Sự việc xảy ra hôm 19/9 tại gia đình chị Nguyễn Thị H. (trú phường Thượng Than, Long Biên, Hà Nội). Nguồn cơn bắt đầu từ việc chồng chị là anh Nguyễn Trọng T. nghi ngờ vợ mình lấy trộm tiền nên đã lao vào chửi bới, hành hung. Thậm chí bất chấp hàng xóm can ngăn, anh T xé toạc áo chị và đuổi chị đi.
14 năm chịu đựng
Trò chuyện với chúng tôi với gương mặt bơ phờ và khóe mắt vẫn tím bầm sau trận đòn của chồng đêm hôm trước, chị H buồn bã kể về cuộc hôn nhân bạo lực của mình.
14 năm trước chị và anh T quen nhau khi cùng làm công nhân cho 1 công ty may ở Gia Lâm. Khi ấy, cả hai đều là người xa quê đến đây lập nghiệp. Anh T hơn chị 1 tuổi nhưng do va vấp, bươn chải sớm, chị thấy anh rất chững chạc và có suy nghĩ chín chắn. Cũng vì thế mà hai người nhanh chóng bén duyên rồi tiến đến hôn nhân.
Ngỡ cuộc đời chị sẽ yên ổn bên người đàn ông có bộ mặt tử tế ấy nhưng cưới nhau chưa được một tháng, chị dính cú sốc đầu tiên khi phát hiện anh có con riêng ở quê. “Lúc ấy tôi đau khổ đến tột cùng vì bị lừa dối. Không giữ được bình tĩnh, tôi lao vào mắng mỏ anh để hả cơn giận bốc ngùn ngụt trên đầu và cũng mong chồng biết lỗi mà động viên an ủi giúp tôi vượt qua. Chẳng ngờ anh không những không tỏ ra ăn năn mà còn phũ phàng đánh tát, bắt tôi phải coi đó như chuyện đương nhiên vì đã lấy anh làm chồng”.
H cố gắng chấp nhận sự thật bởi “bỏ chồng thì chẳng bỏ được, với lại lúc đó chồng tôi cũng không qua lại gì với hai mẹ con ấy nữa”. Ngậm bồ hòn làm ngọt, chị cũng gắng kìm nén nỗi buồn ấy. Chuyện cũ chưa qua thì lại có chuyện mới, chị phát hiện ra những góc khuất xa lâu nay được che đậy của chồng mình: “Sau cái vẻ tử tế ấy là con người hoàn toàn khác, chồng tôi ngày càng bộc lộ là con người sống chỉ biết đến tiền và có những hành động tàn độc với người thân.”
Theo như chị kể thì lúc trước chưa lấy nhau, anh có ở nhà người chú họ không con cái. Thời gian đó anh luôn tỏ ra tử tế để lấy lòng, nhằm có một mảnh đất để cắm dùi nơi phố thị. “Không uổng công anh đóng kịch tốt, cưới nhau xong chúng tôi được người chú cắt cho mảnh đất, còn cho thêm tiền để cất nhà. Nhưng sau khi có được rồi, anh quay ra đối xử không ra gì với ông chú ấy”.
Chị thở dài bảo: “Chỉ tại cái bản chất ích kỷ, ham tiền mà ra. Đến người máu mủ có ơn mà anh ta còn thế, huống chi với vợ mình chẳng ruột thịt gì”. Chị sinh đứa con đầu, cuộc sống công nhân với đồng lương bèo bọt vốn đã chật vật nay lại thêm những khoản phát sinh vì con nhỏ khiến vợ chồng xảy ra lục đục dồn dập. Và mỗi lần đó, H đều bị chồng đánh không thương tiếc. “Một tuần, tôi bị anh ấy đánh 2-3 lần là bình thường và chung quy lại chỉ vì mỗi chữ tiền”, chị H thở dài.
Ảnh minh họa.
Thời gian đó, T còn bị công ty đuổi việc, viện cớ ở nhà cơm nước chăm con, anh bắt H làm được bao nhiêu phải nộp tất cả cho anh ta. Muốn chi tiêu gì chị cũng phải ngửa tay ra xin. H bảo sau nghĩ lại mới thấy mình dại, ngày làm quần quật 16 tiếng, được bao nhiêu tiền lại nộp hết. Một vài đồng ăn chị cũng phải xin, xin chính tiền của mình làm ra mà lại còn bị chửi, bị đánh và mắng là “ăn gì mà ăn lắm”.
Ở nhà thất nghiệp lại thêm túng thiếu về tiền nong khiến bản tính vũ phu trong con người T được dịp phát tiết, liên tục gây sự chửi vợ ăn hại kém cỏi trong khi chính T vẫn đang là kẻ ăn bám vợ. Nhiều lần bức xúc chị cũng cự cãi nhưng kết cục lại là ăn đòn đau. Chị bảo không thể nào quên những trận đòn mà chồng dành cho mình: “Ngày đó, ở cái nhà cất tạm, cái gian rửa bát bé tí tẹo, lần nào đánh tôi, anh ta cũng dồn tôi vào chỗ chật chội đó để ra đòn. Những cái lên gối, thúc bụng khiến tối tái dại vì đau đớn”. Chưa dừng lại ở đó, T còn vít đầu vít cổ chị kéo xuống rồi lấy chân giẫm đạp khiến chị ngã dúi dụi, xây xẩm mặt mày. Sau đó, T dúi mặt chị H vào chậu nước rửa bát cho tỉnh rồi đánh tiếp.
Không lời nào tả cho hết sự nhẫn nhịn chịu đựng mà chị đã trải qua khi sống chung với con người coi tiền hơn tất cả.Chị chỉ biết hi vọng sau này cuộc sống khấm khá hơn, anh sẽ dần thay đổi.
Nghi vợ tằng tịu, bắt mang hương lên chùa thề
Kể đến đây, giọng chị đầy phẫn uất: “T là người đầu tiên tôi yêu và cũng chính là người tôi chọn lấy làm chồng, thế mà anh ta còn nghi ngờ tôi không đoan chính. Mà ghen với ai không ghen, lại đi nghi ngờ ghen tuông với người chú ruột gần tuổi bố mình, cho mình đất và nhà để ở...”
Như chị kể thì chuyện chẳng có gì, chỉ là những lần tình cờ hai chú cháu đi ra từ phía bể nước để rửa tay. Mà hồi đó chưa lắp bóng điện nên chỗ đó tối, chỉ có vậy khiến anh nghi ngờ hai người tằng tịu. Chính người vợ của ông chú kia, tức thím của vợ chồng H cũng khẳng định sự thật. Bà kể: “Ngày đó, ở cái gian nhà cũ, chiếc giường của hai vợ chồng nó được kê sát vào chiếc tủ lạnh vì nhà chật. Không biết con H hay ai lấy thịt trong tủ ra vô ý để rớt nước ra giường. Cái nước ấy nó lại màu hồng hồng, ấy thế mà cũng khiến thằng chồng nó ghen ầm lên. Nó đo đếm từng bước chân từ bên ngoài vào xem có phải của ông nhà tôi không (tức chú ruột của T – PV). Nó là cháu tôi thật, nhưng điều này thực sự không thể chấp nhận”.
Mặc dù đã được bà thím thanh minh giúp vì bà biết ông mất khả năng từ hồi đi bộ đội nhưng T vẫn không tin và đánh chửi H hết sức tàn nhẫn. Chị bảo anh hành hạ “vùng kín” của chị đến sưng tấy, đến độ mỗi lần đi tiểu ra cả máu. Rồi chốt lại anh ta bảo chị mua hương mang lên chùa thề, chị đành nghe theo cho qua chuyện.
Con đầu được 6 tuổi thì H mang bầu bé thứ hai vì lỡ kế hoạch. Chị bảo lúc đó cũng khốn khổ vì thói ghen tuông của anh. “Chuyện kể ra thì tế nhị, đánh vợ, chửi vợ nhưng anh cũng bắt tôi thường xuyên chiều chuộng nhưng rất cẩn thận để tránh có con. Ấy thế mà chẳng hiểu thế nào, tôi lại dính bầu. T cứ một mực chửi rủa và tra hỏi tôi rằng đứa bé là con của thằng nào. Hồi đó khó khăn tôi định bỏ, thế nhưng bị nhục mạ, tôi quyết tâm để đẻ cho anh ta biết là con ai”.
Cuộc sống cứ thế tiếp diễn, thêm nhiều khó khăn đồng nghĩa với những trận đòn liên miên chị phải chịu đựng. Con ốm nằm viện, T chẳng đoái hoài để mình chị chăm nom. Anh chỉ cần biết những lúc chị nộp tiền lương cho anh và không cho tiền, bỏ mặc mẹ con chị xoay xở với cái đói sau mỗi lần anh đánh chửi chị.
Mọi chuyện có vẻ khá hơn sau khi chị nghỉ làm may và xin được vào công ty môi trường với mức lương khá. Cùng lúc đó, anh ta góp vốn làm ăn mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng với người anh trai, công việc tương đối thuận lợi.
Cuộc sống đã yên nhưng vẫn không ổn
May mắn gặp thời nên T cũng kiếm khá bộn tiền. Cũng từ lúc ấy, anh ta không còn đòi cầm tiền lương của chị nữa mà để chị tự chi tiêu, coi như thế là anh ta đã hết trách nhiệm. Cuộc sống với hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học khiến cuộc sống ba mẹ con chị vẫn rất chật vật. “Tiền anh làm ra để đầy tủ nhưng một đồng tôi cũng không được đếm xỉa đến. Có tiền, anh cũng ít đánh tôi hơn, nhưng hễ cứ động xin anh tiền để lo cho các con là tôi lại bị đánh vì cái tội ‘chỉ chờ ăn bám’”.
Chị kể mới đây thôi, chị bị tai nạn gãy ngón chân phải nghỉ việc không lương. Biết vợ không có tiền nhưng anh cũng kệ cho chị tự biết đường đi vay hàng xóm. Đã thế còn suốt ngày cằn nhằn chị không chịu nghỉ ngơi, không phải vì lo sức khỏe cho chị mà vì “đi lại thế bao giờ mới đi làm được”. Lúc nào anh cũng lo chị động đến tiền của anh, điều mà chị cũng không hề muốn.
Bị đau mà chồng cũng chỉ nghĩ đến tiền, không thương mình, chị H cũng ấm ức lắm. Như thói quen chị vẫn hay để tiền lung tung, có khi để ở ngăn tủ mà chồng chị cất tiền, tối đó trước mặt chồng, chị mở cửa tủ lấy tiền của mình nhưng để thử lòng chồng nên chị không nói gì. Sẵn bụng nghĩ vợ ở nhà không lương chắc hẳn lấy tiền của mình nên chồng chị lao vào hỏi: “Mày lấy tiền làm gì?”. Chị trả lời “Lấy để tiêu chứ lấy làm gì”. Chỉ chờ có vậy, anh lào vào đánh tát chị tới tấp rồi đẩy chị từ cầu thang tầng hai xuống nhà, trước mặt các con vẫn không ngừng xỉ vả đánh đập chị. “Quá ấm ức và chịu đòn đau nên tôi cũng cãi chửi lại, vậy là anh ta kéo lê tôi ra cửa, trước mặt hàng xóm và các con, T xé toạc chiếc áo tôi đang mặc rồi gào lên: “Tao đuổi mày”.
Một người hàng xóm xin giấu tên cho hay: “Việc anh T đánh chửi vợ, chửi cả bố mẹ họ hàng nhà vợ hết sức tục tĩu và xảy ra thường xuyên. Nhiều lần tôi còn chứng kiến anh ta thúc gối vào bụng chị H khiến chị ôm bụng không kêu được tiếng nào. Thế nhưng với người ngoài, anh T lại cư xử hết sức tử tế và lịch sự”.
Bà Lê Thị Khánh – tổ trưởng hội phụ nữ nơi chị H sinh hoạt cho biết: “Việc chị H bị chồng bạo hành bao năm qua là có thật nhưng chị H rất ít tham gia sinh hoạt phụ nữ, có chuyện thì lại theo kiểu vợ chồng đóng cửa bảo nhau nên chúng tôi cũng chưa có sự can thiệp gì”.
Chị H bảo: “Có kể cả ngày cũng không hết chuyện, mười mấy năm chịu đòn quen rồi. Hiểu rõ bản chất của chồng nên từ lâu, tôi cũng chẳng còn tình cảm thiết tha gì, chỉ sống cho các con nó có mái nhà, có đủ bố đủ mẹ”. Dứt lời, chị thở dài thườn thượt.
Minh Thùy (Hôn nhân và Pháp luật)