Một thập kỷ trước, tình hình tương tự như vậy. Vào một buổi hoàng hôn tháng 11/2010, quân đội Myanmar đã dựng rào chắn trên Đại lộ University để ngăn cách bà Aung San Suu Kyi với người dân. Sau đó, việc bà Aung San Suu Kyi được trả tự do sau khi bị quản thúc tại gia đã được cả thế giới hoan nghênh. Các Thủ tướng và Tổng thống ca ngợi sự tự do của bà như bình binh của kỷ nguyên dân chủ mới tại Myanmar. Suốt thời gian dài trước đó, đất nước này nằm dưới sự chỉ huy của một chính quyền quân sự tàn nhẫn.
Là con gái của Tướng Aung San, người thành lập tatmadaw (tổ chức quân sự Miến Điện) và giúp đất nước giành độc lập, bà Aung San Suu Kyi trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến dân chủ hòa bình. Trong suốt thời gian bị quản thúc tại gia, bà Aung San Suu Kyi không thể bị bắt giữ. Nhưng trong một thập kỷ kể từ khi được trả tự do, bà chuyển từ một biểu tượng dân chủ sang chính trị gia đang hoạt động và mất dần uy tín trong mắt phương Tây.
Trong cuộc bầu cử năm 2015, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà giành chiến thắng vang dội. Tuy nhiên, do có chồng và con mang quốc tịch Anh nên bà không thể trở thành Tổng thống. Thay vào đó, bà lên làm cố vấn nhà nước và Ngoại trưởng và là nhà lãnh đạo thực tế của Myanmar.
Thế nhưng quân đội kiểm soát 25% ghế trong quốc hội cũng như các bộ chủ chốt của chính phủ, có nghĩa là bà Aung San Suu Kyi đã suy yếu. Bà không sẵn lòng hoặc không có khả năng lên án những hành động tàn bạo của đội quân mà bố mình thành lập. Điển hình nhất là những hành vi vô nhân đạo họ đã làm với người thiểu số Rohingya ở phía tây đất nước. Thế giới kêu gọi bà Aung San Suu Kyi bảo vệ những người thiểu số này. Trước tòa án công lý quốc tế ở Hague, bà nói “Tình hình tại bang Rakhine rất phức tạp và không dễ hiểu” và những cáo buộc về tội diệt chủng là một “bức tranh thực tế không đầy đủ và gây hiểu lầm”.
Aung San Suu Kyi luôn là một người theo chủ nghĩa dân tộc, khái niệm quốc gia của bà gắn chặt với bản sắc dân tộc. Hoàn cảnh của những dân tộc thiểu số tại Myanmar luôn là điểm mù của bà. Là con gái của anh hùng dân tộc vĩ đại nhất đất nước, đó là nguyên lý cốt lõi trong triết lý chính trị và cá nhân của bà.
Nhưng, dù bà mất uy tín trong mắt cộng đồng quốc tế thì tại Myanmar, Aung San Suu Kyi vẫn luôn được yêu mến. Trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020, đảng của bà thậm chí còn giành được nhiều phiếu bầu hơn so với năm 2015, giúp bà nắm quyền thêm 5 năm nữa. Tuy nhiên, quân đội đã từ chối chấp nhận kết quả và đã bắt giam bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều nhân vật hàng đầu của đảng cầm quyền hôm 1/2. Họ cáo buộc gian lận bầu cử, điều mà giới quan sát cho rằng không đáng tin cậy.
Ở Myanmar, việc quân đội giam giữ bà Aung San Suu Kyi sẽ được coi là sự trở lại của những tháng ngày đen tối. Quân đội tuyên bố sẽ kiểm soát đất nước trong vòng một năm đồng thời đưa ra tình trạng khẩn cấp. Đường dây điện thoại và Internet bị cắt ở nhiều khu vực.
Theo David Mathieson, một nhà phân tích độc lập về Myanmar, hành động của quân đội có thể phản tác dụng. “Có một thế hệ lớn lên cùng bà ấy khi bà bị quản thúc tại gia, và một thế hệ trẻ lớn lên cùng sự tự do của bà ấy, thực sự ủng hộ bà. Có rất nhiều người ở các bagn dân tộc không chịu đựng nổi bà hay đảng của bà, nhưng họ lại rất ghét quân đội” ông nói.
Trên khắp thế giới, dù danh tiếng của Aung San Suu Kyi không thể cứu vãn nhưng việc quân đội chiếm quyền kiểm soát vẫn bị lên án dữ dội và kịch liệt. Bên trong đất nước, không ai đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Myanmar là một đất nước tràn ngập vũ khí và có sự chia sẽ sắc tộc, tôn giáo sâu sắc.
(Theo Guardian)