Quãng đường thành thân của nàng công chúa ấy có thể tính bằng cả một đại dương. Thậm chí, khi cô dâu đến được đất nước của phu quân, thì vị hôn phu tương lai của nàng đã qua đời.
Dưới chế độ phong kiến Trung Hoa, những cuộc cưới hỏi của hoàng gia trên danh nghĩa "hòa thân" là cách làm phổ biến để tăng thêm mối quan hệ bang giao giữa các nước.
"Hòa thân" có thể hiểu là triều đình đem công chúa nước mình gả tới nước khác. Việc làm này từng có tiền lệ trong các vương triều Trung Hoa, tiêu biểu có những cuộc cưới hỏi giữa Hán triều và Hung Nô, giữa Đường triều và Thổ Phiên, Đột Quyết.
Kỳ thực, đối với những vị công chúa trong hoàng tộc mà nói, "hòa thân" đồng nghĩa việc việc chấp nhận bị gả đi xa. Nhưng nếu nói về kỷ lục lấy chồng xa, thì không một nữ quyến hoàng gia nào tại Trung Hoa có thể "vượt mặt" được cô công chúa Nguyên triều này.
2 năm đưa dâu và cái kết đắng cho công chúa lấy chồng xa nhất Trung Quốc
Câu chuyện về công chúa lấy chồng xa nhất trong lịch sử Trung Quốc từng được ghi lại "Marco Polo du ký". Vị công chúa này có tên là Khoát Khoát Chân, sống vào thời đại trị vì của Hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt.
Theo đó, năm xưa Quốc vương của Hãn Quốc Y Nhi là A Lỗ Hồn từng xin Hoàng đế Nguyên triều ban hôn với một vị công chúa trong hoàng tộc. Hốt Tất Liệt đắn đo nhiều lần, cuối cùng quyết định giao mối hôn sự xa xôi này cho Khoát Khoát Chân.
Hậu thế đều biết, lãnh thổ của Nguyên triều khi xưa từng vô cùng rộng lớn, thậm chí trải dài tới cả hai châu lục Á – Âu. Mà vương quốc Hãn Quốc Y Nhi của A Lỗ Hồn lại nằm ở dải đất xa xôi ở phía Tây, trải dài trên lãnh thổ của nhiều quốc gia ngày nay như Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan…
Năm xưa, khi Thành Cát Tư Hãn đến chinh phạt khu vực này, đội quân của ông đã mất tới 2 năm cưỡi ngựa không ngừng nghỉ mới đến được mục tiêu.
Chính bởi con đường đưa dâu quá đỗi xa xôi, nên triều đình nhà Nguyên đối với chuyến hành trình hòa thân của công chúa Khoát Khoát Chân buộc phải lên kế hoạch kỹ lưỡng.
Vào thời bấy giờ, phương tiện giao thông thuận tiện và tiên tiến nhất chính là xe ngựa. Thế nhưng đi xe ngựa đồng nghĩa với việc đoàn đưa dâu phải đi đường bộ.
Nếu như đi đường bộ, đoàn đưa dâu buộc phải vượt qua vô số núi cao, thảo nguyên, sa mạc… hơn nữa trên đường đi còn có thể phát sinh nhiều mối nguy khó đoán trước.
Hơn nữa, sính lễ thành thân của công chúa hoàng tộc được chuẩn bị vô cùng nhiều và buộc phải dùng đến nhiều xe ngựa. Một đoàn xe dài với không ít hành lý nặng nề đương nhiên sẽ khiến tiến độ di chuyển bị chậm lại.
Như vậy rất có thể chuyến hành trình đưa dâu này sẽ phải kéo dài tới 7,8 năm. Đến lúc đó e rằng công chúa đã lỡ mất thanh xuân…
Nếu đưa dâu bằng đường bộ, thì công chúa Khoát Khoát Chân rất có thể sẽ mất tới 7,8 năm mới có thể chính thức lấy chồng! (Ảnh minh họa).
Vì vậy, sau nhiều lần cân nhắc, Nguyên triều quyết định để công chúa Khoát Khoát Chân đến đất nước của phu quân tương lai bằng đường thủy.
Theo sự ghi nhận của các nguồn sử liệu, hành trình được vạch ra cụ thể lúc bấy giờ cho công chúa sẽ khởi hành từ Tuyền Châu, băng qua Ấn Độ Dương và cập bến tại Hãn Quốc Y Nhi.
Mặc dù đường thủy là lựa chọn ít rủi ro hơn, nhưng con đường mà công chúa Khoát Khoát Chân phải vượt qua cũng không hề dễ dàng.
Bởi lúc đó kỹ thuật hàng hải chưa phát triển, lại thêm những mối đe dọa từ sóng biển, gió mùa… nên đoàn đưa dâu của Nguyên triều cũng gặp không ít khó khăn.
Để băng qua cả một đại dương rộng lớn và tới được đất nước của A Lỗ Hồn, công chúa Khoát Khoát Chân đã phải mất tới hai năm (đầu năm 1291 đến năm 1292) lênh đênh trên biển.
Không ngờ rằng, vào thời điểm nàng vừa đặt chân lên đất nước của phu quân tương lai, thì sứ giả nghênh đón đoàn rước dâu lại tâu với Khoát Khoát Chân một tin động trời: Quốc vương A Lỗ Hồn của họ đã qua đời từ một năm về trước. Mà vị người kế vị hiện tại là em trai ruột của quốc vương cũ lại không chấp nhận cuộc hôn sự này.
Sau khi cập bến tàu Hãn Quốc Y Nhi vào năm 1292, phải tới một năm sau (1293), mối hôn sự mới cho công chúa Khoát Khoát Chân mới được sắp xếp ổn thỏa. Nàng được chỉ định thành thân cùng con trai cả của quốc vương cũ tên là Hợp Tán.
Nhưng ngay cả khi đã được sắp xếp một mối hôn sự mới, thì dường như vùng đất Hãn Quốc Y Nhi ấy vẫn không chào đón cô công chúa Nguyên triều bạc mệnh. Sử cũ ghi lại, một năm sau ngày thành hôn với Hợp Tán, Khoát Khoát Chân qua đời khi ở tuổi 20 đương độ xuân sắc.
Không lâu sau đó, Hợp Tán phát động chính biến đoạt lại vương vị. Tương truyền rằng chàng là người tinh thông nhiều ngôn ngữ, sau khi lên ngôi đã chính thức dùng Hồi giáo làm quốc giáo ở vương quốc của mình.
Chỉ tiếc rằng nàng công chúa Nguyên triều Khoát Khoát Chân lại không có diễm phúc được trị vì vương quốc cùng người chồng tài hoa ấy…
Nghi án về thân phận của công chúa Khoát Khoát Chân
Cho đến ngày nay, thân thế thực sự của công chúa Nguyên triều lấy chồng xa nhất Trung Quốc ấy vẫn là một điều gây tranh cãi. (Ảnh minh họa).
Mỗi khi nhắc tới cô công chúa lấy chồng xa nhất trong lịch sử Trung Hoa là Khoát Khoát Chân, các nhà sử gia hiện đại lại đưa ra nhiều tranh cãi về thân thế thực sự của nàng.
Có người khẳng định rằng, nàng đích thị là công chúa Nguyên triều, thậm chí còn chắc chắn là con gái ruột của Hốt Tất Liệt nên mới có được tư cách chỉ hôn cho quốc vương nước khác.
Nhưng cũng có người khẳng định, Khoát Khoát Chân không thể là công chúa của Hốt Tất Liệt. Bởi người sáng lập vương quốc Hãn Quốc Y Nhi là Húc Liệt Ngột (con trai Thành Cát Tư Hãn, anh ruột Hốt Tất Liệt), nên A Lỗ Hồn cũng là cháu trai ruột của nhà vua. Việc gả con gái ruột cho cháu trai là điều khó thành.
Vậy Khoát Khoát Chân có thực sự là công chúa nhà Nguyên hay không? Liệu nàng có thực sự có quan hệ máu mủ với Hoàng đế "khét tiếng" Hốt Tất Liệt? Hay phải chăng nàng chỉ là một nữ quyến hoàng tộc bị biến thành quân cờ chính trị của triều đình ấy?
Có lẽ, sự thật về thân phận và cuộc đời của nàng công chúa lấy chồng xa nhất Trung Hoa ấy, chỉ có những người thuộc về quá khứ mới thực sự biết rõ mà thôi…
Theo Helino/Trí thức trẻ