Tin mới

Bí ẩn lăng mộ Hoàng đế rộng hàng nghìn hecta, 600 năm vẫn 'miễn nhiễm' với đạo tặc

Thứ hai, 06/07/2020, 15:02 (GMT+7)

Lăng mộ của Chu Nguyên Chương - vị vua khai sinh nhà Minh là một trong những lăng vua thời cổ lớn nhất thế giới và chứa đựng những bí ẩn mà nhiều nhà khảo cổ cũng chưa đặt chân tới.

Chu Nguyên Chương là vị vua mà cuộc đời và sự nghiệp gắn với những huyền thoại. Ông là người sáng lập ra nhà Minh và lên ngôi năm 1368 và đặt đô tại Nam Kinh, miền Đông Trung Quốc.

Bức vẽ phác họa Hoàng đế Chu Nguyên Chương. Ảnh: Internet

Đến năm 1381, ông bắt đầu cho khởi công xây dựng lăng mộ cho chính mình. Lăng Minh Hiếu được hoàn thành mãi đến khi con trai ông lên ngôi vua sau 25 năm.

Chu Nguyên Chương đặt đô tại Nam Kinh, miền Đông Trung Quốc. Sau đó, con trai ông rời đô lên Bắc Kinh, cho nên lăng Minh Hiếu nằm ở ngoại thành Nam Kinh, là lăng tẩm duy nhất không đặt tại Bắc Kinh trong 16 lăng tẩm đời vua Minh.

Lăng Minh Hiếu từng được coi là lăng mộ lớn nhất thế giới với quy mô công trình vô cùng hoành tráng. Theo ông Chu Học Văn, Giám đốc Bảo tàng Chu Nguyên Chương trong khuôn viên lăng mộ thì  chiều dài của lăng mộ khoảng 22,5km. Diện tích khoảng 2.200 héc ta. Với con số này, ta có thể hình dung, lăng mộ của hoàng đế Chu Nguyên Chương to bằng một quận ở Hà Nội, gấp 4 lần khu đô thị Ecopark ở Hưng Yên.

Toàn cảnh lăng Minh Hiếu nhìn từ trên cao. Ảnh: Internet

Thời còn tại vị, Minh Đế đã lường trước được khi mình qua đời, lăng mộ sẽ bị những tay đạo chích nhắm tới. Do đó, Chu Nguyên Chương đã áp dụng và cải tiến quy tắc "y sơn vi lăng" của các hoàng đế nhà Đường và nhà Tống.

Minh Hiếu lăng được tạo ra từ những gò đất vuông quây hình tròn, khởi điểm từ một mặt núi sau đó kéo dài sang hai bên. Nơi chôn cất chung của Chu Nguyên Chương và Mã hoàng hậu thường được gọi là "bảo thành", là một khu gò đất hình tròn với đường kính khoảng 400 mét, bao quanh bởi những bức tường đá.

Lăng mộ được xây theo thế dựa núi nhưng kéo dài sang hai bên. Ảnh: Internet

Bằng cách này, những kẻ trộm mộ gần như không thể đào hố thâm nhập vào địa cung dưới lòng đất để trộm kho báu. Cho dù đào lên trên, hay đào xuống dưới đều không thể tạo ra lối thông vào địa cung của Minh Hiếu lăng.

Một lối vào lăng mộ. Ảnh: Internet

Ngay cả khi những kẻ trộm mộ có thể đào được miệng hang, thì chúng cũng phải dừng bước. Lối vào trong lăng mộ Minh Hiếu được thiết kế cẩn thận. Đó không phải là một con đường thẳng mà rất quanh co, cấu trúc rất phức tạp và rất khó để tìm ra lối đi chính trong lăng mộ. Ngoài ra, toàn bộ ngôi mộ được bao quanh bởi những tảng đá. Phía trên và xung quanh mộ thất là những lớp cát mịn và đá vụn. Những kẻ trộm mộ sẽ dễ dàng bị nhấn chìm trong biển cát và đá vụn này.

Điều thần bí nhất của lăng Minh Hiếu là địa cung hợp táng vua Chu Nguyên Chương và hoàng hậu. Bảo Thành và Bảo Đỉnh trong địa cung là trung tâm của lăng Minh Hiếu. Bảo Thành được bao bọc trong bức tường cao và dài hơn 1.100 mét, nhìn từ mặt phẳng là đồ án không quy tắc, đường kính rộng khoảng 400m.

Bảo Đỉnh được bao bọc trong Bảo Thành, bên ngoài là hình chóp tròn rất lớn, chỗ cao nhất cao 129m so với mặt biển. Vị trí cụ thể của địa cung ở đâu xưa nay có nhiều giả thuyết.

Toàn cảnh khu lăng Minh Hiếu. Ảnh: VTC News

Tương truyền rằng vua Chu Nguyên Chương đề phòng có người cướp phá mộ, trước khi chết đã truyền dụ ngày an táng phải cùng lúc đưa đám từ 13 thành môn, đội danh dự, xe ngựa hoàn toàn giống nhau khiến người ta khó mà phân biết được giả thật. Thậm chí có người cho rằng, vua Chu Nguyên Chương không phải an táng tại Nam Kinh mà là an táng tại Bắc Kinh. Cho nên, vua Chu Nguyên Chương có được chôn cất tại lăng Minh Hiếu hay không luôn luôn là điều bí ẩn trong mấy trăm năm qua.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news