1. Ăn vặt khi không đói
Việc mất liên lạc với các tín hiệu no và đói tự nhiên của cơ thế khiến bạn ăn quá nhiều và thừa cân, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và các bệnh nghiêm trọng khác. Và nếu những đồ ăn vặt mà bạn nạp vào là những món không dinh dưỡng, cơ thể bạn cũng sẽ tràn ngập những thành phần không lành mạnh. Bằng việc chú ý đến các tín hiệu đói và chuyển sang ăn đồ ăn nhẹ lành mạnh, bạn có thể tăng cường dinh dưỡng, kiểm soát được cảm giác thèm ăn và tránh sụt giảm năng lượng. Cân nặng của bạn sẽ giảm tới mức khỏe mạnh hơn và bạn sẽ thay thế chất béo không bão hòa, chất béo bão hòa xấu, đường, carbohydrate tinh chế và muối bằng thức ăn bổ dưỡng.
Cách khắc phục: Ăn khi đói chứ không ăn vì căng thẳng, buồn chán, giận dữ. Và chỉ ăn đủ no chứ không nhồi nhét. Tránh để các loại thực phẩm không lành mạnh trong nhà hoặc ít nhất đảm bảo bạn có nhiều thực phẩm lành mạnh như rau quả tươi, các loại hạt.
2. Dành quá nhiều thời gian trên ghế xem tivi
Càng xem tivi nhiều, bạn càng ít hoạt động thể chất, tăng tỷ lệ thừa cân và có nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Nếu xem tivi nhiều đến mức bạn không có thời gian để tham gia các hoạt động yêu thích, đi thăm bạn bè hay rèn luyện trí óc thì bạn còn có khả năng bị mất trí nhớ. Bằng việc cân bằng giữa các hoạt động và xem tivi, bạn có thể đốt cháy nhiều calo hơn, trở nên cân đối hơn và giảm tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan một cách nhanh chóng. Bạn sẽ có một cơ thể khỏe mạnh hơn, có nhiều thời gian để ngủ, cộng thêm năng lượng, tâm trạng tốt hơn, tâm trí sắc bén hơn và kết nối xã hội nhiều hơn.
Cách khắc phục: Cố gắng duy trì thời giam xem tivi ở mức tối thiểu 2 giờ mỗi ngày và đảm bảo bạn có ít nhất 30 phút tập thể dục. Tận dụng thời gian vừa xem tivi, vừa thực hiện một số bài tập nhẹ, đi bộ tại chỗ hoặc đứng lên ngồi xuống. Ngay cả khi đang làm việc nhà, như hút bụi, giặt đồ trong thời gian quảng cáo thì bạn cũng có thể tăng thêm 20 phút thời gian đốt cháy calo. Tránh ăn vặt khi ngồi trước tivi.
3. Chi tiêu quá đà dẫn đến nợ nần
Những lo lắng về tiền bạc có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Trong một cuộc khảo sát qua điện thoại của ĐH Rutgers, những người được hỏi cho biết căng thẳng tài chính đã gây huyết áp cao, trầm cảm, mất ngủ, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, đau nhức, viêm loét, ăn uống quá mức và tăng hoặc Giảm cân. Việc giữ vững tài chính cần có thời gian, có thể gây khó khăn cho cái tôi và lối sống của bạn, cộng với việc trở lại thói quen cũ quá dễ dàng, đòi hỏi bạn phải luôn cảnh giác.
Cách khắc phục: Có rất nhiều điều mà bạn có thể làm để kiểm soát tài chính của mình. Tự học về các nguyên tắc và phương pháp cơ bản về tài chính cá nhân như thẻ tín dụng, thế chấp, ngân sách và đầu tư. Tạo và giữ ngân sách, theo dõi số tiền kiếm được mỗi tháng và số tiền bạn chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu.
Chi tiêu cho các hóa đơn ở mức tối thiểu, dành ưu tiên cho thẻ tín dụng với lãi suất cao nhất. Thanh toán hóa đơn tự động có thể đảm bảo bạn không bao giờ bị phạt vì thanh toán trễ. Để chắc chắn tiền lương của bạn sẽ được chuyển tự động vào tài khoản tiết kiệm, hãy thiết lập chuyển khoản định kỳ thông qua bộ phận trả lương cho người lao động hoặc qua ngân hàng điện tử của bạn.
4. Ăn quá nhiều thức ăn nhanh
Chế độ ăn nhiều thức ăn nhanh sẽ dẫn đến vòng eo lớn và các vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch, tiểu đường. Chất béo chuyển hóa, thường có trong đồ ăn nhanh làm tăng triglyceride và LDL cholesterol, tăng tình trạng viêm nhiễm, góp phần tích tụ mảng bám mỡ trong thành động mạch.
Cách khắc phục: Việc thay đổi lối sống ban đầu không dễ dàng. Thức ăn nhanh siêu tiện lợi, rẻ và ngon miệng vì có chất béo, muối và đường. Hãy bắt đầu thay đổi bằng cách cắt giảm từng chút một mỗi tuần và mua ít hơn mỗi lần bạn đi mua sắm. Tránh đến một cửa hàng đồ ăn nhanh theo thói quen hay sở thích, đặc biệt là khi bạn không đói hoặc không đến giờ ăn. Hãy nấu nướng tại nhà, chuẩn bị bữa ăn lành mạnh để giúp bạn khỏe hơn, tiết kiệm tiền hơn.
5. Tắm nắng vào mùa hè
Nếu bạn thích tắm nắng hoặc muốn duy trì một làn da rám nắng thì bạn đang vô tình góp phần vào sự lão hóa da. Tắm nắng phá hủy các sợi đàn hồi của da gây ra nếp nhăn, nám, tàn nhang và đổi màu da. Đây vốn là các sợi giúp da trông săn chắc và mịn màng. Quan trọng hơn, cháy nắng góp phần đáng kể vào bệnh ung thư da. Nếu bạn còn đi thẩm mỹ viện để nhuộm da thì điều đó còn tệ hơn. Phương thức làm đẹp này thực sự làm tăng nguy cơ ung thư da và nếp nhăn.
Cách khắc phục: Hãy luôn thoa kem chống nắng có chỉ số SPF cao nếu bạn sắp ra nắng. Luôn đội mũ, mang kính râm, mặc áo dài tay và quần dài trong những giờ nắng cao điểm để bảo vệ da. Lên lịch kiểm tra nốt ruồi hàng năm để xem da có thay đổi bất thường nào không.
6. Hay tức giận, lo lắng hay căng thẳng mọi lúc
Một lối sống không hạnh phúc giải phóng ra một loạt hormone căng thẳng làm tăng huyết áp, đường huyết, giảm khả năng miễn dịch, tiêu hóa chậm và khiến bạn cảm thấy chán nản. Căng thẳng là một phản ứng để chống lại một mối đe dọa nhưng trong cuộc sống hiện đại, có nhiều tác nhân gây căng thẳng có thể tác động đến sức khỏe của bạn. Những thực phẩm giàu chất béo, nhiều đường sẽ làm tăng nguy cơ béo phì. Cả hai thành phần này trong các thực phẩm xấu và việc tăng cân đều làm tăng nguy cơ bệnh tim và tiểu đường.
Cách khắc phục: Cảm giác vui vẻ, hạnh phúc sẽ mang lại tác dụng rất lớn cho sức khỏe. Nếu bạn cảm thấy một tình huống căng thẳng sắp xuất hiện, hãy làm việc chăm chỉ để kiểm soát nó và lấy lại bình tĩnh. Bạn có thể tập yoga, tập thiền và hít thở sâu để giảm căng thẳng. Hãy tận dụng tối đa thời gian của mình để tận hưởng những sở thích thư giãn và đắm mình hoàn toàn vào đó. Đừng ngại nắm bắt cảm giác vui vẻ, lạc quan mọi lúc, mọi nơi. Một lối sống lành mạnh cũng giúp làm giảm căng thẳng.
7. Ăn sáng hoặc bất cứ bữa nào khi không đói
Quy tắc không bao giờ được bỏ bữa sáng là không đúng. Nó dựa trên một nghiên cứu đã bị hiểu sai và nghiên cứu không đối xứng. Hầu hết các nghiên cứu về bữa sáng đều cho thấy có sự liên kết chứ không phải quan hệ nhân quả. Có nhiều nghiên cứu dựa trên sự tự báo cáo, dẫn tới tình trạng thiên vị cố hữu và lạm dụng ngôn ngữ nhân quả.
Cách khắc phục: Hãy ăn khi đói và bỏ qua nếu bạn không muốn. Nhịn ăn gián đoạn, kiêng ăn và uống trong một khoảng thời gian mỗi ngày đã nhận được sự chú ý trong thời gian gần đây. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc không có thức ăn trong một khoảng thời gian nhất định giữ lượng đường trong máu đồng đều, giúp tăng cường trao đổi chất và giúp người béo giảm cân. Lợi ích gồm kiểm soát glucose tốt hơn và điều hòa nhịp sinh học, giúp ngủ ngon hơn. Tất cả những điều này giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
8. Uống quá nhiều rượu
Nếu bạn uống nhiều rượu thường xuyên thì rượu có thể là một chất độc. Phụ nữ thường xuyên uống 2 cốc, đàn ông uống 3 cốc rượu trở nên mỗi ngày có nguy cơ bị tổn thương gan cao hơn, có thể mắc các bệnh ung thư ở gan và miệng, bị huyết áp cao và trầm cảm. Phụ nữ nhạy cảm hơn đối với rượu và họ có thể bị bệnh tim, xương giòn, thậm chí mất trí nhớ vì uống nhiều rượu.
Cách khắc phục: Bạn không cần bỏ rượu tuyệt đối ngay lập tức. Hãy giảm dần lượng rượu tiêu thụ, chỉ uống nhấm nháp, không uống say. Nếu bạn đã uống tới mức nghiện, không từ bỏ được thì hãy liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ.
9. Hút thuốc lá
Về sức khỏe, không có thói quen nào lại hại như hút thuốc lá. Nó trực tiếp gây ra 30% các ca tử vong vì ung thư, 30% các ca tử vong vì bệnh tim và 80-90% các ca ung thư phổi, không tính đến nguy cơ ung thư miệng, vòm họng và bàng quang.
Thói quen xấu này cũng làm tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ, cao huyết áp và trên hết là gây ra các vấn đề về hô hấp như viêm phế quản, hen suyễn.
Cách khắc phục: Hãy coi hút thuốc là một loại nghiện ngập chứ không phải thói quen. Cai nghiện thuốc rất khó. Bạn cần lên kế hoạch để từ bỏ thuốc lá và nếu khó khăn, hãy tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ.
10. Lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc an thần
Khi các loại thuốc này không được sử dụng đúng cách, về lâu dài nó có thể gây nghiện, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Ngay cả các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn như ibuprofen hoặc aspirin cũng có thể làm tăng nguy cơ gây loét, chảy máu đường tiêu hóa, huyết áp cao và đau tim.
Những dấu hiệu cho thấy bạn đã dùng quá nhiều thuốc an thần, thuốc ngủ gồm mất trí nhớ, buồn ngủ quá mức, cảm thấy không nhạy bén, lẫn lộn và thường xuyên bị ngã.
Cách khắc phục: Các chiến lược giảm đau mới có thể làm giảm đau cơ, đau khớp và đau đầu mà không cần dùng nhiều thuốc, gây ít tác dụng phụ hơn. Đối với những người bị đau mãn tính, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được chuyển sang dùng acetaminophen. Loại thuốc này không gây kích ứng dạ dày và làm tăng huyết áp như aspirin hay ibuprofen.
Đối với những người bị đau đầu thường xuyên, hãy đi khám bác sĩ để được chỉ định điều trị dứt điểm. Nếu bạn đã bị phụ thuộc vào thuốc giảm đau và thuốc an thần, hãy nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ để dừng lại.