Tin mới

Rơi nước mắt với những chuyện tình xuyên thế kỷ của "ông bà anh", vượt mọi hoàn cảnh đến với nhau

Thứ tư, 25/10/2017, 16:31 (GMT+7)

Có người vợ hơn 50 năm chờ đợi chồng trở về trong chiến tranh, có người chịu cảnh không một đám cưới đàng hoàng nhưng vẫn gắn bó cả nửa thế kỷ bên người chồng... Những chuyện tình "ông bà anh" không chỉ là một câu chuyện cảm động mà còn là bài học mà mọi thế hệ, mọi con người, mọi hoàn cảnh đều có thể soi chiếu.

Có người vợ hơn 50 năm chờ đợi chồng trở về trong chiến tranh, có người chịu cảnh không một đám cưới đàng hoàng nhưng vẫn gắn bó cả nửa thế kỷ bên người chồng... Những chuyện tình "ông bà anh" không chỉ là một câu chuyện cảm động mà còn là bài học mà mọi thế hệ, mọi con người, mọi hoàn cảnh đều có thể soi chiếu.

Chuyện "vợ nhặt" của ông lão trên bến sông

Đôi vợ chồng già ở bãi sông Hồng nổi tiếng Cộng đồng mạng sau câu chuyện tình và bộ ảnh cưới của một nhiếp ảnh gia chụp tặng. Ông bà đến từ 2 quê khác nhau và đều mồ côi cha mẹ. Họ gặp nhau vào năm 1969 tại một bãi rác khi đi mưu sinh. Và từ đó dọn về sống cùng nhau.

Nụ cười hạnh phúc của đôi vợ chồng nghèo gần 50 năm sống bên nhau

Chẳng có cưới xin, hôn ước gì cả, chỉ đơn giản với câu nói “Bà về ở với tôi đi cho đỡ phải tranh giành rác của nhau”. Vậy là hai ông bà đã sống với nhau đã được 47 năm. Chẳng có mảnh đất cắm dùi, họ sống chung trên một chiếc thuyền chòng chành ven đê. Cuộc sống khó khăn nhưng chẳng bao giờ họ hết tình cảm. 

Nắm tay nhau đi khắp Việt Nam

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, đã có rất nhiều câu chuyện tình yêu đơm hoa kết trái của những chàng trai cô gái thanh niên xung phong. Cụ ông Phạm Xuân Theo (86 tuổi) và cụ bà Vũ Thị Hảo (88 tuổi) cũng đã nên duyên nơi chiến trường ác liệt như thế.

Ông Theo và bà Hảo luôn đồng hành cũng nhau trong cuộc sống

Bao nhiêu năm sống cùng nhau, cùng nuôi dạy con cái trưởng thành, hiện tại, các cụ đã về hưu và chăm sóc nhau lúc tuổi già.

Các con của hai cụ đều thành đạt, sống ở xa nhưng luôn quan tâm, chăm sóc bố mẹ mình. Đối với con cái, hai cụ chính là tấm gương về tình yêu, tình chồng vợ bền chặt, về nghị lực vượt qua bao thử thách, khó khăn.

Cặp vợ chồng già lại nắm tay nhau giữa cao nguyên lộng gió 

Để bố mẹ vui thú tuổi già, các con đã đưa hai cụ đi du lịch khắp đất nước Việt Nam. Những nơi đi qua, hai cụ đều lưu lại khoảnh khắc ngọt ngào bằng hình ảnh vợ chồng nắm tay nhau, khi thì trên bãi biển, lúc thì giữa cao nguyên, lúc lại vui nhộn nơi phố phường đông đúc.

Năm tháng trôi qua, không chỉ trong những chuyến đi, hai cụ vẫn nắm tay nhau đi qua những lúc ốm đau, những bão giông của cuộc đời. Những cái nắm tay nhau khi đôi bàn tay vẫn còn khỏe mạnh, rắn chắc đến khi đã gân guốc, đồi mồi không khỏi khiến người trẻ lắng lòng xúc động.

Tình yêu sắt son thời chiến

Câu chuyện tình yêu 60 năm của cụ ông Lê Sẻ (93 tuổi) và cụ bà Nguyễn Thị Lợi (82 tuổi) sống tại Trà Quế, Hội An, Quảng Nam đã được phát sóng trong chương trình Điều ước thứ 7 của VTV. Không chỉ là tình nghĩa vợ chồng cảm động, câu chuyện của ông bà còn gắn với những thăng trầm của đất nước.
Năm 1930, nhờ một người quen giới thiệu, hai ông bà biết nhau và đem lòng yêu mến đối phương. Thế nhưng, mãi đến 10 năm sau, ông bà mới nên nghĩa vợ chồng.

Ông Sẻ và bà Lợi đã có "60 năm cuộc đời" sống bên nhau

Tình yêu thời chiến luôn gắn với sự chia xa. Như những trai làng thời bấy giờ, ông Sẻ cũng lên đường nhập ngũ, bà Lợi ở nhà làm hậu phương vững chắc cho chồng. Ông Lợi bị giặc bắt và sống cảnh tù đầy, phải chịu những đòn roi tra tấn vô cùng dã man. Những lần đi thăm chồng càng khiến bà Lợi thương chồng da diết. Đó chính là sức mạnh để bà luôn hăng say lao động đợi chồng trở về.

Năm 1954, từ mặt trận, ông Sẻ trở về nhà với vợ con. Lúc này, vợ chồng ông mới có dịp sống gần nhau, nuôi dạy 5 con khôn lớn. Người con cả của ông bà mắc chứng bệnh down, cuộc sống thời chiến của ông bà càng thêm phần khó khăn, cơ cực.

Hai ông bà đã vượt qua bao sóng gió để được đoàn viên, cùng nuôi dạy các con

Hòa bình lập lại, ông bà vẫn tiếp tục lao động trên mảnh đất quê hương. Hành trình 70 năm quen biết, 60 năm sống nghĩa vợ chồng, ông bà cùng nhau trải qua nhiều thăm trầm trong cuộc sống.

Chờ đợi chồng suốt 50 năm chiến tranh

Chuyện tình của cụ Nguyễn Thị Xuân (94 tuổi, thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, H.Đông Anh, Hà Nội) kể ra rất dài nhưng khi nhắc lại, cụ chỉ muốn tóm tắt nó như một tiểu sử. Đó là vào mùa đông năm 1944, cụ Xuân đi bán hàng ăn ở Hải Phòng rồi tình cờ quen ông Shimizu Yoshiharu (SN 1919, người Nhật Bản). Mối tình ngày ấy bắt đầu bằng lời tỏ tình rất ngô nghê. "Ông ấy chỉ hỏi một câu bằng tiếng Nhật là cô Xuân đã có người yêu chưa, thế là tôi nhận lời và nên duyên vợ chồng".

Đối với cụ Xuân, tình yêu đẹp không phải cứ nhất nhất là nắm tay nhau từ sáng tới tối, hứa bên nhau từ thanh xuân tới lúc già

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, vào một ngày năm 1954, ông Đức nói với vợ mình phải quay về Nhật Bản, rằng đó là chuyến công tác khá dài, nhiều nhất có thể mất 1 năm. Chia tay chồng, cụ Xuân trở lại ngôi nhà nhỏ ở Hà Nội, gồng gánh nuôi 3 con nhỏ, ngày ngày đợi chờ người đi xa trở về. Nhưng cụ cứ đợi, năm này qua tháng khác, cho đến lúc các con đều đã lớn... người đi cứ đi mãi, không bao giờ thấy quay lại.

Cụ Xuân nói niềm mong ước lúc cuối đời của cụ chỉ đơn giản là được gặp lại người cũ.

Tưởng chồng đã mất vì chiến tranh, cụ Xuân chọn ngày cuối cùng gặp chồng để làm ngày giỗ. Thế nhưng trong sâu thẳm, cụ luôn nuôi hy vọng ông Đức vẫn còn sống. Trải qua nhiều khó khăn, biết bao lần hỏi thăm tin tức, năm 2006, lần đầu tiên sau 52 năm xa cách, cặp vợ chồng ngày nào gặp lại nhau nhưng lúc này, ông Đức lại dẫn thêm vợ và 3 người con từ Nhật Bản, cùng sang Việt Nam, thăm mẹ con cụ Xuân.

Cuộc tình đã không trọn vẹn, lời hứa bên nhau trọn đời, hứa sẽ mãi chỉ yêu một người từ nay cho đến mãi về sau đã không thành hiện thực. Hơn 50 năm chìm ngập trong những giọt nước mắt đắng cay, từng hóa điên vì tưởng mất chồng vĩnh viễn, nếu là người khác, ngày gặp lại, chắc họ sẽ phải oán trách nhiều lắm. Bởi trong lúc cụ Xuân ngày ngóng, đêm mong, vật lộn với cuộc sống để lo cho các con ăn học nên người thì ở nơi xa, ông Đức lại yên ấm trong một vòng tay khác.

Khi tuổi đã xế chiều, nghĩ về cuộc tình của mình, cụ Xuân luôn cố gắng kể thật nhiều hồi ức tốt đẹp.

Thế nhưng vì yêu, cụ Xuân chưa từng nửa lời than trách chồng hay hối tiếc vì ngày còn thanh xuân, đã yêu và lấy người đàn ông ấy.

Cụ Xuân bảo tình yêu vốn không có luật lệ, không có đúng sai. Cho đến cuối cùng, tình yêu đẹp hay không đẹp, tất cả đều do cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá. Hơn nửa thế kỷ đợi chờ, khi nhớ lại dường như những năm đó với cụ Xuân chỉ như một thoáng đợi chờ dễ dàng bị xóa mờ. Chỉ có kỉ niệm và tình yêu đẹp mới là thứ cụ không thể quên.

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news