Các nhà nghiên cứu Trung Quốc nói rằng ngọn núi cao 2.100m tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri đã sập đổ tan tành sau vụ thử hạt nhân lần 6.
Tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong ngày 25/4 đưa tin, hai nhóm nhà khoa học Trung Quốc xác nhận, bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên đã đổ sập do sức công phá lớn của vụ thử hạt nhân lần 6 và hiện có nguy cơ khiến Trung Quốc cùng các quốc gia lân cận bị phơi nhiễm phóng xạ.
Theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc, vụ sập đổ sau 5 vụ thử hạt nhân có thể là lý do khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố ngừng thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời đóng bãi thử Punggye-ri hôm 20/4.
Truyền hình Hàn Quốc tường thuật một vụ thử hạt nhân ở bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên. |
Năm trong số tổng cộng 6 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã được tiến hành dưới núi Mantap ở bãi thử Punggye-ri, thuộc huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong, tây bắc Triều Tiên. Một đội nghiên cứu dẫn đầu là ông Wen Lian Xing - một nhà địa chất tại Đại học khoa học và công nghệ Trung Quốc (USTC) ở tỉnh An Huy, đã kết luận rằng vụ sập đổ bãi thử Punggye-ri diễn ra sau vụ thử hạt nhân mạnh nhất của Triều Tiên bên trong một đường hầm sâu 700m dưới núi Mantap hồi tháng 9/2017.
Vụ thử đã khiến ngọn núi đổ sập và nền đất không còn ổn định để có thể tiến hành thêm các vụ thử nghiệm hạt nhân khác.
Các nhà nghiên cứu lo ngại bụi phóng xạ có thể rò rỉ ra khỏi các hầm sau khi ngọn núi bị đổ sập.
"Cần tiếp tục giám sát khả năng rò rỉ các chất phóng xạ do vụ sập đổ gây ra", nhóm nghiên cứu của ông Wen trong một tuyên bố cho biết.
Zhao Lian Feng, một nhà nghiên cứu tại Viện khoa học trái đất thuộc Học viện khoa học Trung Quốc (CAS) ở Bắc Kinh nhận định "bãi thử đã bị hư hại" ngoài khả năng phục hồi.
Lê Huyền (tổng hợp)