Tin mới

Cựu điều tra viên hướng dẫn cách bắt trộm "đúng quy trình"

Thứ tư, 13/01/2016, 09:18 (GMT+7)

Trung tá, Thạc sỹ Đào Trung Hiếu cho biết, pháp luật cho phép bất kỳ người nào cũng có quyền bắt giữ kẻ trộm, nhưng sau đó phải dẫn giải đến cơ quan Công an hoặc UBND gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật, chứ tuyệt đối không “tự xử” lý theo “luật riêng”.

Trung tá, Thạc sỹ Đào Trung Hiếu (X21, Bộ Công an) cho biết, với những trường hợp phạm tội quả tang, pháp luật cho phép bất kỳ người nào cũng có quyền bắt giữ đối tượng, tước vũ khí, khống chế (khóa trói) để vô hiệu hóa sự kháng cự, nhưng sau đó phải dẫn giải ngay đối tượng đến cơ quan Công an hoặc UBND gần nhất để bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, chứ tuyệt đối không “tự xử” lý theo “luật riêng”.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán thường được gọi là tháng “củ mật”, là thời điểm các đối tượng hình sự, lưu manh trộm cắp ráo riết “làm ăn” kiếm cái tết. Từ đây ẩn chứa những nguy cơ làm phát sinh trọng án. Đó có thể là hành vi chống trả của tội phạm khi bị chủ nhà bắt giữ, hoặc từ việc người bắt gian hành xử quá khích với đối tượng do bức xúc.

Đã xảy ra nhiều vụ án “Giết người”; “Cố ý gây thương tích”; “Bắt giữ người trái pháp luật”… mà người bị tuyên án chính là nạn nhân của bọn trộm cướp. Gần nhất là vụ án xảy ra tại Bến Tre.

Câu hỏi đặt ra là, cách ứng xử nào là khôn ngoan và đúng đắn nhất khi bắt được trộm cướp? Đi tìm câu trả lời, PV đã có cuộc trao đổi với Trung tá, Thạc sỹ Đào Trung Hiếu – một chuyên gia tội phạm học, nguyên Điều tra viên Đội điều tra trọng án (Phòng CSHS - CATP Hà Nội).

Trung tá, Thạc sỹ Đào Trung Hiếu

Trung tá Đào Trung Hiếu với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm, chia sẻ: “Hiện nay, tình hình tội phạm trộm cắp tài sản bằng thủ đoạn đột nhập chỗ ở của người dân đang diễn biến phức tạp, ẩn chứa nguy cơ chuyển hóa thành tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, như giết người- cướp tài sản (vụ Lê Văn Luyện ở Lục Nam, Bắc Giang năm 2011, hay vụ Nguyễn Văn Kỳ, ở Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội năm 2015 vừa qua).

Phản ứng của chủ nhà khi phát hiện trộm đột nhập thường là xông vào tấn công bắt giữ. Có nhiều vụ bắt được kẻ gian và người dân đã giao nộp đối tượng cho cơ quan công an. Nhưng cũng có không ít vụ, vì “của đau, con xót” hay bức xúc nhất thời, mà người dân đã khóa trói, đánh đập đối tượng một cách dã man cho bõ tức, chứ không giải đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết vụ việc. Hậu quả làm nạn nhân chết hoặc thương tích nặng, còn người bắt trộm phải ra hầu tòa về những hành vi tương ứng. Đó là chuyện “đang đúng thành sai” rất đáng buồn”

Vẫn theo Trung tá Hiếu, phạm tội quả tang là trường hợp đang thực hiện hành vi phạm tội thì bị phát hiện, bị truy đuổi. Tức là có liên tục về thời gian. Pháp luật cho phép mọi công dân được quyền bắt giữ, khám xét thu vũ khí, tang vật, khống chế (khóa trói) đối tượng và dẫn giải ngay đến cơ quan nhà nước (Công an hoặc UBND phường, xã) gần nhất để bàn giao. Tuy nhiên nhiều người dân do không hiểu biết pháp luật, dẫn đến những hành xử quá khích mang tính bạo lực đối với kẻ gian.

“Cần hiểu rằng, cái sai của đối tượng là sai với pháp luật, chứ không phải với cá nhân anh. Do đó, việc anh dùng vũ lực đánh đập, nhục hình đối tượng cho bõ tức, hoặc giam giữ đối tượng để trả thù, để phục vụ những mục đích cá nhân khác, sẽ bị coi là hành vi phạm tội và bị xử lý theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ của hậu quả. Nếu đánh chết người, anh sẽ phạm tội “Giết người”; nếu kẻ gian bị thương tích từ 11% trở lên, người đánh phạm tội “Cố ý gây thương tích”; nếu giam trói kẻ gian để tra khảo, hành hạ, chứ không giao nộp cơ quan chức năng, có thể bị kết án về tội: “ Bắt giữ người trái pháp luật”. Hành xử theo kiểu “lệ làng”, không có chỗ trong đời sống văn minh, thượng tôn pháp luật”- Trung tá Hiếu nhấn mạnh.  

Chia sẻ về kỹ năng xử lý tình huống khi bắt giữ được kẻ gian, Trung tá Đào Trung Hiếu tư vấn: “Thực tế muôn hình muôn vẻ, các trường hợp xảy ra vô cùng đa dạng. Do đó không có một khuân mẫu ứng xử duy nhất. Tuy nhiên, vẫn có một “đại lượng” chung, đó là mọi người cần hiểu rõ, chỉ có tòa án mới có quyền phán quyết một người đã phạm một tội nào đó.

Trách nhiệm kết tội thuộc tòa án, chứ không thuộc về người dân. Không ai được đại diện cho công lý, để phán xử và áp dụng hình phạt với người khác. Vì vậy, nếu bắt được kẻ gian, người dân được phép sử dụng vũ lực ở mức độ cần thiết, đủ để khống chế (khóa trói), tước vũ khí nhằm vô hiệu hóa sự kháng cự, chống trả của đối tượng. Ngay sau khi an toàn, phải khẩn trương dẫn giải kẻ gian đến giao nộp tại cơ quan chức năng, chứ không được tự ý giam giữ”.

Xem thêm video:

[mecloud]TJoaZKDTqw[/mecloud]

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news