Tình trạng mưa lớn xuất phát từ hiện tượng một loạt cơn bão xuất hiện nối tiếp nhau ở cùng một khu vực trong thời gian dài đã khiến Nhật Bản đứng trước nguy cơ thương vong lớn.
Tờ The Mainichi đưa tin cho hay theo dữ liệu từ phía Cơ quan Khí tượn Nhật Bản (JMA) và Bộ Đất Đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch cho hay khối không khí ẩm từ phía Tây Nam tràn vào các vùng Chugoku và Shikoku ở miền Tây đã gây ra hiện tượng các cơn bão hình thành kế tiếp nhau đi qua một khu vực.
Nhân viên cứu hỏa ở tỉnh Hiroshima tìm người mất tích hôm 8/7. Ảnh: Jiji Press |
Một đoạn video 3D vừa được Viện Nghiên cứu quốc gia về Khoa học trái đất và Phục hồi thiên tai (NIED) công bố đã mô tả những đám mây bão tàn phá phía Tây Nhật Bản từ ngày 6 đến ngày 7/7. Kết quả phân tích cho thấy khi một cơn bão đi qua, một cơn bão khác hình thành và thay thế nó tức thì.
Theo NIED, từng cơn bão một thường kéo dài từ 30-60 phút. Tuy nhiên, khi hiện tượng này xảy ra, nó trông như một cơn bão đứng yên một chỗ và không ngừng gây ra mưa to.
Theo đó, hiện tượng này cũng được quan sát thấy trong thảm họa lở đất ở tỉnh Hiroshima vào tháng 8/2014 và đợt mưa xối xả ở phía Bắc đảo Kyushu hồi tháng 7 năm ngoái.
Trong lúc này, tỉnh Hiroshima ở phía Tây Nhật Bản đang trở thành một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi ghi nhận lượng mưa hơn 100 mm/giờ tính từ 18 giờ ngày 6/7.
Nhà nghiên cứu cao cấp của NIED Shingo Shimizu giải thích: "Gió từ phía Nam và phía Tây kết hợp với nhau ở phía trên tỉnh Hiroshima. Có khả năng luồng không khí tăng cường duy trì các ‘dải mưa’ trong một khoảng thời gian dài".
Nhật Bản được biết đến là đất nước thường phải hứng chịu cảnh thiên tai, bao gồm động đất và sóng thần nhưng công tác chuẩn bị đối phó của nước này khá tốt.
Mặc dù vậy, tình trạng mưa lũ vừa qua đã khiến ít nhất 155 người thiệt mạng cho đến giờ ở miền Tây Nhật Bản khiến người ta không khỏi thắc mắc về lý do dẫn đến con số thương vong cao này.
Có thể kể đến một số lý do hợp lý như lượng mưa kỷ lục trong 72 giờ tính đến ngày 8/7 ghi nhận tại 118 điểm quan sát của chính phủ; địa lý phức tạp bởi 70% lãnh thổ Nhật Bản được tạo thành từ đồi núi, nhà cửa được xây dựng trên sườn dốc hoặc đồng bằng với nguy cơ lở đất, ngập lụt; nhiều ngôi nhà ở Nhật Bản được làm bằng gỗ, nhất là nhà truyền thống ở nông thôn.
Minh Di (tổng hợp)