Hai ông bố - hai anh gà trống tay chân lóng ngóng nhận nuôi 1 đứa con, tuy thiếu kinh nghiệm nhưng họ có thừa tình yêu và đặc biệt là cái bản năng “làm ba, làm mẹ”, và đó mới là yếu tố quan trọng để xây dựng một sợi dây “gia đình” vốn dĩ chưa hề hình thành giữa 3 con người.
Sau bộ ảnh "Gà Trống" và "Gà Mái", nhiếp ảnh gia Tâm Bùi tiếp tục cho ra đời một bộ ảnh DAYDREAMERS - NHỮNG KẺ MỘNG MƠ đầy xúc cảm về cuộc sống hạnh phúc của hai nhân vật đồng tính nam nhận nuôi một cậu con trai 11 tháng tuổi ấn tượng.
"Bắt tay vào thực hiện cùng lúc với Gà Trống, nhưng mãi sau khi Gà Mái ra đời thì tôi mới gom đủ duyên đủ phận để tụ họp được 3 con người lại trong 1 bộ ảnh, có lẽ do tính chất nhạy cảm của chủ đề. Ngoài những tiêu chí hợp vai, ngoại hình ra, tôi còn phải đi tìm những con người có khả năng toàn-quyền-quyết-định-cuộc-sống của mình. Họ hoàn toàn tự do, không sợ hãi dư luận, không ràng buộc nghề nghiệp, độc lập với gia đình và quan trọng hơn cả là họ dám nhìn thẳng vào bản thể mình.
3 nhân vật của tôi là 3 màu sắc khác nhau của bảng tổng phối hài hoà. Sùng A Lùng, chàng trai H’mông sống 1 mình ở Sài Gòn, một dancer ăn ngủ bằng vũ điệu, nói cười bằng xúc cảm. Em là người sống thật với bản năng của mình, em là người đầu tiên tôi mở lời mời tham gia bộ ảnh, và em đồng ý ngay không do dự. Sùng A Lùng trong vai một người cần biểu đạt nhiều về mặt hình thể và đó là thế mạnh của em.
Người thứ hai tôi cần là một người có vẻ mặt lạnh lùng, nhưng đằng sau ánh mắt ấy phải toát lên một nội tâm dữ dội, một tình yêu nhiều đến nổi chỉ chực chờ 1 cú chạm đúng là phụt ra bất cứ lúc nào. Tận 4 tháng sau đó tôi mới tìm được. Huy Nguyễn, chàng photographer ít nói nhất mà tôi từng gặp trong đời. Nhưng ngoài vẻ lầm lì vỏ bọc đó, tôi cảm nhận được một tâm hồn khát khao yêu thương. Huy cần một người đủ tinh tế và kiên nhẫn để chạm đến tâm hồn em. Ban đầu, Huy từ chối không tham gia (vì Huy chưa từng làm người mẫu ảnh và cũng không có nguyện vọng làm việc này), nhưng tôi cứ đánh bạo trình bày hết ý tưởng của mình cái đã, tôi nghĩ mình cần chủ động mở lòng trước, kết quả như thế nào thì tính sau. Và sau vài ngày suy nghĩ thì em đã đồng ý. Huy là người không làm thì thôi, chứ đã nói rồi thì sẽ làm bằng được.
Một người trần trụi gặp một người sống khép kín, cảm tính gặp lý tính, hai cá tính đó sẽ bổ sung cho nhau như thế nào?
Bơ: em có đôi mắt rất trong, rất sáng và biết nói. Nhìn em khát sữa và được bú, ánh mắt em ánh lên niềm vui sướng. Nếu được thì thôi đừng nhìn vào ánh mắt đó, mà có lỡ nhìn rồi thì chắc không thoát khỏi vòng vây của sự yêu thương. Ngoài ra, còn một lý do nữa mà tôi quyết định chọn Bơ đó là mẹ của Bơ, người phụ nữ đa sầu đa cảm. Hai chúng tôi có thể nói là “soulmate” của nhau, có chung nhiều sở thích, nhiều lý tưởng sống và nhiều niềm mơ ước còn ấp ủ. Thuở còn con gái (của cô ấy), chúng tôi hay cùng nhau sáng tác nhiều bộ ảnh ngẫu hứng, cho đến giờ vẫn thấy nó còn tươi mới như ngày nào. Chúng tôi muốn cùng nhau thực hiện một cái gì đó cho nó đã đời, và bộ ảnh này là cái cớ cho điều đó.
“Có những lúc thất vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau” - Trịnh Công Sơn
Ai đã từng dám đi đến tận cùng của cảm xúc thì mới hiểu được sự thâm thuý của câu nói trên. Rồi chỉ ai dám cho tất cả trong tình yêu mới thấy được nỗi đau cùng cực của sự mất mác. Làm một con người bình thường, hạnh phúc đã khó. Làm một người đồng tính, hạnh phúc còn khó hơn gấp bội. Chỉ những ai gạt được mặc cảm tự ti và những định kiến xã hội sang một bên, họ mới bước đầu đặt chân đến bậc thềm của thánh đường hạnh phúc, dám sống cho mình và người mình yêu.
Tôi chọn 1 lát cắt thật mỏng trong hành trình đi tìm hạnh phúc của một cặp đôi đồng tính nam: họ đang ở cái ngưỡng của sự trưởng thành. Bồng bột, nông nỗi cũng đã qua, bể dâu cũng bao bận, đã đến lúc họ tìm được tiếng nói của lòng mình. Chính chắn vừa đủ để quyết định, dũng cảm vừa đủ để đối mặt, 2 con người đến với nhau bằng một chất kết dính bé bỏng: đứa con.
Để sinh ra một đứa con là 1 điều không dễ dàng. Ngay cả người mẹ mới sinh con còn bị hốt hoảng vì không biết phải đối mặt với con mình như thế nào. 9 tháng nó trong bụng mình, rồi giờ nó ngo ngoe bên cạnh, không biết phải ẳm bồng, cho bú ra sao, mọi thứ rất vụng về cho 1 người lần đầu làm mẹ. Đằng này, 2 anh gà trống tay chân lóng ngóng nhận nuôi 1 đứa con thì sự bối rối tăng gấp bội phần. Kinh nghiệm thiếu nhưng họ có thừa tình yêu và đặc biệt là cái bản năng “làm ba, làm mẹ”, và đó mới là yếu tố quan trọng để xây dựng một sợi dây “gia đình” vốn dĩ chưa hề hình thành giữa 3 con người. Rồi sau này thằng bé lớn lên sẽ gọi đến 2 người ba, lúc nó biết nhận thức sẽ so sánh gia đình mình với gia đình bạn…nhưng lúc đó sẽ lại là một câu chuyện gia đình thú vị khác mà tôi hy vọng rằng mình sẽ có dịp kể.
DAYDREAMERS - Những kẻ mộng mơ, dịch sát nghĩa hơn phải là “những người ngủ mơ vào ban ngày”. Giấc mơ đêm thường ẩn dụ cho những mong ước của con người (có hoặc không thể xảy ra), đằng này mơ ban ngày thì khả năng trở thành sự thật lại càng hoang đường hơn. Nhưng nếu cứ sợ hãi “người khác nghĩ gì” thì khi nào ta mới dám sống cho mình, cho những thổn thức của hạnh phúc, của khát khao yêu thương. Xin một lần được kể câu chuyện của biết bao nhiêu con người đang mong chờ một điều nhỏ nhoi: được sống là chính mình.
Bộ ảnh DAYDREAMERS - NHỮNG KẺ MỘNG MƠ - Tâm Bùi: