Mới ngoài 20 tuổi, Hoàng Thị Hoa (sinh năm 1989, quê huyện Ba Vì, Hà Nội) đã phải đấu tranh với căn bệnh suy thận độ 3 nghiệt ngã.
Thương con cô chỉ biết cố nén những giọt nước mắt vào lòng. Với Hoa, đứa trẻ ấy là niềm hi vọng duy nhất trong suốt quãng đời còn lại. Nhìn cảnh trùng phùng xúc động giữa hai mẹ con, tôi không khỏi băn khoăn với câu hỏi: “Bố đứa trẻ đâu?”. Câu trả lời của Hoa kèm giọt nước mắt lăn dài trên má cô gái trẻ ấy khiến lòng tôi chùng xuống: “Khi biết mình bị bệnh, tôi đã viết đơn ly hôn để giải thoát cho anh ấy”.
Không muốn trở thành gánh nặng cho chồng
Hoa là một trong số hơn 80.000 người không may mắn mắc phải căn bệnh suy thận mãn tính ở nước ta. Nhưng điều xót xa hơn ở trường hợp này là cô phát bệnh khi mới 22 tuổi, độ tuổi đẹp nhất của đời người con gái.
Khi ấy, Hoa đã lấy chồng được gần 2 năm và có một đứa con gái 14 tháng tuổi. Chồng Hoa hơn cô 3 tuổi, là người cùng quê. Thời gian đầu mới kết hôn, cuộc sống của hai người vô cùng hạnh phúc. Khi Hoa mang thai, do sức khỏe yếu nên con mới được 7 tháng thì bị sinh non. Thương con, Hoa cố gắng ăn uống, chăm bẵm cho con gái từng ly từng tí, mong con có thể khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường khác.
Hoa và con gái ngày đoàn tụ.
Biết sức khỏe mình yếu, Hoa chưa bao giờ nghĩ tới việc mình mắc căn bệnh quái ác như vậy. Chính vì vậy, khi cầm kết quả suy thận độ 3 trên tay, cô như người đang đứng trên vách núi chuẩn bị rơi xuống bờ vực thẳm. Cô lúng túng, mệt mỏi, trong đầu lúc nào cũng lan man suy nghĩ về tương lai tăm tối phía trước. Hụt hẫng hơn là ngày Hoa phải “khăn gói” xuống bệnh viện điều trị, xa rời đứa con mới 14 tháng tuổi. Cô có cảm giác như mình đang dần mất đi tất cả.
“Trước khi bị bệnh, cuộc sống của tôi vô cùng hạnh phúc. Tôi có một người chồng hiền lành, tốt tính, hết mực yêu thương vợ con. Vợ chồng tôi ngày ngày trồng rau, nấu rượu, đi chợ… cùng nhau lo lắng, vun đắp cho gia đình nhỏ. Thế nhưng, sau khi bị bệnh thì đến nấu bữa cơm cho mình, tôi còn làm không nổi. Cuộc sống như bị đảo lộn hoàn toàn. Rồi đi viện, xa chồng, xa con, ban đầu tôi nhớ lắm, khóc suốt, đêm nào cũng ướt đẫm gối”, Hoa nhớ lại những ngày đầu sống đời chạy thận.
Những ngày đầu mẹ con xa nhau, con khóc, mẹ cũng khóc. Đứa con 14 tháng tuổi khát sữa khóc ròng rã đòi mẹ. Thương con mà không biết làm thế nào, nhiều lúc Hoa chỉ muốn vứt bỏ hết để về với con.
Thế nhưng, về thăm con cũng chỉ được vài ngày, cô lại phải lục đục ra đi vì tính mạng. Căn bệnh quái ác khiến Hoa phải bám bệnh viện từng ngày. Vốn quê tận Ba Vì nhưng mẹ đẻ của Hoa vì thương con ốm đau, không có người chăm sóc nên cũng chuyển từ quê lên Hà Nội đi làm thuê, kiếm tiền nuôi con chữa bệnh.
Chồng Hoa thương vợ nhưng cũng không thể ở mãi Hà Nội vì đứa con nhỏ, còn cả việc chèo lái kinh tế gia đình. Ban đầu, hai vợ chồng gắng động viên nhau vượt qua khó khăn, hi vọng bệnh tình Hoa sẽ thuyên giảm và có thể trở lại cuộc sống bình thường. Động viên là vậy nhưng họ đều biết điều gì đang diễn ra. Hoa sẽ phải sống đời chạy thận suốt quãng đời còn lại là điều không chỉ họ mà hai bên gia đình đều hiểu.
Thế rồi, tình cảm vợ chồng ngày càng nhạt phai theo những chuyến xa nhà đi viện cả tháng của Hoa. Mặc dù chồng vẫn ân cần hỏi han, chăm sóc, chưa một lời kêu than nhưng Hoa tự cảm thấy bức tường ngăn cách giữa vợ chồng cô đang này một lớn dần. Và một ngày, Hoa đi đến quyết định khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Xóm chạy thận, nơi có những người bất hạnh đang sống.
“Những năm tháng đó, tôi cứ suy nghĩ mãi, những người phụ nữ bị bệnh như chúng tôi giờ chỉ còn biết bám lấy bệnh viện, một tuần 3 lần chạy thận thì lấy đâu ra thời gian cho gia đình. Rồi tiền thuốc men, bệnh tật, có bảo hiểm rồi mỗi tháng chi phí cũng hết 3, 4 triệu đồng. Không phải người chồng nào cũng chịu được những điều đó. Thấy tình cảm vợ chồng cứ nhạt dần đi. Cuối cùng tôi quyết định chủ động đề nghị chia tay với chồng để không trở thành gánh nặng cho anh ấy, mong anh ấy tìm được hạnh phúc mới.
Ban đầu, anh ấy không chịu vì áy náy nhưng tôi rất cương quyết. Điều băn khoăn duy nhất của tôi chính là đứa con gái phải gánh chịu nhiều thiệt thòi. Nó còn bé như vậy đã phải xa mẹ, chưa biết gì đã phải sống trong cánh gia đình tan vỡ. Không biết lớn lên, nó có hiểu cho tôi không”, Hoa nức nở.
Tới cửa Phật tìm sự an bình
Hiện tại, sức khỏe Hoa rất yếu, hôm nào gắng gượng lắm cũng chỉ đi bán được mấy chục nghìn đồng tiền nước. Vì vậy, cuộc sống cũng như việc chữa trị của Hoa phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ đi làm thuê. Hôm nào cũng vậy, mẹ Hoa đi từ sáng sớm đến 9-10h đêm mới về.
Hoa cho biết: “Mẹ tôi vất vả lắm, bố tôi mất từ năm tôi mới được 2 tuổi. 23 năm nay, một mình mẹ chăm lo cho 4 chị em tôi nên người, lo dựng vợ gả chồng cho 4 đứa. Nợ cũ chưa hết, nợ mới đã dồn dập lên. Lắm lúc thương mẹ cũng muốn cố làm thêm để bớt chút một phần tiền sinh hoạt nhưng hóa ra lại làm gánh nặng thêm. Tôi không có sức khỏe nên không vất vả như những người khác phải đi bán hàng đêm hôm nhưng xét về mặt tinh thần thì lại phải nghĩ nhiều hơn rất nhiều. Tôi thấy mình chỉ là gánh nặng cho gia đình nên nhiều lúc chỉ muốn chết đi cho xong. Nhưng nghĩ đến đứa con thơ ngày nào cũng mong gặp mẹ lại không nỡ”.
Hoa đưa tay chỉ cho chúng tôi xem những vết sẹo dọc ngang trên cánh tay, những u cục nổi lên sau nhiều lần chạy thận.
Cô cho biết: “Mỗi tuần chúng tôi đều phải đi chạy thận 3 lần. Nước do ăn, uống hầu như không được đào thải ra ngoài cho nên những hôm chủ nhật không được chạy cảm giác vô cùng khó chịu. Cứ như phải đeo đá trên người vậy. Rồi những lúc đi chạy về lại mệt mất nửa buổi, nửa buổi sau mới lại thấy khỏe khỏe lên, sau đó lại mệt vì nước chưa được đào thải. Cuộc sống của chúng tôi cứ như một điệp khúc lặp đi lặp lại vậy”.
Hoa cũng cho biêt thêm, với những bệnh nhân phải đi chạy thận như cô thì việc bảo vệ tay giống như bảo vệ tính mạng của mình vậy. Ở đó có cầu tay nối động mạch với tĩnh mạch mà mỗi lần chạy thận không thể thiếu được. Vì vậy mà việc mang vác, cầm nắm những thứ nặng phải vô cùng hạn chế với tay này.
Theo ông Nguyễn Văn Tấn, cựu xóm trưởng xóm chạy thận cho hay thì số lượng những người tan vỡ hạnh phúc gia đình sau khi phát bệnh ở xóm này chiếm đến 20%. Có nhiều nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc chia ly nhưng nguyên nhân sâu sa cũng bắt nguồn từ căn bệnh quái ác. “Bản thân những người bị bệnh rất mặc cảm, họ đều cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình, cho chồng con nên chỉ cần người thân có đôi chút hờ hững, vô tâm đã khiến họ phải suy nghĩ.
Đối với các gia đình có người phải chạy thận cũng vô cùng mệt mỏi. Đôi khi có tiền bạc đấy nhưng vợ chồng xa nhau lâu ngày, tình cảm phai nhạt, chia tay cũng là điều khó tránh”, ông Tấn chia sẻ.
Theo Gia đình và Xã hội