Tin mới

Australia mua 10 tàu ngầm của Nhật, Trung Quốc thấp thỏm lo sợ

Thứ sáu, 12/09/2014, 09:39 (GMT+7)

Australia sẽ mua 10 tàu ngầm từ Nhật Bản với mức giá khoảng 18,7 tỷ USD. Thương vụ mua bán này được xem là bước ngoặt đánh dấu lần đầu tiên Nhật xuất khẩu vũ khí kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Australia sẽ mua 10 tàu ngầm từ Nhật Bản với mức giá khoảng 18,7 tỷ USD. Thương vụ mua bán này được xem là bước ngoặt đánh dấu lần đầu tiên Nhật xuất khẩu vũ khí kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Nhật báo Wall Street Journal của Mỹ đưa tin, Chính phủ Australia đã quyết định chi 20 tỷ đô la Australia (tương đương 18,7 tỷ USD) mua 10 tàu ngầm lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo để thay thế các tàu ngầm quốc nội lớp Collins của hải quân nước này. 

Các quan chức quốc phòng cấp cao cho biết họ hy vọng thỏa thuận này sẽ nhanh chóng được kí kết trong năm nay. 

Việc chính phủ Australia quyết định mua tàu ngầm từ Nhật đã phá vỡ lời hứa của Thủ tướng Tony Abbott trước cuộc bầu cử hồi năm ngoái, đó là sẽ cam kết xây dựng một hạm đội tàu ngầm mới nhằm giúp đỡ các công ty đóng tàu trong nước đang gặp khó khăn, do đó việc mua tàu ngầm của Nhật đã đi ngược lại với cam kết này.

Tuy nhiên, Thủ tướng Australia Abbott nói, Chính phủ của ông rất muốn hỗ trợ ngành công nghiệp đóng tàu trong nước, tuy nhiên tàu ngầm là loại vũ khí trang bị nòng cốt trong chiến lược quân sự của quốc gia đại dương này, vì thế không thể vì hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mà hy sinh vấn đề anh ninh quốc gia. 

Phát biểu trước báo giới, ông Abbott khẳng định: “Điều quan trọng nhất là có được những con tàu ngầm tốt nhất, với mức giá hợp lý đối với người đóng thuế Australia. Quyết định này được đưa ra dựa trên yêu cầu về quốc phòng, chứ không phải dựa trên cơ sở Chính sách công nghiệp”.

Tàu ngầm AIP lớp Soryu của Nhật Bản

Toru Hotchi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thiết bị, thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết: "Kể từ khi Nhật Bản và Australia đạt được thỏa thuận liên quan đến việc chuyến giao các thiết bị quốc phòng và công nghệ hồi tháng Bảy, chúng tôi đã tiến hành hợp tác ở nhiều khía cạnh khác nhau". Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ liệu hợp tác đó có phải tàu ngầm hay không.

Hợp đồng bán 10 tàu ngầm thông thường, động cơ diezen-điện, sử dụng hệ thống động lực không cần không khí (AIP) cho Australia cũng là hợp đồng xuất khẩu vũ khí sát thương đầu tiên của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Theo báo cáo, thỏa thuận này giữa Tokyo và Canberra đã được giới chức quốc phòng Australia tiết lộ vào ngày 8/9. Dự kiến, quá trình thương thảo các điều khoản hợp đồng sẽ sớm hoàn tất và được chính thức ký kết trong năm nay.

Báo cáo chỉ rõ, Australia xem việc xây dựng một hạm đội tàu ngầm là cần thiết để bảo vệ biên giới biển rộng lớn, bảo vệ các tuyến đường biển huyết mạch cho hoạt động xuất khẩu nguyên vật liệu thô, cũng như để tuần tra các dự án dầu khí ngoài khơi thuộc diện lớn nhất thế giới của mình.

Canberra từng có thời gian bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ của mình đối với tàu ngầm tàng hình lớp Soyru của Nhật để thay thế đội tàu ngầm lớp Collins gồm 6 chiếc đã lỗi thời "ngốn" một khoản chi phí khổng lồ cho mỗi lần bảo dưỡng.

Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật nặng 4.200 tấn là loại tàu ngầm chạy diesel-điện lớn nhất thế giới, tàu được vận hành bởi một hệ thống động lực không khí độc lập, vừa giúp tàu vận hành siêu êm, vừa cho phép tàu này có thể hoạt động dưới nước trong vòng hai tuần liên tục mà không cần nổi lên lấy dưỡng khí.

Còn những tàu ngầm lớp “Collins” của Australia tự sản xuất cũng là loại tàu ngầm diesel-điện, tuy nhiên nó có độ ồn lớn và mức độ tin cậy thấp, hơn nữa loại tàu này đã qua sử dụng 18 năm nay.

Tàu ngầm Soryu có thể di chuyển 11.000 km trước khi phải quay về căn cứ. Tầm di chuyển này thấp hơn mức mà Australia kỳ vọng, bởi nước này muốn bảo vệ những tuyến hàng hải tại các vùng biển có tranh chấp trong khu vực, nơi Trung Quốc thời gian gần đây hay khoe sức mạnh cơ bắp.

Vị trí trọng yếu của căn cứ tàu ngầm Darwin

Để khắc phục vấn đề này , Australia sẽ phải chuyển cơ sở cảng và bảo trì tàu ngầm lên thành phố Darwin ở phía Bắc, nơi gần hơn với các quốc gia châu Á khác, thay vì tiếp tục đặt ở Perth và Sydney như hiện nay. Việc chuyển căn cứ tàu ngầm cũng sẽ giúp Australia hỗ trợ tốt hơn cho các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ sang thăm trong bối cảnh Canberra muốn tăng cường quan hệ an ninh với đồng minh thân cận nhất là Washington.

Quyết định cuối cùng sẽ được công bố trong Sách Trắng Quốc phòng phát hành vào giữa năm 2015, tuy nhiên Chính phủ Australia có thể công bố thỏa thuận mua tàu này vào cuối năm nay.

Giới phân tích đánh giá rằng, việc Nhật cung cấp tàu ngầm cho Australia có thể sẽ đẩy căng thẳng trong khu vực lên một nấc thang mới, bởi động thái này đưa Nhật trở thành người đảm bảo an ninh chính cho Australia trong bối quan hệ giữa Trung Quốc và một số quốc gia láng giềng, bao gồm Nhật Bản, vẫn đang trong tình trạng căng thẳng. Đồng thời, thỏa thuận tàu ngầm có thể sẽ khiến cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực càng quyết liệt hơn.

Có được các tàu ngầm AIP lớp Soryu của Nhật, Australia có thể triển khai chúng ở căn cứ tàu ngầm Darwin ở phía Bắc, căn cứ Perth ở phía Tây. Ngoài ra, còn có một số căn cứ quân sự khác như Sydney, Adelaide…, đây là điều mà Trung Quốc rất lo ngại.

Chuyên gia Lý Kiệt thuộc Viện nghiên cứu khoa học quân sự Hải quân Trung Quốc cho rằng, giá trị của căn cứ quân sự ở Australia nằm ở chỗ, một mặt nó hình thành chuỗi liên kết các căn cứ hiện có của Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Guam, điều đó giúp Mỹ tăng cường hơn nữa binh lực ở khu vực biển Đông, dễ bề điều động lực lượng, để có thể bao vây kẹp chặt trung Quốc.

Mặt khác, quân cảng trọng yếu Darwin nằm ở phía bắc Australia, đó là một thành phố gần với châu Á nhất. Do vị trí địa lý nằm ngay sát Indonesia và eo biển Malacca, kề cận biển Đông, các tàu ngầm triển khai tại căn cứ này rất có lợi cho Mỹ-Australia, khi cục diện khu vực có những biến động phức tạp trong tương lai.

Lúc đó, lực lượng tàu ngầm Australia và tàu mặt nước Mỹ sẽ nhanh chóng phong tỏa khu vực biển phụ cận Indonesia và Philippines, đặc biệt là eo biển huyết mạch Malacca, gây áp lực rất lớn cho Bắc Kinh, bởi có tới 90% lượng dầu mỏ nhập khẩu và lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển này vào biển Đông về Đại Lục.

 

Yên Yên (Nguồn: Wall Street Jounal)

Theo Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news