Chiến tranh Lạnh đã kết thúc gần 3 thập kỷ nhưng những tàn dư từ nó vẫn dai dẳng đến tận ngày nay.
Cách đây 73 năm, thế giới chính thức bước vào kỷ nguyên nguyên tử sau khi Dự án Manhattan (Manhattan Project) của Mỹ - "cái nôi" cho ra đời quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại "The Trinity" - tạo bàn đạp cho người Mỹ nổ thử thành công quả bom "The Trinity" vào ngày 16/7/1945.
Chưa đầy một tháng sau, Mỹ lần lượt ném xuống hai thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki hai quả bom hủy diệt mang mật danh "The Little Boy" và "The Fat Man".
51 năm kể từ khi Mỹ giáng "The Little Boy" và "The Fat Man" xuống Nhật Bản (năm 1945) đến khi Hiệp ước Cấm thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBT) được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/9/1996, hơn 2.000 vụ nổ hạt nhân được thử trên toàn thế giới, trong đó, chủ yếu là Mỹ và Liên Xô thực hiện thời Chiến tranh Lạnh.
Và mặc dù, Chiến tranh Lạnh chưa từng trở thành "chiến tranh nóng" nhưng những tàn dư lịch sử của một thời đối đầu căng thẳng giữa siêu cường hạt nhân vẫn còn lưu dấu đến tận ngày nay: Không đâu khác chính là những bãi thử bom nguyên tử khổng lồ, nơi sự sống vẫn chưa được tái sinh.
Ngày 16/7/1945, sâu trong vùng sa mạc ở Socorro, bang New Mexico (Mỹ), kỷ nguyên nguyên tử của loài người ra đời. "The Trinity", mật danh của quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử Mỹ và thế giới - quả "The Gadget", được thử thành công.
Chứa gần 6 kg chất phóng xạ plutonium chết người, quả bom "The Trinity" sau khi phát nổ tạo nên một quả cầu lửa đường kính 183 m cùng sức hủy diệt khủng khiếp: Xóa sạch toàn bộ cây cối, làm vỡ hàng loạt cửa kính ở một ví trí cách tâm nổ hơn 190 km.
Chỉ tính từ năm 1949 đến 1989, tổng 456 vụ thử hạt nhân được Liên Xô thực hiện tại Bãi thử hạt nhân chiến lược Semipalatinsk. Trong số đó, có 340 vụ nổ dưới đất và 116 vụ nổ trên không.
Giới khoa học tính toán, tổng năng lượng của vũ khí hạt nhân được thử tại Semipalatinsk đã vượt quá 50 triệu tấn TNT, tức là mạnh gấp 2.500 lần năng lượng của quả bom "The Little Boy" Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản).
Nằm cách thị trấn Semipalatinsk 150km về phía Tây, thuộc vùng thảo nguyên rộng lớn phía đông bắc Kazakhstan, bãi thử Semipalatinsk rộng 18.500 km2, mật danh là "The Polygon - Đa giác", được thành lập vào ngày 21/8/1947 theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.
Ảnh minh họa.
Hai năm sau khi thành lập, Semipalatinsk là nơi chứng kiến vụ nổ thử của quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử Liên Xô RDS-1.
Ngoài các thí nghiệm hạt nhân, Liên Xô còn cho thử 175 vụ nổ hóa chất (44 vụ nổ trong số đó có khối lượng trên 10 tấn hóa chất).
Hàng chục năm sau khi Bãi thử Semipalatinsk đóng cửa năm 1989, môi trường tại đây bị tàn phá nghiêm trọng vì nhiễm phóng xạ. Cho đến nay, khu vực Bãi thử Semipalatinsk là một trong những khu vực nguy hiểm nhất hành tinh.
Ngày 30/10/1961 trở thành ngày đánh dấu Liên Xô bước lên ngôi vị "bá vương hạt nhân" sau khi nước này sản xuất và cho nổ thử quả "bom vua" Sa Hoàng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại tính cho đến thời điểm hiện nay.
Với sức công phá mạnh tương đương 57 triệu tấn TNT (gấp 3.000 lần sức mạnh của "The Little Boy"), khoảnh khắc bom Sa Hoàng phát nổ phía trên quần đảo Novaya Zemlya vùng Bắc Băng Dương khiến Mỹ và cả thế giới choáng váng, lo sợ, bởi sức mạnh hủy diệt khủng khiếp từ quả "bom vua" khiến cho tất cả các tòa nhà cách tâm nổ 55km bị phá hủy hoàn toàn.
Thời Chiến tranh Lạnh, quần đảo Novaya Zemlya được xem là vùng chiến lược của Liên Xô, nơi Lực lượng Không quân Liên Xô đóng ở căn cứ không quân Rogachevo ở phần phía nam hòn đảo.
Năm 1955, Mỹ triển khai dự án “Operation Teacup”, cho nổ 14 vụ thử hạt nhân tại bình nguyên Yucca, thuộc Bãi thử nghiệm Nevada, miền tây nước Mỹ.
Hình ảnh một ngôi nhà thuộc Survival Town trước và sau khi bị bom nguyên tử tác động.
Điểm nổi bật nhất của dự án “Operation Teacup” chính là việc Mỹ xây dựng những ngôi nhà, công trình (gọi là Doom Town hoặc Survival Town) cách tâm các vụ nổ một khoảng cách nhất định để do tác động của các vụ nổ lên Survival Town.
Rộng vỏn vẹn 6 km², nằm gọn trong quần đảo Marshall ở phía tây Thái Bình Dương là hòn đảo hô vòng Bikini, nơi chứng kiến những vũ thử vũ khí hủy diệt không thể nào quên trong lịch sử.
Những quả bom nguyên tử "nổi tiếng" từng được thử tại Bikini Atoll không đâu khác chính là các quả bom Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki. "Castle Bravo" - quả bom H nhiên liệu rắn, đồng thời cũng là vũ khí hạt nhân lớn nhất của Mỹ - cũng được thử tại đây.
Tính từ năm 1946 đến 1958, Mỹ cho nổ thử 23 quả bom hạt nhân tại "thiên đường thầm lặng" vùng Thái Bình Dương này. Hệ quả, hòn đảo Bikini bị nhiễm phóng xạ nặng nề.
Cột tháp bằng thép háp Bren cao 465m tại Nye, Nevada. Nguồn: Atlas Obscura.
Ngày 11/1/1951, Mỹ thành lập Bãi thử nghiệm Nevada nhằm thực hiện các vụ nổ thử vũ khí hạt nhân của nước này.
Được đầu tư rất bài bản, Bãi thử nghiệm Nevada gồm hơm 1.000 tòa nhà, 10 bãi đáp máy bay trực thăng cùng hệ thống đường bộ dài hàng trăm km. Trong số công trình đó có sự hiện diện của tháp Bren, được xây dựng năm 1962. Công trình cao 465m, cao hơn tòa nhà Empire State của Mỹ.
Vì chiều cao của tháp Bren xấp xỉ bằng chiều cao mà tại đó quả bom rơi xuống Hiroshima phát nổ. Do đó, ban đầu, nó được thiết kế để mô phỏng bức xạ của quả bom đó. Về sau, tháp Bren dùng để thử nghiệm các bức xạ từ lò phản ứng.
Bài viết sử dụng nguồn: Atlas Obscura