Năng lượng của chúng ta có thể sụt giảm trong khoảng thời gian từ 2-5 giờ chiều, khiến người uể oải, mệt mỏi, buồn ngủ. Các chuyên gia y tế đã chỉ ra hàng loạt lý do đứng sau sự mệt mỏi này.
1. Nội tiết tố
Trạng thái năng lượng của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nồng độ hormone, chẳng hạn như glucocorticoid, leptin, melatonin... Những hormone này có thể bị ảnh hưởng bởi thói quen ngủ và ăn uống.
Vào giữa buổi chiều, nồng độ hormone này thấp. Tuy nhiên, một giấc ngủ bị ngắt quãng, thiếu ngủ đều góp phần gây ra cảm giác mệt mỏi vào khoảng thời gian này.
2. Suy nhược
Nếu bạn bị trầm cảm thì ngay cả việc rời khỏi giường vào buổi sáng cũng rất khó khăn. Tất nhiên, tình trạng này sẽ làm bạn mệt mỏi cả ngày.
Chứng mất ngủ do trầm cảm cũng khiến bạn tụt lại giữa ngày. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 75% những người bị trầm cảm có triệu chứng mất ngủ, trong khi 25% còn lại bị chứng ngủ quá nhiều, tức là họ buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
3. Mất nước
Công việc bận rộn có thể khiến bạn quên uống nước suốt cả ngày. Nếu bạn muốn không bị sa sút vào buổi chiều thì uống nhiều nước là điều quan trọng.
Nước là thành phần chính của cấu trúc cơ thể. Khi bị mất nước, cơ thể sẽ không thể hoạt động bình thường. Chúng ta sẽ làm việc kém hiệu quả và trở nên mệt mỏi hơn.
4. Thói quen ăn uống
Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm, đường và đồ chế biến sẵn, ăn quá nhiều bữa, ăn quá no, ăn vội vàng đều góp phần gây ra mệt mỏi. Hãy giảm thiểu, loại bỏ đường và thực phẩm chế biến sẵn. Những thực phẩm này thúc đẩy quá trình viêm nhiễm, có thể phá vỡ sự cân bằng nội tiết tố làm suy giảm nhịp điệu của chúng ta.
5. Thời gian ăn uống
Ngoài những gì bạn đang ăn, thời điểm ăn cũng rất quan trọng. Nếu ăn trưa vào giữa ngày thì bạn có thể uể oải vào giữa buổi chiều. Vì vậy, bạn có thể điều chỉnh giờ ăn của mình.
Nồng độ leptin, một loại hormone ngăn chặn cơn đói thấp vào buổi trưa và thấp nhất vào khoảng 4h chiều trong chu kỳ 24 giờ của chúng ta. Một bữa ăn vào buổi sáng và đầu giờ tối sẽ giúp ban ngày bớt mệt mỏi.
6. Lo lắng
Nếu bạn là người cảm thấy lo lắng khi chuông báo thức kêu thì không có gì lạ nếu bạn thấy kiệt sức vào buổi chiều. Người mắc chứng lo âu kinh niên sẽ vẫn cảm thấy mệt mỏi ngay cả sau khi đã nghỉ ngơi cả đêm vì họ thường xuyên lo sợ dù không có nguy hiểm. Tốt nhất bạn nên đến thăm khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị chứng lo lắng này.
7. Nồng độ đường trong máu
Cơ thể chúng ta sử dụng đường để tạo năng lượng. Carbohydrate mà chúng ta ăn được chuyển hóa thành glycogen và được vận chuyển trong máu đi khắp cơ thể. Insulin sẽ di chuyển đường từ máu đến các tế bào cần nó. Nếu quá trình chuyển hóa insulin của chúng ta bị gián đoạn, có thể do bệnh tiểu đường gây ra, thì lượng đường trong máu có thể quá thấp hoặc quá cao. Điều này có thể tác động đến lượng đường có sẵn trong hệ thần kinh Khi điều này xảy ra, chúng ta sẽ rất mệt mỏi và đôi khi mất phương hướng. Quá trình chuyển hóa insulin bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chế độ ăn uống kém và ngủ không đủ giấc.
8. Tập thể dục không đủ
Tập thể dục thường xuyên có thể giúp chống lại sự mệt mỏi, loại bỏ hoàn toàn tình trạng sa sút vào buổi chiều. Nguyên nhân là do tập luyện thúc đẩy hiệu quả của ty thể. Vận động hàng ngày giúp duy trì lượng máu toàn thân và nồng độ tự nhiên của hormone tuyến thượng thận, vùng dưới đồi trong suốt cả ngày.
9. Không đủ ánh sáng mặt trời
Ánh sáng mặt trời là thành phần quan trọng trong việc thiết lập nhịp sinh học, chu kỳ ngủ - thức. Điều đó có nghĩa là cơ thể bạn khao khát được đi dạo dưới ánh nắng buổi trưa hoặc tốt hơn là hãy ra ngoài đi dạo dưới ánh nắng ngay khi vừa thức dậy.
Chúng ta thường tập trung vào giấc ngủ nhưng một phần quan trọng của chu trình này gồm cả "thức". Ra ngoài trời mỗi ngày là điều quan trọng để mô phỏng nhịp điệu đó. Bạn không nhất thiết phải ra ngoài giữa trời nắng nhưng tất cả những gì cơ thể cần là ánh sáng tự nhiên.
10. Uống quá nhiều caffeine
Nếu bạn uống vài cốc cà phê vào buổi sáng thì đến chiều sẽ rất uể oải, mệt mỏi. Khi uống quá nhiều caffeine sẽ nhanh chóng khiến bạn hưng phấn tột độ, nhưng hãy nhớ rằng đi lên phải có đi xuống.
11. Dành quá nhiều thời gian trên MXH
Lướt MXH có thể giúp bạn giải trí nhưng có thể gây kiệt sức nếu bạn dành cho việc này quá nhiều thời gian. Bộ não sẽ hoạt động tích cực để hấp thụ tất cả các hình ảnh trên MXH. Nhưng bạn đừng quên não bộ còn là trung tâm chỉ huy của cơ thể, nó cung cấp tất cả hướng dẫn thời gian ăn, ngủ, làm việc. Đây là chiếc máy tính cá nhân của chúng ta và nó cần thời gian để "khởi động lại" giống như cơ thể của một VĐV sau khi tập luyện nghiêm túc.
12. Chứng ngủ rũ
Chứng ngủ rũ có thể dẫn đến mệt mỏi tổng thể và sa sút vào buổi chiều. Đây là một chứng rối loạn giấc ngủ mãn tính. Đặc trưng của người mắc chứng này là khó tỉnh táo trong thời gian dài, bất kể trong hoàn cảnh nào. Nó có thể gây ra những gián đoạn nghiêm trọng trong sinh hoạt hàng ngày của bạn. Nếu bạn nghi mình bị chứng ngủ rũ thì hãy đến gặp bác sĩ.
13. Căng thẳng
Căng thẳng là một phần tự nhiên của cuộc sống con người. Khi bạn căng thẳng, nó chắc chắn ảnh hưởng đến mức năng lượng hàng ngày của bạn.
Căng thẳng về cảm xúc, thể chất và tinh thần có thể khiến chúng ta suy sụp và ít động lực hơn để hoàn thành nhiệm vụ hoặc tham gia các hoạt động xã hội. Theo thời gian, căng thẳng có thể làm các tế bào của chúng ta mệt mỏi.
(Theo Parade.com)