Ngay khi được cấp phép biểu diễn trở lại sau 40 năm, "Ly rượu mừng" đã lọt vào danh sách bài hát hay nhất trong Giai điệu tự hào 2016 phát sóng tối Mùng 1 Tết Nguyên đán trên VTV1.
[mecloud]ERuA8RWyFM[/mecloud]
Theo thông tin trên fanpage Giai điệu tự hào của VTV, Thanh niên, Tri thức trực tuyến, ca khúc "Ly rượu mừng", bản nhạc xuân quen thuộc của miền Nam trước đây từng bị cấm hát 40 năm, sẽ xuất hiện trong Gala Giai điệu tự hào vào 20h10 tối 28/1, tức Mùng 1 Tết Nguyên Đán trên VTV1. Đây là chương trình của những bài hát hay nhất trong Giai điệu tự hào trong suốt năm 2016. "Ly rượu mừng", ca khúc mới được cấp phép trở lại và phổ biến rộng rãi qua tiếng hát của Bảo Trâm, Ngọc Khuê và nhóm Dòng thời gian. Ảnh: VTV |
BTC Giai điệu tự hào cho biết, "Ly rượu mừng" cũng chính là lời chúc gửi tới mùa xuân mới ấm áp cho tác giả. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương nhiều năm nay chỉ được nhớ tới qua tác phẩm Nửa hồn thương đau. Ít người biết rằng tác phẩm "Ly rượu mừng" cũng là một sáng tác của ông vì 40 năm qua chưa được Cục nghệ thuật biểu diễn cấp phép.
Nhạc phẩm "Ly rượu mừng" của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương (sáng tác năm 1952) được khán thính giả rất yêu thích ngay từ khi vừa trình làng. Ca khúc với âm điệu rộn ràng, tươi vui như một thông điệp, một Lời chúc Tết tốt đẹp nhất theo truyền thống dân tộc, tới mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội.
Ca khúc được chọn kết thúc chương trình giai điệu tự hào tối 31/12/2016 đã khiến nhiều thành viên hội đồng bình luận xúc động. “Ly rượu mừng là ly rượu quá xứng đáng để tiễn một năm cũ đi”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Lý giải về việc vì sao ca khúc này bị cấm hát, trên Thanh niên dẫn lời nhà báo Nguyên Minh cho biết, chính việc nhắc tới người lính, tới từ “đời lính”, “binh sĩ” mà bài hát này đã không được hát suốt 40 năm. “Chính yếu tố người lính làm bài hát không được hát trở lại. Người lính là người lính nào?”, ông chia sẻ.
Ông Minh thông tin thêm, sau này khi Phương Nam phim muốn ghi bài hát này, họ đã phải cùng gia đình tìm lại tất cả các tư liệu cũ liên quan đến bài ca. Rất may, trong những tư liệu đã quá cũ, gia đình tìm và thấy bản ghi chép, tư liệu cũ của ca khúc này. Qua đó, có thể xác định bài hát được sáng tác khoảng thời gian 1951-1953. Tư liệu cũng cho thấy đó là bài hát mà ông Phạm Đình Chương viết về người lính chống Pháp.
Từ những cơ sở thu thập được, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép cho bài hát được hát hồi đầu năm 2016. “Đó là bài hát về người lính chống Pháp. Bài hát cuối cùng đã được giải oan”, ông Minh nói.
Đức Hòa (tổng hợp)