về đề nghị triệu tập bổ sung Hội đồng định giá đất của xã Đồng Tâm, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, các văn bản liên quan đến việc định giá tài sản thiệt hại đã có trong hồ sơ vụ án nên không phải triệu tập bổ sung Hội đồng định giá đất của xã Đồng Tâm.
Trên cơ sở đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX xét xử vụ án này theo quy định. Sau khi hội ý, Chủ toạ phiên toà cho rằng, đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với quy định của pháp luật nên quyết định tiếp tục phiên toà.
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2002 đến 2013, một số cán bộ, lãnh đạo xã Đồng Tâm vì động cơ vụ lợi đã thực hiện việc cấp, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định.
Tính đến năm 2013, các bị can đã giao đất trái quy định cho 29 hộ dân ở xã Đồng Tâm. 14 bị cáo đều được hưởng lợi đất mà không phải nộp tiền đất (mỗi bị cáo được hưởng lợi 2 suất đất, với tổng diện tích từ hơn 260 - 334 m2).