- Xin đồng chí cho biết đánh giá về kết quả 15 ngày giãn cách xã hội vừa qua, vì sao thành phố tiếp tục thực hiện thêm 15 ngày nữa?
- 15 ngày giãn cách vừa qua, Hà Nội đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng; tận dụng hiệu quả thời gian này để truy vết, khoanh vùng, bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng... Số ca mắc mới được phát hiện tăng mạnh, có ngày ghi nhận lên tới hơn 100 người, cho thấy giãn cách là giải pháp đúng và trúng. Đây cũng là giải pháp được dư luận báo chí và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, diễn biến dịch vẫn rất phức tạp. Tính từ ngày 29-4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.792 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận tại cộng đồng là 1.075, số mắc là người đã được cách ly là 717. Các ca bệnh mới xuất hiện trong bệnh viện, các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, chợ đầu mối; có mặt ở hầu hết 30 quận, huyện, thị xã, với 10 chùm ca bệnh khác nhau.
Bên cạnh đó, một số chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt và thiếu sáng tạo, nhất là việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chưa thực chất, chưa hiệu quả.
Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn lơ là, chủ quan, chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội, vẫn còn tình trạng đông người đi lại trên đường, tại các chợ, siêu thị.
Để kiểm soát, ngăn chặn dịch, Thường trực Thành ủy đã nhất trí với đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tới 6h ngày 23-8-2021. Đây là giải pháp tốt nhất tại thời điểm này.
- Đồng chí nhiều lần yêu cầu phải luôn chủ động, dự báo chính xác và chuẩn bị cho những kịch bản ở mức độ cao hơn. Thành phố đang chuẩn bị ra sao, thưa đồng chí?
- Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát các điều kiện, xây dựng phương án để bảo đảm sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch cũng như đời sống nhân dân trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu và phức tạp hơn.
Cụ thể như nâng công suất xét nghiệm lên 200.000 mẫu/ngày; nâng công suất cách ly tập trung lên 50.000 chỗ; nâng công suất giường bệnh điều trị lên 40.000 giường bệnh; thành lập các trung tâm hồi sức tích cực, phân luồng để có thể tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch....
Cùng với đó là phương án bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân, không để đứt gãy chuỗi cung ứng của thành phố, không để khan hàng, thiếu hàng, hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng giá, đầu cơ găm hàng gây hoang mang trong dư luận. Đối với các khu vực cách ly y tế, thành phố sẽ làm chặt hơn, đồng thời sẵn sàng phương án vận chuyển, cung cấp hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm vào từng nhà cho dân.
- Xin đồng chí cho biết đâu là biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống Covid-19 đối với Hà Nội lúc này?
- Thực tiễn cho thấy, nếu không thực hiện kịp thời giãn cách xã hội, Hà Nội có thể đã không giữ được tình hình dịch như hiện nay. Nếu không tiếp tục kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội, thành phố sẽ không thể bảo đảm được thành quả hiện tại, không có đủ điều kiện để tiếp tục kiểm soát và tiến tới khống chế dịch. Do đó, lúc này, giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng nhất để dập tắt các ổ dịch, bảo vệ sức khỏe an toàn tính mạng nhân dân.
15 ngày đầu giãn cách có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng 15 ngày tiếp theo càng có ý nghĩa quan trọng, quyết định hơn. Nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và toàn thể người dân Thủ đô lúc này là chấp hành nghiêm nguyên tắc "người cách ly với người", "gia đình cách ly với gia đình”, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu ở yên đấy”.
Thành phố đã chỉ đạo siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường để bảo đảm các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng quy định: Bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thực sự cần thiết như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp thiết khác theo yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, xác định vắc xin là biện pháp căn cơ, lâu dài, thành phố, các quận, huyện, thị xã đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19, được phân bổ đến đâu tiêm hết đến đó; bảo đảm công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, đúng quy định, an toàn, hiệu quả.
- Thành phố đã, đang và sẽ thực hiện các biện pháp gì để bảo đảm an sinh xã hội trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, nhất là các hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếu thế, thưa đồng chí?
- Thành phố luôn đặt nhiệm vụ bảo đảm an sinh, chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân là quan trọng nhất. Chúng tôi yêu cầu từng cấp, từng ngành phải quan tâm, chăm lo thật tốt đời sống nhân dân khi thực hiện giãn cách, không để người dân thiếu đói, người khó khăn mà không được giúp đỡ, người ốm, đau mà không được chữa trị kịp thời. Ngoài 12 nhóm đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ, Hà Nội còn có những Chính sách riêng để hỗ trợ người dân. Trước mắt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy triển khai hỗ trợ 3.180 hộ nghèo, mỗi hộ một suất quà trị giá 1 triệu đồng. Thành phố cũng yêu cầu các địa phương trên cơ sở tự cân đối nguồn lực, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chủ động chăm lo, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.
Thành ủy đã yêu cầu tiếp tục rà soát, đề xuất thành phố ban hành bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch và người dân, nhất là các đối tượng khó khăn.
Chúng tôi tin rằng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua, Hà Nội và cả nước chắc chắn sẽ đẩy lùi Covid-19.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!