Nhiều chuyên gia giáo dục đồng tình, ủng hộ phương án thi THPT quốc gia 2017 Bộ GD-ĐT vừa công bố nhưng cũng có ý kiến còn lấn cấn.
Như tin tức đã đưa, chiều qua (28/9), Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2017 với nhiều điểm mới so với những năm trước.
Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT 2017 là thời điểm giao thời nên Bộ GD-ĐT đưa ra phương án cho học sinh chọn 1 trong hai tổ hợp Tự nhiên hoặc Xã hội là phù hợp. Năm vừa rồi các em thi có 4 môn, như năm tới các em là phải thi 6 môn. Hơn nữa, theo chỉ đạo của Bộ, cho phép các em chọn một trong hai tổ hợp nhưng quá trình học THPT phải đạt yêu cầu tổ hợp còn lại nên vẫn đảm bảo việc dạy và học không bị lệch.
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Ảnh: Internet |
"Thời điểm bộ GD-ĐT công bố phương án thi như thế này là khá sớm, học sinh, phụ huynh không có gì phải hoang mang. Việc tăng số lượng môn thi trắc nghiệm, cũng không có gì bất cập bởi mỗi hình thức thi có ưu và nhược điểm riêng. Thi trắc nghiệm đánh giá học sinh toàn diện hơn. Nhất là trong kỳ thi có đông học sinh tham gia, hình thức thi này cho kết quả nhanh chóng, khách quan", ông Nhĩ nhận định.
Cũng theo PGS Trần Xuân Nhĩ, một trong những điểm mới nhất của kỳ thi THPT quốc gia 2017 là thêm 2 tổ hợp môn thi và hình thức thi này không gây khó khăn gì cho việc xét tuyển ĐH, CĐ sau này vì khi các em chọn tổ hợp để thi THPT chắc chắn cũng đã tìm hiểu về việc xét tuyển các ngành, trường học ĐH sau đó.
Với phương án thi này học sinh chỉ cần chăm chỉ học tập, giáo viên tận tụy là sẽ cho kết quả tốt.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng, phương án thi theo hướng đổi mới của Bộ GD-ĐT, trong đó có tăng bài thi trắc nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục là khuynh hướng đúng. Tuy nhiên, Bộ cũng nên có những hướng dẫn cụ thể hơn, ví như cách tính điểm liệt bài thi tổ hợp.
"Theo tôi nên chia trung bình điểm của các môn trong tổ hợp. Bởi nếu các em không làm tốt, khả năng điểm liệt cao hơn", ông Lâm nói.
Bên cạnh đó, theo quan điểm của TS Tùng Lâm, việc cho học sinh chọn hoặc là tổ hợp tự nhiên, hoặc là tổ hợp xã hội vẫn khiến học sinh học lệch.
"Theo tôi vẫn nên cho học sinh làm cả hai tổ hợp nhưng giới hạn chương trình lại thì sẽ hạn chế được việc học lệch. Hơn nữa, sau này các trường xét tuyển ĐH cũng dễ hơn vì nhiều ngành khoa học xã hội vẫn xét tuyển môn tự nhiên. Quan niệm khối A,B,C,D lạc hậu rồi. Ví dụ khoa địa lấy Toán hoặc môn tự nhiên nữa chứ chưa chắc đã lấy Sử", ông Lâm chia sẻ.
Cũng theo ông Lâm, rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay Bộ chốt phương án thi khá sớm, không gây cập rập cho nhà trường và học sinh. Việc tăng các môn thi trắc nghiệm sẽ khiến phương pháp ôn luyện cũng phải thay đổi, các giáo viên sẽ có phương pháp ôn luyện phù hợp.
"Tuy nhiên, để thuận lợi cho thí sinh, theo tôi, Bộ GD-ĐT nên cho trọng tâm để học sinh ôn tập, thay vì bắt các em học dàn trải cả chương trình như mọi năm kiểu "chuồn chuồn đạp nước", ông Lâm nói thêm.
Ở góc độ là một giáo viên trực tiếp giảng dạy, ôn tập cho học sinh, thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An) cho rằng, với phương án thi THPT quốc gia 2017 Bộ GD-ĐT vừa công bố, giáo viên phổ thông, học sinh, phụ huynh vẫn phải chờ xem cấu trúc, yêu cầu kiến thức trong các đề mẫu của Bộ sẽ công bố như thế nào, mức độ ra sao ở các câu hỏi với hình thức thi trắc nghiệm trong tất cả các môn thi, “tổ hợp” bài thi (trừ môn Văn). Khi biết chính xác, cụ thể thì giáo viên phổ thông mới có thể hoạch định dạy cho học sinh học cái gì ( kiến thức), dạy như thế nào (phương pháp) và cách làm bài thi ra sao (kỹ năng) đối với môn thi, “tổ hợp” bài thi lần đầu tiên thì trắc nghiệm.
Xem thêm video:
[mecloud]LeAogYnwmB[/mecloud]
Lê Vy