Kết quả nghiên cứu của các chuyên viên cổng thông tin Global Firepower (GFP) năm 2015 cho thấy Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc là ba quốc gia hàng đầu được đánh giá có tiềm lực quân sự mạnh nhất.
Chỉ số Global Firepower Index (chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu, gọi tắt là GFP) được xác định dựa trên 50 yếu tố có ý nghĩa quyết định về khả năng đương đầu với chiến tranh thông thường như các yếu tố liên quan đến tài nguyên, tài chính, sức mạnh hải quân, hậu cần, dân số, vị trí địa lý và tình hình kinh tế.
10 quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất và khách hàng chính của họ từ năm 2010-2014 |
Theo Đài Sputnik, yếu tố then chốt đối với vị trí số 1 của Hoa Kỳ là mức chi phí quân sự cao vượt hơn Nga và Trung Quốc, bất kể việc Lầu Năm Góc đã cắt giảm ngân sách từ 612 tỷ đô la xuống còn 577 tỷ đô la.
Bắc Kinh đang chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn Moscow, song theo Global Firepower, Nga có tiềm năng quân sự vượt hơn Trung Quốc do chiếm ưu thế về cơ số đơn vị thiết bị, chẳng hạn như xe tăng 15.398 chiếc so với 9.150 chiếc.
Theo đó, Washington, Moscow và Bắc Kinh cũng là 3 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới từ năm 2010-2014, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết.
Nga xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng tiềm lực quân sự các quốc gia trên thế giới. Ảnh: Sputnik. |
Vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng thuộc về Ấn Độ.
Trong số các nước châu Âu, Global Firepower đánh giá Anh cao hơn cả, ở hàng thứ năm, còn trong top 10 bao gồm Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bảng xếp hạng này không tính đến tiềm năng hạt nhân của các quốc gia, cũng như tính chất quân sự và chính trị ở các nước được đánh giá.
Năm nay, Việt Nam được Global Firepower đánh giá đứng thứ 21 trên bảng xếp hạng sức mạnh quân sự toàn cầu. Như vậy, theo bảng xếp hạng trên trang web này, Việt Nam đã tiến 2 bậc so với năm 2014.
Lê Huyền (tổng hợp)