Vì sao tắm lại là "kẻ sát nhân bất ngờ"?
Việc tắm táp là biểu hiện của giữ vệ sinh cá nhân, vậy tại sao nó lại trở thành "sát nhân bất ngờ"?
Tử vong đột ngột được định nghĩa là cái chết không do chấn thương, xảy ra đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn, bệnh nhân trước đó không xuất hiện các triệu chứng đe dọa tính mạng. WHO đặt tên cho cái chết xảy ra trong vòng 6 giờ sau khi bệnh phát là tử vong đột ngột. Nguyên nhân gây ra tử vong đột ngột có thể bắt nguồn từ tim hoặc không từ tim. Rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim là nguyên nhân phổ biến của tử vong đột ngột bắt nguồn từ tim. Đứt động mạch chủ, mất cân bằng điện giải, nguồn gốc từ phổi, nguồn gốc từ não là nguyên nhân chính gây tử vong đột ngột không phải từ nguồn gốc tim.
Có khá nhiều trường hợp tử vong đột ngột sau khi tắm nước lạnh. Nhiều người đổ lỗi cho việc tắm nước lạnh, nhưng thực tế các bệnh nhân này có thể đã bị một số bệnh khác từ trước, nhưng không có triệu chứng. Chẳng hạn, những người bị đau thắt ngực nếu tắm nước lạnh có thể gây ra đau tim và tử vong đột ngột.
Ngoài ra, sau khi bị kích thích bởi cái lạnh, thế thống thần kinh giao cảm bị kích thích, có thể xảy ra co tâm thất sớm, gây rối loạn nhịp tim ác tính và dẫn đến tử vong đột ngột cho người bệnh. Do đó, bác sĩ thường không khuyến khích tắm nước lạnh. Không chỉ nước lạnh, người bệnh mắc bệnh cơ tim hoặc các bệnh khác khi tắm nước nóng cũng có thể tử vong đột ngột, cần phải cảnh giác.
Bác sĩ Liu Jianxiong, Giám đốc Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhân dân số 2 Thành đô giải thích: Khi con người đang ở trạng thái nóng, lỗ chân lông mở ra, giúp giảm nhiệt độ cơ thể. Nhưng khi lỗ chân lông mở mà gặp lạnh thì có thể đóng lại đột ngột. Lúc này, hệ thống thần kinh giao cảm được kích thích, rất dễ gây ra tăng huyết áp hoặc rối loạn nhịp tim, từ đó dẫn đến đau tim.
4 lỗi khi tắm bạn nên bỏ ngay
Tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh
Khi tắm, nếu nước quá nóng có thể làm giãn nở các mạch máu nhỏ. Các mạch máu khắp bề mặt cơ thể giãn ra thì lượng máu đến não, tim và những cơ quan quan trọng khác giảm tương đối, có thể dẫn đến tai biến mạch máu não và tim.
Nếu tắm nước quá lạnh có thể làm co mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp, từ đó gây đau thắt ngực, đau tim, tử vong đột ngột...
Thời gian tắm quá lâu
Thời gian tắm thông thường không nên vượt quá 20 phút, tắm quá lâu có thể làm mất lớp dầu bảo vệ bề mặt da, làm cho da trở nên khô và ngứa hơn, cũng có thể làm cho người ta dễ mệt mỏi, thậm chí gây rối loạn nhịp tim, chết đột ngột và các hậu quả khác.
Thời điểm tắm sai
Sau khi làm việc trí óc, uống rượu, vận động, khi cảm lạnh và sau khi ăn không nên tắm ngay. Tắm ngay sau khi vận động có thể làm cho cơ bắp, mạch máu da giãn rộng, lượng máu tăng lên, do đó làm giảm lượng máu cung cấp cho các cơ quan quan trọng như tim, não và có thể bị các bệnh về tim mạch, mạch máu não.
Đóng kín cửa sổ khi tắm
Khi tắm bằng bình nước nóng sử dụng gas, cần tránh việc đóng kín cửa sổ. Việc đốt bình nước nóng sẽ tiêu thụ oxy, nếu không có oxy do cửa sổ bị đóng kín thì người ở trong có thể bị ngộ độc monoxide carbon.
Gội đầu trước có thể gây đột tử?
Theo thông tin lan truyền trên mạng, trình tự đúng khi tắm là rửa mặt - tắm cơ thể - gội đầu. Có nhiều lý do để bạn gội đầu sau, có người nói gội đầu trước khiến da đầu lạnh, có người cho rằng làm vậy thì máu không lưu thông đến đầu gây tử vong đột ngột...
Thông tin trên xuất phát từ một bài báo của Nhật Bản, tuyên bố có hơn 14.000 người Nhật tử vong mỗi năm do tắm không đúng cách. Tuy nhiên, báo cáo này không chỉ rõ về tình trạng sức khỏe cũng như nguyên nhân tử vong cụ thể của những người trên 65 tuổi. Nó cũng không thể chứng minh việc gội đầu trước sẽ gây tử vong đột ngột. Việc nói gội đầu trước gây nguy hiểm đã phóng đại ảnh hưởng của trình tự tắm đối với sức khỏe.
Ngoài trình tự gội đầu, việc gội đầu vào buổi sáng hay buổi tối cũng thường là tâm điểm tranh luận. Rốt cuộc, gội đầu khi nào tốt hơn? Thực tế, gội đầu sáng hay tối đều được, người khỏe mạnh có thể gội đầu theo sở thích cá nhân. Người bị bệnh tim và cao huyết áp... thì nên gội đầu buổi tối để tránh tình trạng biến động huyết áp lớn vào buổi sáng và gặp phải tai nạn.
Cấp cứu khi xảy ra đột tử
Khi sự việc xảy ra, cần thực hiện cấp cứu trong 3 bước. Đầu tiên là đánh giá xem bệnh nhân có ý thức không và gọi cho cấp cứu. Bước hai là thực hiện bóp tim ngoài lồng ngực, tuy nhiên cần tránh lực quá lớn để không làm tổn thương các cơ quan nội tạng của bệnh nhân. Thứ ba là làm hô hấp nhân tạo cho đến khi bệnh nhân tỉnh lại.
Tắm rửa có ý thức về vệ sinh tất nhiên là tốt, nhưng cần tránh những hiểu lầm về việc tắm, để tránh làm hại cơ thể. Hơn nữa, nhiệt độ tắm quá cao hoặc quá thấp đều không tốt cho sức khỏe cơ thể, khuyến nghị thường xuyên nên sử dụng nước ấm để tắm và thời gian chỉ dưới 20 phút.