Khi lực lượng chức năng ập vào cơ sở Bình Hoa bắt quả tang cơ sở này đang tàng trữ gần hai tấn động vật rừng. Đây được xem là vụ bắt giữ cơ sở tàng trữ thịt động vật quý hiếm lớn nhất miền Đông Nam Bộ từ trước tới nay. Tuy nhiên, Bình Hoa cũng chỉ là một trong số nhiều cơ sở tàng trữ, buôn bán trái phép động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Ngang nhiên cướp... tang vật
Sáng 17/12, trao đổi với PV, đại diện lực lượng Kiểm lâm vùng 3 cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh Bình Phước bắt quả tang một vụ tàng trữ, buôn bán trái phép động vật rừng. Theo thông tin ban đầu, qua phản ánh của người dân kết hợp với quá trình điều tra tích cực của lực lượng chức năng, đã phát hiện ra vụ việc trên. Nhằm triệt phá hoạt động này của cơ sở Bình Hoa (số 80, phường Phước Thiện, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), lực lượng Kiểm lâm vùng 3 phối hợp với chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước, công an địa phương bất ngờ ập vào cơ sở trên và phát hiện ra vụ việc kinh hoàng.
Tại cơ sở Bình Hoa, lực lượng liên ngành phát hiện nhiều loại động vật rừng sống được nhốt gồm tám con rắn hổ mang chúa, hai con mèo rừng, 10 con rùa, ba con kỳ đà cùng nhiều loại động vật khác. Kiểm tra bốn tủ đông có trong cơ sở, cơ quan chức năng bàng hoàng phát hiện số lượng thịt thú rừng bao gồm nai, nhím, heo rừng, chồn, voọc, cheo, thỏ... ước tính trọng lượng gần hai tấn.
Lực lượng liên ngành đã ngay lập tức tiến hành niêm phong số hàng trên và làm việc với chủ cơ sở. Tuy nhiên, khi lực lượng liên ngành làm việc, thì mới phát hiện chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Hoa đã bỏ trốn từ trước đó, khiến lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn. Người làm công là bà Nguyễn Thị út (SN 1972, ngụ phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài) được lực lượng liên ngành mời đến làm việc, xác minh nguồn hàng, sau đó, tiến hành tịch thu số động vật rừng sống và chết ở cơ sở Bình Hoa phục vụ công tác điều tra.
Lực lượng chức năng đang thu giữ thịt thú rừng ở cơ sở Bình Hoa.
Công tác xử lý cơ sở tàng trữ, buôn bán trái phép thịt thú rừng tại cơ sở Bình Hoa của lực lượng liên ngành, tuy bất ngờ nhưng vẫn hé lộ nhiều bất cập, có dấu hiệu bao che. ông Trần Văn Thành, Phó Giám đốc Kiểm lâm vùng 3 cho biết, khi bắt quả tang những vi phạm của Bình Hoa, lực lượng Kiểm lâm vùng 3 đã yêu cầu chi cục Kiểm lâm, công an địa phương và chính quyền phường Phước Thiền (thị xã Đồng Xoài) phối hợp tác chiến. Tuy nhiên, các đơn vị này đã không quyết liệt trong công tác phối hợp xử lý, bảo vệ hiện trường. Chính sự lỏng lẻo ấy đã khiến nhiều đối tượng lạ mặt trà trộn vào hiện trường, cướp đi nhiều tang vật của vụ bắt giữ trên.
Triệt tiêu thú rừng
Tỉnh Bình Phước nổi tiếng với đất đai rộng lớn và có nhiều khu rừng với lượng gỗ, thú rừng phong phú. Tuy nhiên, chính lòng tham của những kẻ buôn bán phi pháp làm nguồn gỗ và động vật hoang dã nơi đây đang cạn kiệt. Trước đây, PV đã có dịp công tác tại Bình Phước và đã thu thập nhiều thông tin liên quan đến hiện trạng buôn bán thịt thú rừng ở tỉnh này.
Dịp lên Bình Phước, PV gặp lại người bạn là G. (ngụ huyện Bù Gia Mập), một người sành sỏi trong vấn đề ăn uống. G. cho biết: "Về rừng thì ăn đồ rừng, thứ gì rừng có thì ở nơi này đều bán. Giá cũng không quá mắc. Lúc nào cần thì chỉ cần đến cơ sở L.N. (xã Phú Thạnh, huyện Bù Gia Mập) luôn sẵn có đủ loại heo rừng, mèo, nhím, cheo các kiểu, tha hồ lựa chọn".
Thông qua G., PV tìm hiểu được L.N. là một cơ sở chuyên về nhận tour du lịch, vận chuyển hàng hóa. Tuy vậy, đó chỉ là chiêu núp bóng dưới hình thức buôn bán, tàng trữ thú rừng. Cơ sở này ngoài việc cung cấp nguồn thịt rừng phong phú đủ các loại cho các quán nhậu, nhà hàng trên địa bàn xã Phú Riềng, thì còn đưa nguồn hàng này đến các tỉnh lân cận để buôn bán. Khách đến mua thường là khách quen bởi cơ sở này ngụy trang rất khéo và luôn cảnh giác với người lạ.
Ngỏ ý muốn đến xem có con thú rừng nào nhìn ngon thì mua PV nhờ G. dẫn đi. Đến cơ sở L.N., lúc đầu người đàn ông canh cửa từ chối vì G. tuy là người địa phương nhưng cũng ít mua tại đây. Thuyết phục một hồi người đàn ông mới chịu hé răng rằng PV muốn mua con gì. PV đề nghị được xem "hàng mẫu" nhưng người đàn ông trên không chịu, gã nói, cứ yên tâm, dân TP.HCM, Bình Dương nhiều người ghé cơ sở mua hàng sỉ, lẻ về thường xuyên, đảm bảo hàng chất lượng, miễn chê.
Khi PV đề cập đến chuyện vận chuyển khó, người đàn ông xua tay: "ở đây ai mà chẳng biết thú rừng là do dân săn bắn, có khi bắn ở rừng trong địa bàn tỉnh, có khi phải đặt mua từ những thợ săn ở Campuchia qua, nhưng đều ok hết. Chúng tôi có xe để về TP.HCM, anh có thể đi theo xe hoặc gửi hàng rồi về TP.HCM nhận, còn nếu anh chở thì ở trong tỉnh này có chuyện gì cứ gọi cho chúng tôi".
Theo G., ở đây rừng núi hoang vu, chỉ có vài tuyến đường độc địa nên hầu như hoạt động nào của dân chúng, lực lượng chức năng đều biết, huống hồ hoạt động nổi tiếng của các cơ sở buôn bán động vật rừng. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều hình thức buôn bán thú rừng diễn ra thường nhật mà không hề bị cơ quan chức năng "sờ gáy". Hầu hết các quán nhậu ở xã Phú Riềng, xã Phú Thạnh đều có khả năng lấy thú rừng, thịt thú rừng về cung cấp cho thực khách có nhu cầu, đảm bảo chất lượng, thời gian giao hàng.
Có hay không việc tiếp tay?
Qua đánh giá của ông Trần Văn Thành, Phó Giám đốc Kiểm lâm vùng 3 và tìm hiểu thực tế của PV, nhiều nghi vấn được đặt ra với chính quyền sở tại. Thể hiện của dấu hiệu này là ở chỗ cơ sở Bình Hoa chỉ cách chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước chừng vài km, cơ sở L.N. chỉ cách UBND xã Phú Riềng chừng hơn 200m nhưng hoạt động phi pháp của các cơ sở này vẫn tồn tại nhiều năm trời khiến dân chúng ngụ gần các cơ sở bức xúc và đặt nhiêu nghi vấn.
Theo Mai Linh/ĐSPL