Lịch sử của Vạn Lý Trường Thành có thể bắt nguồn từ thời Chiến Quốc, khi đó các chư hầu lớn đều xây dựng công sự để chống lại quân man rợ phương bắc, mãi đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước mới xây Vạn Lý Trường Thành. Vạn Lý Trường Thành được hiểu là "Bức tường dài vạn dặm", là thành lũy dài hàng ngàn cây số từ Đông sang Tây, được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 TCN cho tới thế kỷ 16. Mục đích xây Vạn Lý Trường Thành nhằm bảo vệ Trung Hoa khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ, Đột Quyết, và những bộ tộc du mục khác. Vạn Lý Trường Thành được xây dựng lần đầu tiên bởi Tần Thủy Hoàng. Sau này, các hoàng đế của các triều đại khác khi lên ngôi cũng đầu tư sửa chữa Vạn Lý Trường Thành.
Vạn Lý Trường Thành vốn được xây dựng từ hàng ngàn năm trước từ thời nhà Tần, đến thời nhà Tống và Nguyên, hầu hết các bức tường thành đều ở trong tình trạng đổ nát. Phải đến khi Chu Nguyên Chương - vị hoàng đế sáng lập nhà Minh đã phái hàng nghìn thợ thủ công mở rộng Vạn Lý Trường Thành trên nền móng sẵn có từ thời nhà Tần.
Vạn Lý Trường Thành được biết đến ngày hôm nay được xây dựng vào khoảng năm 1474. Nhiều người thường gọi đây là Vạn Lý Trường Thành thứ hai của Trung Quốc. Bức tường thành được xây dựng từ thời nhà Minh bắt đầu từ điểm phía đông tại Sơn Hải Quan ở tỉnh Hà Bắc gần Vịnh Bột Hải và kết thúc tại tỉnh Cam Túc giáp với biên giới Sa mạc Gobi. Điểm cuối phía Tây của di tích này chính là Gia Dục Quan nằm ở tỉnh Cam Túc.
Trong hàng ngàn năm, Vạn Lý Trường Thành đã trụ vững trước sự tàn phá của vô số cuộc chiến tranh, nhưng trong cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc, Vạn Lý Trường Thành suýt bị quân Nhật phá hủy, cuối cùng chính bức thư của vị hoàng đế cuối cùng là Phổ Nghi đã cứu được Vạn Lý Trường Thành, giúp di sản hàng ngàn năm tồn tại đến ngày nay.
Theo Sohu.com, sau khi sự kiện 18/9/1931 nổ ra, quân Nhật Bản đã nhanh chóng chiếm đóng toàn bộ vùng Đông Bắc của Trung Quốc. Tuy nhiên, tham vọng của người Nhật Bản không dừng lại ở đây bởi mục tiêu chính của họ là Hoa Bắc Trung Quốc, nhưng nếu muốn chiếm đóng thành công khu vực trên thì họ phải vượt qua Vạn Lý Trường Thành.
Chính vì vậy, Nhật Bản liền dồn quân lực mở cuộc tấn công vào Sơn Hải Quan. Khi đó, người bảo vệ Sơn Hải Quan là Hà Trụ Quốc. Đối mặt với cuộc tấn công của quân Nhật, Hà Trụ Quốc đã huy động toàn quân để chống cự. Sau ba ngày ba đêm, cuối cùng đội quân của Hà Trụ Quốc đã bị áp đảo về số lượng và bị quân Nhật chiếm đóng Sơn Hải Quan.
Sau khi chiếm được Sơn Hải Quan, quân Nhật quay sang tấn công Bình Tân, quyết chiếm vùng Hoa Bắc Trung Quốc chỉ trong một sớm một chiều. Để hoàn thành mục tiêu, quân Nhật khi đó đã chia lực lượng tấn công các tuyến phòng thủ chính ở Vạn Lý Trường Thành. Để phá vỡ thế bế tắc và đẩy nhanh thắng lợi của cuộc chiến, quân Nhật đã quyết tâm cho nổ tung Vạn Lý Trường Thành. Khi đó, Nhật Bản đã tập hợp một số lượng lớn máy bay và pháo binh.
Tuy nhiên, kế hoạch này nhanh chóng đến tai Phổ Nghi - hoàng đế "bù nhìn" của Mãn Châu. Dù chỉ là hoàng đế bù nhìn do quân đội Nhật Bản lập ra nhưng Phổ Nghi vẫn là vị vua yêu văn hóa dân tộc. Để bảo vệ Vạn Lý Trường Thành - di sản có từ hàng nghìn năm của dân tộc Trung Quốc, Phổ Nghi ngay lập tức viết một bức thư cho các quan chức cấp cao của Nhật Bản.
Theo đó, nội dung trong bức thư chỉ có 8 chữ với ngụ ý nếu Vạn Lý Trường Thành bị phá hủy thì "hợp tác thịnh vượng sẽ thất bại" (Trường Thành nhược hủy, cộng vinh tất bại). Trong thư, Phổ Nghi thẳng thắn tuyên bố Vạn Lý Trường Thành là nền tảng của dân tộc Trung Hoa một khi bị phá hủy chắc chắn sẽ gây ra sự phản kháng của nhân dân cả nước, điều đó không phải thuận lợi cho sự cai trị của Nhật Bản ở Trung Quốc.
Sau khi nhận được bức thư của Phổ Nghi, quân đội Nhật Bản cho rằng điều ông nói là đúng nên đã hủy bỏ lệnh cho nổ Vạn Lý Trường Thành. Nhờ đó, Vạn Lý Trường Thành đã được bảo vệ và tồn tại đến ngày nay.