Tin mới

Xuất hiện bằng chứng mới tố Huyền Như tội tham ô, có thể lãnh án tử hình

Thứ sáu, 17/01/2014, 16:27 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Trong khi phía Vietinbank phủ nhận các cáo buộc có liên quan trách nhiệm trong vụ Huyền Như thì sáng nay, luật sư đại diện cho ngân hàng ACB đã công bố bằng chứng mới quan trọng.

 

 

 

 

(Tinmoi.vn) Trong khi phía Vietinbank phủ nhận các cáo buộc có liên quan trách nhiệm trong vụ Huyền Như thì sáng nay, luật sư đại diện cho ngân hàng ACB đã công bố bằng chứng mới quan trọng.

 

Cụ thể, tại phiên tòa sáng nay, Luật sư Lê Thanh Hải - đại diện Ngân hàng Á Châu (ACB) - đã công bố bức thư xác nhận số dư tài khoản của Vietinbank vừa gửi cho nhân viên ACB ngày 8/1/214. Đây được cho là bằng chứng quan trọng chứng minh vai trò và trách nhiệm của phía Vietinbank.

Theo đó, ông Phạm Công Hoàng – một trong những nhân viên ACB gửi tiền vào Vietinbank - đã nhận được một bức thư của ngân hàng này qua đường bưu điện. Bên trong là giấy xác nhận số dư tài khoản của ông Hoàng tại Vietinbank, được bà Nguyễn Thị Ngân, Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh TPHCM ký tên và đóng dấu.

Huyền Như,siêu lừa Huyền Như,án Huyền Như

Bị cáo Huyền Như tại tòa. Ảnh: Tuổi trẻ

“Tôi xin công bố bức thư này như sau”, luật sư Hải nói: “Tính đến ngày 31.12.2013, số dư tài khoản nêu trên của ông Phạm Công Hoàng là hơn 950 triệu đồng. Ngân hàng Công Thương đề nghị ông Phạm Công Hoàng xác nhận về số dư nêu trên và gửi lại cho Ngân hàng Công Thương trước ngày 15.1.2014. Nếu quá thời hạn trên mà Ngân hàng Công Thương không nhận được câu trả lời của ông Phạm Công Hoàng thì số dư nêu trên là chính xác”.

Ông Hải cho rằng, giấy xác nhận số dư này là bằng chứng quan trọng bên cạnh các sao kê chi tiết tài khoản mà ACB đã cung cấp, bác bỏ luận điểm của Vietinbank cho rằng tiền gửi của các khách hàng trong vụ án Huyền Như chưa được chuyển vào tài khoản của họ mở tại Vietinbank.

Ông Lê Thanh Hải phân tích: “Trong vụ án này, để xác định tội danh của Huyền Như, trước tiên phải xác định được ai là người chịu trách nhiệm quản lý tiền.

Thực tế, ACB đã chuyển tiền cho Vietinbank chứ không chuyển tiền cho Huyền Như nên Vietinbank chịu trách nhiệm quản lý tiền. Tiền sau khi được chuyển vào Vietinbank thì bị Như với tư cách là Quyền Trưởng Phòng giao dịch của Vietinbank làm giả chữ ký của khách hàng để chiếm đoạt. Như vậy, hành vi Huyền Như có dấu hiệu phạm tội tham ô”.

Ông Lê Thanh Hải tiếp tục: “Tương tự như vụ án này, vào năm 2005, đối tượng Ngô Thanh Lam, nhân viên Ngân hàng ngoại thương Việt Nam truy cập vào một số tài khoản của khách hàng chiếm đoạt 75 tỉ đồng, thì đã bị tử hình về tội tham ô”.

Cuối cùng. ông Hải kết luận: “Tôi tin rằng, hàng chục triệu khách hàng gửi tiền vào ngân hàng đang mong chờ phán quyết của tòa về trách nhiệm của Vietinbank”.

Trước đó, chiều 16/1, phía Vietinbank cho rằng những vụ việc huy động vốn, giao dịch bất hợp pháp để chiếm đoạt tài sản là do cá nhân bị cáo Huyền Như thực hiện ngoài trụ sở giao dịch của Vietinbank nên Vietinbank đã bác các yêu cầu bồi thường của những cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.

Cụ thể, luật sư Nguyễn Thị Bắc (đoàn Luật sư Hà Nội) - chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng Vietinbank - cho rằng, tất cả những vụ việc huy động vốn, giao dịch bất hợp pháp để chiếm đoạt tài sản trong vụ án này là do cá nhân bị cáo Huyền Như thực hiện.

“Những thỏa thuận, giao dịch bất hợp pháp giữa bị cáo Như với các ngân hàng, công ty, cá nhân luôn được thực hiện bên ngoài trụ sở giao dịch của Vietinbank. Vietinbank hoàn toàn không biết, không tham gia.”.

Hiện, luật sư của các bên bị hại đang “đấu tranh” để làm rõ vai trò của Ngân hàng Vietinbank trong vụ án lừa đảo gần 5.000 tỷ đồng chấn động này.

Nam Nam

Tinmoi/Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news