"Tôi yêu bạn", câu nói đặc biệt phát ra từ chiếc găng tay chuyển ngữ do Tân và Đức sáng chế cũng chính là thông điệp mà 2 bạn trẻ muốn gửi đến những người câm điếc trong xã hội.
"Khi giao tiếp với các bạn trẻ câm điếc, mình nhận ra, chính mình mới là người khiếm thính. Mình không hiểu thứ ngôn ngữ ký hiệu mà các bạn dùng, trong khi, đa số họ đều hiểu mình muốn nói gì qua khẩu hình miệng. Chỉ vài giờ sống làm người điếc, mình đã thấy rất khó chịu. Mình tự hỏi, nếu người khiếm thính sống trong cộng đồng chúng ta, những người không hiểu thủ ngữ, thì họ sẽ chịu sự thiệt thòi đến nhường nào?", Phạm Thiên Tân (sinh năm 2000, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) nói.
Từ những trăn trở ấy, Tân và cậu bạn thân - Chử Hoàng Minh Đức (cùng lớp) đã sáng tạo ra chiếc "Găng tay chuyển ngữ", có khả năng chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành tiếng Việt. Sáng chế này giúp chúng ta hiểu được ngôn ngữ của người câm điếc, xóa bỏ những rào cản vô hình.
Sản phẩm khoa học giàu tính nhân văn đã giúp Tân và Đức giành được giải Nhất toàn quốc trong Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp Quốc gia (ViSEF) dành cho học sinh trung học 2017 khu vực phía Nam.
Hai cậu bạn thân đồng tâm, hợp lực sáng tạo "Găng tay chuyển ngữ" với mục đích nhân văn. |
Người câm điếc "nói" bằng "găng tay chuyển ngữ" như thế nào?
Hai nam sinh Sài Gòn giúp người câm điếc có thể nói chuyện bằng cách sử dụng một chiếc găng tay vải kết hợp với Smartphone. Người đeo găng tay sẽ đưa ra các ngôn ngữ ký hiệu trong lúc đeo găng tay có gắn các cảm biến Flex Sensor và MPU6050.
Các cảm biến này sẽ đọc các giá trị chuyển động của bàn tay. Dữ liệu thu được sẽ gửi về smartphone qua một ứng dụng được lập trình trên nền tảng Android. Màn hình điện thoại xuất hiện những kí tự, văn bản cùng âm thanh tương ứng với từng cử chỉ tay của người dùng.
Giọng nói phát ra từ điện thoại là của một bạn nữ, hội viên câu lạc bộ khoa học sáng tạo của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, ngọt ngào và trẻ trung.
Cận cảnh găng tay kết hợp với điện thoại phát ra giọng nói. |
Hiện nay, Tân và Đức đã chuyển ngữ được 31 kí tự tay tĩnh thành âm thanh hình ảnh và lời nói trên điện thoại. Ngoài bảng chữ cái và người câm điếc có thể dùng găng tay này để nói ra các cụm từ như "tôi yêu bạn", "tôi", "bạn", "Việt Nam", "Bác Hồ", "xin chào", "cha mẹ", " yêu".
Các "nhà khoa học" 10X dự định sẽ viết thêm thuật toán để sắp xếp các từ trong câu theo đúng ngữ pháp của ngôn ngữ ý hiệu, kết nối cả hai găng tay và phát thành một câu hoàn chỉnh trên smartphone trong thời gian tới.
Đức chưa thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu thuần thục như người khiếm thính nhưng cậu và Tân đang bước đầu hiểu hơn về các giao tiếp này.
"Ngôn ngữ ký hiệu thật ra rất đơn giản, họ chỉ đưa các từ chính lên câu nói và giản lượt câu ở mức tối đa. Các tài liệu của trung tâm khiếm thính đã hỗ trợ tụi mình rất nhiều trong quá trình sáng chế găng tay", Đức nói.
Chiếc găng tay gắn các cảm biến Flex Sensor và MPU6050. |
Tân cho rằng "Găng tay chuyển ngữ" cũng giống như dịch vụ Google Translate. Nó hỗ trợ người dùng trong việc "dịch" ngôn ngữ ký hiệu sang lời nói, bằng tiếng Việt nhưng không thể giúp người câm điếc truyền tải thông điệp chuẩn xác 100%.
"Hai đứa mình đều học chuyên Lý nên rất khoái điều khiển các vi mạch. Câu lạc bộ khoa học của trường là nơi mình và Đức thỏa mãn đam mê sáng chế. Có lần, mình nghiên cứu trên mạng thấy thế giới tạo ra một chiếc găng tay có thể điều khiển robot. Mình tự hỏi: Tại sao không áp dụng nguyên lý đọc cử chỉ bàn tay của chiếc găng tay này vào việc dịch ngôn ngữ ký hiệu. Ý tưởng lóe lên từ đó", Tân nói.
Bắt tay vào sáng tạo "Găng tay chuyển ngữ" từ tháng 8/2016, đến trước kỳ thi một hôm (3/2017), Tân và Đức mới hoàn thiện xong sản phẩm, sau 1 đêm thức trắng.
Hai anh chàng từng thức trắng đêm để hoàn thiện sản phẩm mang đi dự thi. |
Bộ câu nói trong "Găng tay chuyển ngữ" bao giờ thì xong? Câu trả lời của chủ nhân sáng tạo trên là "không biết", bởi ngay cả iPhone hiện tại vẫn chưa phát triển xong, nó sẽ luôn cập nhật để thay đổi và hoàn thiện mình nhất trong khả năng có thể.
Hữu dụng hơn sáng chế của người Mỹ
Nói về tính khả thi của dự án trong cuộc sống, Tân bộc bạch: "Làm sản phẩm khoa học đến một giai đoạn bạn phải dừng lại vì bản thân vẫn chưa đủ kiến thức để thực hiện tiếp đề tài. Chúng mình tiếp tục học để tích lũy kiến thức, lĩnh hội những điều tinh túy giúp sản phẩm hoàn thiện hơn. Trong tương lai, vẫn chưa có thể nói trước điều gì nhưng chúng mình muốn đưa sản phẩm khoa học này ra thị trường hoặc chuyển giao công nghệ lại cho các nhà nghiên cứu khác để họ phát triển sản phẩm, đưa "Găng tay chuyển ngữ" thành một vật dụng thân thiết với những người câm điếc".
Đức phát hiện ra ý tưởng "Găng tay chuyển ngữ" của mình bị "đụng hàng" với sáng tạo của một bạn trẻ người Mỹ khi được nửa chặng đường phát triển dự án. Tuy nhiên, 10X nhận thấy sáng chế của mình vẫn có những ưu điểm riêng và hoàn thiện hơn.
Hai bạn trẻ mong muốn sáng chế của mình làm thay đổi cuộc sống người câm điếc. |
Găng tay của bạn trẻ Việt có thể tương tác trực tiếp với điện thoại thông minh (một dụng cụ liên lạc phổ biến, ai cũng có thể sở hữu), thay vì kết nối với máy tính trung tâm qua bluetooth (một thiết bị khá đắt đỏ và không phải ai cũng biết cách sử dụng.
Ngoài tính thực tiễn, sản phẩm sáng chế của 2 học sinh Sài Gòn còn được đánh giá cao vì dành riêng cho người khuyết tật Việt với bộ nhận diện ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ.
"Có rất nhiều khó khăn phát sinh trong quá trình sáng chế găng tay "thần kỳ". Về vấn đề kỹ thuật, làm đến đâu tụi mình thấy thiếu đến đó. Trong lúc làm các linh kiện bị hư hỏng nhiều. Giá của linh kiện không hề rẻ nên phải vừa làm vừa thận trọng. Ngoài ra mình và Tân gặp nhiều khó khăn trong vấn đề diễn đạt ngôn ngữ khi thuyết trình. Qua nhiều vòng thi nhà trường đã chỉnh sửa và hỗ trợ tụi mình rất nhiều để khắc phục các lỗi diễn đạt, trình bày ý tưởng trước đám đông", Đức chia sẻ.
Những chàng trai tài năng và ngập tràn năng lượng. |
Trước "Găng tay chuyển ngữ", Tân và Đức đã cùng nhau tạo ra những sản phẩm khoa học vui như xe điều khiển, kính thiên văn, máy đo nồng độ cồn theo thời tiết....
Giải Nhất cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp Quốc gia (ViSEF) giúp Tân và Đức (2 học sinh lớp 11) cầm chắc tấm vé vào đại học. Nhưng chẳng có giới hạn nào cho những khát khao, 2 bạn trẻ cùng mơ đặt chân đến những trung tâm đào tạo khoa học - kỹ thuật hàng đầu tại Singapore, Mỹ để "cháy" hết mình với đam mê học thuật.
Cùng xem thêm một số hình ảnh về 2 nam sinh tài giỏi của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) nhé!
Theo Trí Thức Trẻ