Bỏ rất nhiều công sức, tiền của, thời gian để học đại học nhưng khi ra trường lại không xin được công việc ưng ý, nhiều sinh viên đang băn khoăn về sự lựa chọn ngành nghề, con đường học vấn của bản thân mình.
Khi một trang fanpage lớn dành cho sinh viên đăng tải hình ảnh với nội dung: "Học đại học ra mà không xin được nổi công việc tử tế thì vứt, tốn thời gian, tiền bạc, công sức bố mẹ đi làm cho con ăn học. Biết vậy cho ở nhà đi làm luôn cho xong", rất nhiều ý kiến tranh cãi đã được đưa ra.
Việc sinh viên ra trường thất nghiệp không còn là chuyện mới mẻ. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, riêng quý III năm 2017 đã có khoảng 237.000 người có trình độ đại học thất nghiệp, tăng gần 54.000 người so với quý II.
Đòi hỏi quá cao, không chấp nhận mức lương thấp, thích việc nhẹ nhàng, ngại đi xa, cộng thêm thiếu kỹ năng mềm, giao tiếp bằng tiếng Anh kém… là những nguyên nhân cơ bản và phổ biến nhất khiến nhiều tân cử nhân không có việc làm.
Nội dung bài đăng gây tranh cãi
Vấn đề này chưa bao giờ hết hot và luôn luôn gây tranh cãi. Bên cạnh những quan điểm về việc học đại học là nền móng vững chắc cho tương lai, là một trong những điều cần cần cho thành công của mỗi người, trường học dạy chúng ta nhiều thứ mà nếu không đi học sẽ không bao giờ biết được... thì nhiều người cũng đưa ra ý kiến bày tỏ sự hoài nghi về con đường học vấn mình đã chọn.
Vy Huỳnh bình luận: "Sao nhiều người cứ áp đặt tư tưởng học đại học ra thì phải làm ông này bà nọ nhỉ. Mình thích thì mình học, theo đam mê thôi. Quan trọng mình cảm thấy hài lòng với bản thân, không cần ai phán xét cả."
Thủy Tiên Trần: "Sinh viên mới ra trường thấy mấy tin tuyển dụng cũng ngán ngẩm lắm, tiếng Anh phải giỏi đều cả nghe-nói-đọc-viết, Tin học cũng phải rành, chuyên môn cũng phải vững. Nhưng lại trả lương mỗi 5-6 triệu. Dẫu biết có đi học thì về lâu về dài sẽ khá hơn, nhưng nhìn xuất phát điểm thấy nản quá. Học hành cho cố rồi lương được trả thua lương cả lương của thợ hồ hay cô giúp việc."
Học đại học ra không xin được công việc tử tế thì học làm gì?
Thanh Tea: "Tốt nghiệp cử nhân giờ còn thua mấy đứa học nghề, cao đẳng, trung cấp... Trèo cao dễ té đau. Đại học không phải để học đại, mà là để hướng tới tài chính tiền đồ tương lai sau này."
Nguyễn Xuân Quý: "Học cao chỉ là thêm tên bạn vào danh sách có khả năng thành công cao hơn thôi."
Nguyễn Ngọc Huyền: "Học xong đã không xin được công việc đúng ngành học thì chớ, ra xã hội đi làm còn cứ ngu nga ngu ngơ không biết gì."
Dung Luu: "Mỗi năm có hàng ngàn cử nhân, kĩ sư ra trường. Trong khi đó nhu cầu việc làm thì ít. Đâu phải ai cũng có thể kiếm được 1 công việc tử tế. Nhiều khi vì cuộc sống còn phải làm trái ngành, từ bỏ đam mê."
Còn bạn, ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào?
Mạnh Quân
Theo Helino/Trí thức trẻ