Vo gạo là công đoạn đầu tiên nhất định phải làm khi nấu cơm để loại bỏ bụi bẩn, các hạt sạn lẫn vào trong gạo. Nhiều người cho rằng việc vo gạo kỹ sẽ giúp cơm khi chín không hôi, để được lâu. Tuy nhiên sự thật là bạn chỉ nên vo gạo nhẹ nhàng trong 1 - 2 lần nước là đủ.
Để sạch hạt gạo, khi vo bạn khoắng nhẹ tay để bụi bẩn, tạp chất trôi ra, chà xát gạo quá mạnh sẽ làm gạo mất chất dinh dưỡng. Phần vỏ bên ngoài của hạt gạo chứa glucid, protein, lipid, vitamin nhóm B... rất tốt cho cơ thể.
Cho thêm 1 nhúm muối khi cắm cơm là tip lạ nhưng có tác dụng không ngờ. Việc bạn cho một nhúm muối khi cắm cơm sẽ giúp gạo có hương vị đậm đà, đồng thời bảo quản được lâu hơn, tránh ôi thiu. Tuy nhiên bạn cần nhớ cho lượng muối vừa phải, tránh để cơm thành phẩm có vị khó ăn.
Mỗi loại gạo cần một tỷ lệ nước khác nhau, vì thế khi nấu, bạn không nên trộn nhiều loại gạo có tỷ lệ nước khác nhau. Điều này khiến cơm lúc cứng, lúc nhão rất khó ăn. Việc cho bao nhiêu nước sẽ tùy thuộc loại gạo bạn đang dùng.
Bên cạnh cách cho muối ở trên, bạn cũng có thể thêm một thìa giấm trắng vào nước vo gạo trước khi cắm cơm. Giấm giúp cơm trắng mịn, không bị dính khi lấy, lại để được lâu hơn. Cơm sẽ không bị chua như nhiều người vẫn tưởng bởi bạn chỉ sử dụng với một lượng giấm nhỏ. Thêm vào đó, giấm sẽ bay hơi hết trong quá trình nấu. Muốn cơm bóng bẩy hơn thì bạn có thể thêm một vài giọt dầu để nấu cùng gạo.