Sáng nay 20.1, phiên xử bước vào phần đối đáp của vị đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại tòa. Hầu hết các luận chứng của luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các Cty, ngân hàng và cá nhân đều bị VKS cho rằng không có căn cứ yêu cầu Vietinbank trả tiền mà cáo buộc bị cáo Huyền Như phải chịu trách nhiệm.
Theo VKS, thì bị cáo Huyền Như chịu trách nhiệm chứ không phải Vietinbank về số tiền chiếm đoạt của 15 đơn vị, cá nhân. Ảnh: Phùng Bắc
Cũng trong sáng nay, các luật sư bảo vệ cho các đương sự đã nộp đơn lên HĐXX đề nghị quay lại phần xét hỏi, với các lý do là đến nay Vietinbank vẫn chưa trả lời các câu hỏi của luật sư.
Tại tòa, có nhiều tình tiết mới, bằng chứng mới hết sức quan trọng… và quay lại phần xét hỏi cũng phù hợp với Điều 219 Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận đề nghị này của các luật sư, mà đi thẳng vào phần đối đáp của VKS.
Vị đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại tòa cho rằng: “Vietinbank không phải bị hại, không thiệt hại trong vụ án này là đúng”.
Về quan điểm của luật sư cho rằng Vietinbank quá lỏng lẻo trong khâu quản lý, quản trị rủi ro, nhiều hợp đồng, lệnh chi tiền dễ bị thông qua… là nguyên nhân dẫn tới hậu quả”, VKS cho rằng 15 đơn vị và cá nhân bị thiệt hại trong vụ án này là do hành vi trái pháp luật của bị cáo Huyền Như gây ra chứ không phải do sự lỏng lẻo thiếu thanh tra, kiểm soát của Vietinbank.
Xác định lại hậu quả do bị cáo Huyền Như gây ra, VKS cũng cho rằng không cần thiết, bởi lẽ kết luận điều tra, cáo trạng của VKS và luận tội của VKS đã chỉ ra hành vi lừa đảo của bị cáo Huyền Như đã gây ra thiệt hại cho 15 đơn vị và cá nhân số tiền gần 4.000 tỉ đồng, còn việc số tiền này sử dụng như thế nào đã được kết luận điều tra cũng như cáo trạng và luận tội chỉ rõ là Huyền Như lấy tiền người sau, mang trả cho người trước, những người cho vay lãi nặng. VKS cho rằng yêu cầu này không cần thiết.
Về các đơn vị và cá nhân trong vụ án yêu cầu Vietinbank bồi hoàn thiệt hại. VKS cho rằng đã xác định bị cáo Huyền Như là người đã lừa đảo chiếm đoạt của 15 đơn vị và cá nhân tổng số tiền gần 4.000 tỉ đồng, buộc bị cáo Huyền Như bồi thường thiệt hại cho các đơn vị và cá nhân là đúng. Vì vậy 15 đơn vị, cá nhân không yêu cầu bị cáo Huyền Như bồi thường mà yêu cầu Vietinbank bồi thường là không có căn cứ, không chấp nhận.
Bảo vệ quyền lợi cho ACB, luật sư đưa ra 8 điểm, buộc Vietinbank bồi thường. VKS vẫn bảo vệ quan điểm Vietinbank không bồi thường. Vị đại diện VKS cho rằng: “Hợp đồng thật, con dấu thật, chữ ký thật, là đúng. Thật với ACB nhưng giả với Vietinbank. Vì Vietinbank không đưa ra mức lãi suất vượt trần, lãi suất ngoài hợp đồng…”(!?).
Vị đại diện VKS cũng cho rằng: “Giao dịch bất hợp pháp, ACB đã phó thác toàn bộ số tiền của mình cho Huyền Như, để cho Như có quyền tách số tiền chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn, mà người gửi tiền phải có trách nhiệm thủ tục gửi tiền nhận. Các nhân viên ACB thực hiện tự nguyện giao cho Huyền Như”.
Nhận định của luật sư Lưu Văn Tám, Huyền Như phạm tội tham ô, thì đại diện VKS lại cho rằng: “Luật sư đã nhầm lẫn. Xét về hành vi, khách quan là bị cáo Như chiếm đoạt tiền của ACB, chứ không phải chiếm đoạt của Vietinbank, vì ACB đi theo con đường ý đồ của bị cáo Như. ACB đã mất quyền kiểm soát với số tiền của mình. Chúng tôi phủ nhận quan điểm của luật sư Lưu Văn Tám về hành vi tham ô của Như”.
Chiều nay (20.1), tiếp tục diễn ra phần đối đáp của luật sư với VKS.
Theo laodong.com.vn