Bão số 10 có tên quốc tế là Doksuri đang hướng thẳng vào nước ta, dự kiến đổ bộ vào đất liền chiều tối 15-9. Khi bão vào bờ, cấp độ rủi ro thiên tai là 4 - tương đương bão khi vào bờ mạnh cấp 12-15, chỉ đứng sau cấp siêu bão.
Phiên họp trực tuyến triển khai công tác ứng phó với bão số 10 sáng 14/9. Ảnh: Tuổi trẻ |
Theo thông tin trên Tuổi trẻ, Người lao động, sáng nay (14/9), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa các bộ, ngành với các địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, để ứng phó với bão số 10.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cảnh báo, cơn bão này rất mạnh, nguy hiểm trong nhiều năm trở lại đây, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 15-16, di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc với tốc độ 15-20 km/giờ.
Khi bão vào bờ, cấp độ rủi ro thiên tai lên đến cấp 4 trong số 5 cấp độ - tương đương bão khi vào bờ mạnh cấp 12-15, chỉ đứng sau cấp siêu bão, thảm họa.
"Dự kiến từ chiều tối 15 đến rạng sáng 16/9, bão đổ bộ vào Thanh Hóa - Quảng Bình, trọng tâm là Nghệ An, Hà Tĩnh; độ rủi ro thiên tai cấp 4. Vùng ảnh hưởng của bão có bán kính lên đến 500 km, trọng tâm mưa lớn ở Thanh Hóa - Quảng Trị (100-300 mm), riêng Nghệ An - Quảng Bình lượng mưa từ 300-400 mm", ông Hoàng cảnh báo.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra mức cảnh báo độ rủi ro thiên tai cấp 4 (cấp 5 là mức thảm họa - mức cảnh báo cao nhất).
"Qua theo dõi của các đài dự báo trên thế giới về vị trí di chuyển, đổ bộ, cơ quan dự báo của Trung Quốc cho rằng bão mạnh lên cấp 15, Hong Kong cũng cho rằng bão mạnh cấp 15, Hoa Kỳ cho rằng bão mạnh cấp 15 và giật cấp 17", ông Cường thông tin.
Cơn bão này sẽ gây ra lượng mưa rất lớn. Từ Thanh Hoá - Quảng Ngãi có thể mưa đến 300mm. Dự báo suốt từ Quảng Ninh cho đến Quảng Bình có thể nước biển dâng tới 1m, có nơi dâng tới 2-3m.
Để chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của bão số 10, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam - Phó tư lệnh Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết cho đến sáng 14/9, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà đã kêu gọi, kiểm đếm 69.547 tàu với 287.359 lao động, thông báo để họ biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Số tàu thuyền còn hoạt động trong khu vực từ 13,0-19,0 độ vĩ Bắc bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa còn 4.679 tàu với 27.864 lao động. Các phương tiện trên đều đã nắm được thông tin về cơn bão số 10 và đang chủ động di chuyển, trú tránh.
"Hiện nay, còn 4 phương tiện với 38 người ở Ninh Bình và Thanh Hoá chưa nắm được thông và chưa liên lạc, hiện đang tiếp tục kêu gọi", Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam thông tin.
Theo tướng Nam, đơn vị đã chỉ đạo biên phòng các tỉnh dừng tất cả các hoạt động không cần thiết, tập trung cho phòng chống bão. Tập trung thực hiện khẩn trương trong ngày hôm nay 14/9, tiếp tục kêu gọi qua máy Icom và cần thiết sẽ bắn pháo sáng để ngư dân nhận biết. Tiếp tục kiểm tra việc chằng chống tàu thuyền ở khu vực cửa sông.
Cũng trong cuộc họp sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đã di dời thì không để người dân trở lại trước khi bão vào.
Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cũng cảnh báo hậu quả khôn lường mà bão số 10 có thể gây ra trong thời điểm các hồ chứa thủy điện đang xả lũ và những tổn thương do thiên tai gây ra ở các địa phương thời gian qua đang được khắc phục.
Về bảo đảm an toàn hồ chứa thủy điện, tiếp tục xả hồ Sơn La 2 cửa đáy, hồ Hòa Bình duy trì xả 3 cửa đáy, phát điện tối đa tất cả các tổ hợp suốt ngày đêm, đồng thời tăng cường cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du khi vận hành xả lũ và phát điện.
Trong chiều 13/9, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương có liên quan hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung ứng phó với bão theo phương châm "4 tại chỗ".
Đức Hòa (tổng hợp)