Những ngày qua, thông tin hàng loạt sản phẩm dầu gội khô của hãng Unilever tại Mỹ bị thu hồi vì chứa benzene khiến người tiêu dùng hoang mang. Những sản phẩm bị thu hồi đều rất nổi tiếng, chẳng hạn như dầu gội khô Dove, Nexxus, Suave, TIGI (Rockaholic và Bed Head) và TRESemme. Vậy thì benzene là gì mà khiến các sản phẩm này bị thu hồi và người tiêu dùng lo sợ?
Benzene là gì?
Benzene là một hóa chất lỏng không màu hoặc màu vàng nhạt ở nhiệt độ phòng. Nó được sử dụng chủ yếu làm dung môi trong ngành công nghiệp hóa chất và dược phẩm, làm nguyên liệu ban đầu và chất trung gian trong quá trình tổng hợp nhiều hóa chất và có trong xăng. Benzene được sản xuất bằng cả quá trình tự nhiên và nhân tạo. Nó là một thành phần tự nhiên của dầu thô và đây là nguồn chính để sản xuất benzene ngày nay. Các nguồn tự nhiên khác bao gồm khí thải từ núi lửa và cháy rừng.
Con người tiếp xúc với benzene như thế nào?
Mọi người tiếp xúc với benzene chủ yếu bằng cách hít thở không khí có chứa hóa chất này. Không khí trong nhà thường chứa mức benzene cao hơn so với không khí ngoài trời. Benzene trong không khí trong nhà sinh ra từ các sản phẩm có chứa benzene như keo dán, sơn, sáp nội thất và chất tẩy rửa.
Công nhân trong các ngành công nghiệp sản xuất hoặc sử dụng benzene có thể tiếp xúc với hóa chất ở mức cao nhất. Tiếp xúc với xăng là chúng ta cũng đang tiếp xúc với benzene. Không khí xung quanh các khu chất thải nguy hại hoặc trạm xăng có thể chứa lượng benzene cao hơn các khu vực khác. Ngày nay, sự giới hạn về lượng benzene cho phép trong xăng đã góp phần làm giảm mức độ phơi nhiễm.
Benzene rò rỉ từ các bể chứa dưới đất hoặc từ các khu chất thải nguy hại có chứa benzene có thể làm ô nhiễm nước giếng.
Khói thuốc lá chính là một nguồn phơi nhiễm benzen khác. Benzene cũng có thể được tìm thấy trong keo dán, chất kết dính, sản phẩm tẩy rửa và dụng cụ tẩy sơn. Không khí ngoài trời chứa lượng benzene thấp từ khói thuốc lá thụ động, khói xăng, khí thải xe cơ giới và khí thải công nghiệp.
Tác hại khi phơi nhiễm benzene và cách giảm thiểu
Tiếp xúc với benzene làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu và các rối loạn máu khác. Benzene hoạt động bằng cách làm cho các tế bào hoạt động không chính xác. Ví dụ, nó có thể khiến tủy xương không sản xuất đủ hồng cầu, có thể dẫn đến thiếu máu. Ngoài ra, nó có thể làm hỏng hệ thống miễn dịch bằng cách thay đổi nồng độ kháng thể trong máu và gây mất bạch cầu.
Mức độ nghiêm trọng của ngộ độc do benzene phụ thuộc vào số lượng, con đường và thời gian tiếp xúc, cũng như độ tuổi và tình trạng bệnh hiện có của người bị phơi nhiễm.
Các dấu hiệu, triệu chứng tức thì khi tiếp xúc với benzen
Những người hít phải lượng benzene cao có thể phát triển các dấu hiệu và triệu chứng sau trong vòng vài phút đến vài giờ:
- Buồn ngủ
- Chóng mặt
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Nhức đầu
- Rung động
- Sự hoang mang
- Vô thức
- Tử vong (ở mức rất cao)
Ăn thực phẩm hoặc uống đồ uống có chứa nhiều benzen có thể gây ra các triệu chứng sau trong vòng vài phút đến vài giờ:
- Nôn mửa
- Kích ứng dạ dày
- Chóng mặt
- Buồn ngủ
- Co giật
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Tử vong (ở mức rất cao)
Nếu một người bị nôn do nuốt phải thức ăn hoặc đồ uống có chứa benzene, chất nôn có thể bị hút vào phổi và gây ra các vấn đề về hô hấp và ho.
Mắt, da hoặc phổi tiếp xúc trực tiếp với benzene có thể gây kích ứng và tổn thương mô.
Ảnh hưởng sức khỏe lâu dài khi tiếp xúc với benzene
- Ảnh hưởng chính của benzene khi tiếp xúc lâu dài là đối với máu. (Phơi nhiễm lâu dài là phơi nhiễm từ một năm trở lên). Benzene gây tác hại lên tủy xương và có thể làm giảm lượng hồng cầu, dẫn đến thiếu máu. Nó cũng có thể gây chảy máu quá nhiều và có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, làm tăng cơ hội nhiễm trùng.
- Một số phụ nữ hít thở nồng độ benzene cao trong nhiều tháng có kinh nguyệt không đều và kích thước buồng trứng giảm. Người ta không biết liệu tiếp xúc với benzene có ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển ở phụ nữ mang thai hoặc khả năng sinh sản ở nam giới hay không.
- Các nghiên cứu trên động vật cho thấy con non nhẹ cân, chậm hình thành xương và tổn thương tủy xương khi động vật mang thai hít phải benzene.
- Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (DHHS) đã xác định rằng benzene gây ung thư ở người. Tiếp xúc lâu dài với lượng benzene cao trong không khí có thể gây ung thư máu, ung thư các cơ quan tạo máu.
Phòng, chống khi phơi nhiễm benzene
- Để giảm phơi nhiễm benzene, không hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Cố gắng hạn chế tiếp xúc với khói xăng.
- Nếu bạn đang ở gần nơi thoát ra benzene, điều phối viên khẩn cấp có thể yêu cầu bạn sơ tán khỏi khu vực hoặc đến "nơi trú ẩn tại chỗ" bên trong một tòa nhà để tránh tiếp xúc với hóa chất.
- Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể đã tiếp xúc với benzen, bạn nên cởi bỏ quần áo, nhanh chóng tắm rửa sạch bằng xà phòng với nước sạch, tìm đến sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.
- Nếu bạn nghĩ rằng nguồn nước của bạn có thể nhiễm benzene, hãy uống nước đóng chai cho đến khi nguồn nước an toàn.
- Nếu ai đó đã nuốt phải benzene, đừng cố làm cho họ nôn ra hay làm hô hấp nhân tạo. Hành động này có thể khiến chất nôn bị hút vào phổi, gây hại cho phổi của họ.
Một khi đã bị ngộ độc benzene, được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.
(Theo cdc.gov)