Vấn đề gia tăng căng thẳng Biển Đông đặt ra câu hỏi liệu Philippines có nên chủ động tìm kiếm đối thoại với Trung Quốc trong khi còn có thể.
The Diplomat ngày 30/6 đăng tải bài bình luận của tác giả Richard Javad Heydarian, trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Đại học De La Salle, Manila về lập trường của Philippines đối với Trung Quốc ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III. |
Tác giả Heydarian cho rằng, Philippines cần rút ra bài học từ những quốc gia láng giềng trong việc làm cách nào để đối phó với Trung Quốc một cách hiệu quả nhất. Ngoại giao không chỉ nhằm lôi kéo các đồng minh chống lại kẻ thù. Nó còn là cách giữ kẻ thù ở gần và duy trì hòa bình bất chấp sự khác biệt.
Đã từ lâu, Philippines duy trì sự hài hòa giữa cộng đồng người Philippines chiếm đa số theo Ki-tô giáo và cộng đồng người thiểu số gốc Trung quốc (nhưng có tầm ảnh hưởng lớn). Nhiều người Philippines gốc Trung Quốc đã cải đạo Ki-tô giáo, học ngôn ngữ địa phương và hòa nhập như một công dân Philippines thực sự.
Những doanh nhân Philippines gốc Trung Quốc nắm giữ số tài sản giàu nhất ở Philippines cũng có những đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế Manila những năm qua.
Một số nhân vận chính trị nổi tiếng ở Philippines cũng có nguồn gốc Trung Quốc. Người đặt nền móng cho một Philippines độc lập sau này, Jose Rizal vốn có quê nhà ở ngôi làng Qiongque, thuộc thành phố Jinjiang.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và người mẹ, cựu tổng thống Corazon đều có nguồn gốc là người Hoa. Tuy nhiên, Philippines gần như không có kinh nghiệm đối phó với Trung Quốc so với các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Malaysia hay Indonesia trong thập kỷ qua.
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng làm sâu sắc thêm vấn đề sắc tộc. Nếu như mọi thứ tiếp tục theo chiều hướng hiện tại, những tranh cãi có thể ngăn cản việc tìm kiếm hòa bình ở Biển Đông trên cơ sở song phương.
Ở Philippines, ngày càng nhiều người coi Trung Quốc giống như một quốc gia luôn muốn áp đặt tầm ảnh hưởng lên các nước láng giềng. Tại Trung Quốc, Philippines được coi như một "kẻ gây rối", chỉ biết hành động theo mệnh lệnh từ Mỹ.
Học hỏi từ các quốc gia láng giềng
Chính quyền của Tổng thống Aquino, đặc biệt là Ngoại trưởng Albert Del Rosario luôn cho rằng việc đàm phán với Trung Quốc là vô nghĩa. Philippines luôn tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế trong vấn đề căng thẳng ở Biển Đông.
Trên thực tế, Manila không phải quốc gia duy nhất khó xử trong việc ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Việt Nam và Nhật Bản có những cách tiếp cận chủ động và sáng tạo trước Trung Quốc mà hạn chế tối đa sự tổn hải đến chủ quyền lãnh thổ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ động theo đuổi đối thoại trực tiếp với ông Tập Cận Bình bên lề APEC 2014 ở Bắc Kinh.
Về phần mình, Việt nam đã có cuộc gặp với các quan chức hàng đầu của Trung Quốc, thiết lập đường dây nóng giữa hai nước. Hồi đầu năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có chuyến thăm đến bắc Kinh.
Cả Việt Nam và Nhật Bản đều tránh xung đột, vốn dĩ sẽ gây ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế song phương với Bắc Kinh. Mặt khác, điều này cũng không ngăn cản hai nước củng cố chủ quyền trên biển, đất liền và nâng cao khả năng phòng vệ.
Trong khi đó, ông Aquino và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa từng cùng hội đàm trong hội nghị thượng đỉnh chính thức, hai nước chưa thiết lập đường dây nóng, đầu tư của Trung Quốc vào Philippines gần như đóng băng hoàn toàn.
Rõ ràng với vị thế của mình, Bắc Kinh có thể chủ động thế hiện sự thiện chí. Nhưng Manila cũng có thể tiếp thu những bài học mang tính chiến lược từ Việt Nam và Nhật Bản.
Giống như câu nói nổi tiếng của nhà tư tưởng người Italia Niccolo Machiavelli: "Hãy giữ bạn bè ở gần, và giữ kẻ thù ở gần hơn nữa".
Đăng Nguyễn