"Tôi đã tỉnh táo những vẫn bị tê liệt", Carol Weihrer nói khi cô nhớ lại về ca phẫu thuật mắt vào năm 1998.
Carol Weihrer là một trong những bệnh nhân bất chợt tỉnh giấc giữa ca phẫu thuật. Đây gọi là tình trạng "vô tình nhận thức trong khi gây mê tổng quát".
"Tôi có thể nghe thấy các bác sĩ phẫu thuật nói “cắt sâu vào trong mắt” cô nói. "Tôi đã hét lên, nhưng không ai có thể nghe thấy tôi. Tôi không hề cảm thấy đau đớn, chỉ là một cảm giác giật mạnh. Tôi đã cố gắng để di chuyển các ngón chân hoặc thậm chí đẩy bản thân mình ra khỏi bàn mổ, nhưng tôi không thể cử động. Tôi nghĩ rằng tôi đã chết. "
Sau cuộc phẫu thuật kể trên, cô đã phải vật lộn với chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. "Tôi đã phải ngủ trong một chiếc ghế tựa trong vòng 16 năm qua," Weihrer nói. "Nếu tôi nằm trên một mặt phẳng, điều đó lại khiến tôi hồi tưởng về bàn mổ”
Cậu con trai 6 tuổi của cô Kristen (New York) cũng là một bệnh nhân phải trải qua những thời khắc kinh hoàng như cô Weihrer. "Cuộc phẫu thuật diễn ra theo đúng lịch trình. Nhưng sau khi rời bệnh viện, con tôi có những biểu hiện và hành vi rất lạ, nó tỏ ra vô cùng sợ sệt", Kristen chia sẻ.
Cô đã đưa con đến nhiều nhà trị liệu tâm thần, nhưng họ không thể tìm ra nguyên nhân chính xác. Mãi một năm sau, một nhà giải phẫu thần kinh mới tìm ra cốt lõi vấn đề. "Con trai tôi bắt đầu kể về chuyện tỉnh giấc trong lúc phẫu thuật. Nó nhớ chính xác những diễn biến đã xảy ra và cảm giác dao kéo động vào người", Kristen cho biết. Theo Kristen, cậu bé sợ hãi nhất là cảm giác không thể nào di chuyển cơ thể.
Weihrer hay con trai của Kristen không phải là trường hợp hiếm gặp. Theo một tạp chí chuyên ngành về gây mê, các nhà khoa học đã khảo sát hơn 3 triệu bệnh nhân ở Anh và Ireland được gây mê tổng thể, họ phát hiện cứ 19.600 bệnh nhân sẽ có 1 người thức giấc giữa lúc phẫu thuật. Một số báo cáo của Mỹ đưa ra tỉ lệ cao hơn: 1 bệnh nhân trên 1.000 người. Bác sĩ Daniel Cole, phó chủ tịch Hội các nhà gây mê Mỹ, khẳng định: "Dù chỉ một người cũng là quá nhiều".
Những bệnh nhân mô tả lại các cảm giác khi đó, như nghẹt thở, tê liệt, ảo giác và cận kề cái chết. Sự tê liệt cơ thể được đánh giá là trải nghiệm kinh hoàng nhất và còn đáng sợ hơn cả nỗi đau đớn. "Cả người cứng đờ là điều mà phần lớn mọi người chưa bao giờ trải qua", giáo sư Jaideep Pandit tại bệnh viện Đại học Oxford nói. Hầu hết những cảm giác này qua đi nhanh, chỉ trong khoảng 5 phút. Tuy nhiên, hậu quả để lại vô cùng nghiêm trọng khi họ phải tìm đến những nhà điều trị tâm lý trong một thời gian dài.
Theo bác sĩ Cole, nguyên nhân phổ biến khiến bệnh nhân tỉnh giấc giữa chừng là do lượng thuốc mê không đủ mạnh so với đặc điểm cơ thể, dù có một số ca phẫu thuật yêu cầu gây mê liều thấp.
Theo Nam Nam