Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an) thông báo bắt Lê Hoàng Long, một 'tú ông' cầm đầu đường dây người mẫu, hoa hậu bán dâm trong showbiz. Khi bị bắt, Long vừa dắt mối cho 2 người đẹp có tên T.T và T.H đi khách tại khách sạn cao cấp ở Q.1 (TP.HCM) với giá 15.000 USD (khoảng 360 triệu đồng).
Lúc này, MXH rộ lên loạt đồn đoán về 2 cái tên viết tắt T.T, T.H nói trên. Hai người đẹp là Nguyễn Thúc Thùy Tiên và Nông Thúy Hằng bị réo tên nhiều nhất. Sau đó C02 phải lên tiếng làm rõ 2 hoa hậu này không liên quan đến đường dây "buôn phấn bán hương" vừa bị triệt phá.
Sau khi hứng hàng loạt tin đồn thất thiệt, Hoa hậu Hòa bình quốc tế Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã làm đơn gửi Sở TT-TT TP.HCM đề nghị xác minh, xử lý hành vi vi phạm hành chính của 2 chủ tài khoản Facebook đăng tin bài vu khống mình. Vậy thì với các trường hợp tung tin về người mua, bán dâm sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo báo Thanh niên, thông tin người mua bán dâm là bí mật đời tư. Hành vi này hiện chỉ bị xử phạt hành chính. Pháp luật quy định không được công khai tên, hình ảnh của người mua dâm, bán dâm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Hiến pháp năm 2013, "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Điều 38 bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu “việc công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý”.
Việc đưa tin về người mua bán dâm, gây ảnh hưởng uy tín, nhân phẩm của người khác cần bị xử lý theo Nghị định 15/2022 của Chính phủ. Nếu thông tin sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
Còn theo báo Pháp luật TP.HCM, hành vi đăng tin, hình ảnh bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hành chính, theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng nếu có hành vi hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Nếu hành vi đưa thông tin sai sự thật xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khung hình phạt thấp nhất của tội này là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Hoặc người thực hiện hành vi thông tin sai sự thật cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù từ 1-3 năm nếu như sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.