Tin mới

Bộ ảnh thắng giải Pulitzer 2018: Ám ảnh và đẫm nước mắt

Thứ tư, 18/04/2018, 14:53 (GMT+7)

Năm nay, hãng thông tấn Reuters đã giành chiến thắng tại hạng mục "Báo ảnh" tại giải thưởng Pulitzer 2018.

Năm nay, hãng thông tấn Reuters đã giành chiến thắng tại hạng mục "Báo ảnh" tại giải thưởng Pulitzer 2018.

Tại giải thưởng Pulitzer 2018, hãng thông tấn Reuters đã giành chiến thắng trong hạng mục “Báo ảnh” với bộ ảnh “Cuộc khủng hoảng người di cư Rohingya” gây ám ảnh toàn thế giới.

Theo Reuters, hôm 16/4, chùm ảnh “Cuộc khủng hoảng người di cư Rohingya” được thực hiện tại thời điểm cuộc di cư tập thể của những người Rohingya (Myanmar) xảy ra. Những người Rohingya, một nhóm Hồi giáo thiểu số, đã chịu đựng bạo lực trong một thời gian dài và họ chạy trốn khỏi Myanmar để đến Bangladesh.

Lá trầu được che lên mặt của cậu bé Abdul Aziz, 11 tháng tuổi, người tị nạn Rohingya. Abdul Aziz được đặt nằm lại với gia đình. Cậu bé đã qua đời sau khi chiến đấu với cơn sốt cao và những cơn ho dữ dội ở trại tị nạn Balukhali, gần Cox's Bazar, Bangladesh,ngày 04/12/2017. (Ảnh: Reuters)

Một người tị nạn Rohingya chạy trốn khỏi bạo lực ở Myanmar đang kêu gọi sự giúp đỡ từ những người khác khi vượt biên để vào Palang Khali, gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 02/11/2017. (Ảnh: Reuters)

Một người phụ nữ tị nạn Rohingya hoàn toàn kiệt sức ngay khi chạm tay đến bờ biển sau chuyến hành trình vượt qua biên giới Bangladesh – Myanmar bằng thuyền qua vịnh Bengal, ở Shah Porir Dwip, Bangladesh ngày 11/09/2017. (Ảnh: Reuters)

Những tàn tích của ngôi làng Rohingya bị đốt cháy được nhìn từ trên cao gần Maungdaw, phía bắc bang Rakhine, Myanmar vào ngày 27/09/2017. (Ảnh: Reuters)

Người tị nạn Rohingya băng qua sông Naf bằng một cái bè làm vội để tới Teknaf, Bangladesh, ngày 12/11/2017. (Ảnh: Reuters)

Hình ảnh dân tị nạn Rohingya phản chiếu qua làn nước mưa dọc theo con đê cạnh ruộng lúa, sau khi chạy trốn khỏi Myanmar vào Palang Khali gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 02/11/2017. (Ảnh: Reuters)

Một nhân viên an ninh nỗ lực kiểm soát những người tị nạn Rohingya đang chờ đợi để nhận sự viện trợ ở Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 21/09/2017. (Ảnh: Reuters)

Người tị nạn Rohingya tranh cướp đồ viện trợ tại một trại tị nạn ở Cox's Bazar, Bangladesh, vào ngày 24/09/2017. (Ảnh: Reuters)

Những cặp anh em người Rohingya giữ chặt lấy nhau trong lúc chạy trốn khỏi bạo lực khi băng qua con sông Naf dọc theo biên giới Bangladesh – Myanmar ở Palong Khali, gần Cox's Bazar, Bangladesh , ngày 01/11/2017. (Ảnh: Reuters)

Mohammed Shoaib, 7 tuổi, bị bắn vào ngực trước khi vượt biên từ Myanmar hồi tháng 8, đang được cha của cậu bé đỡ lấy ở bên ngoài trung tâm y tế gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 05/11/2017. (Ảnh: Reuters)

Hamida, một phụ nữ tị nạn người Rohingya, khóc thảm thiết khi bế đứa con trai 40 ngày tuổi đã chết, khi chiếc thuyền của họ bị lật trước lúc cập bờ ở Shah Porir Dwip, Teknaf, Bangladesh, ngày 14/09/2017. (Ảnh: Reuters)

Nhiều người tập hợp lại dưới cơn mưa lớn xung quanh những xác người tị nạn Rohingya. Chiếc thuyền đưa họ trốn khỏi bạo lực ở Myanmar đã bị lật ở biển Inani, gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 28/09/2017. (Ảnh: Reuters)

Xác của những người tị nạn Rohingya được đặt trong một trường Cao đẳng địa phương dạy đức tin Hồi giáo ở Shah Porir Dwip, Teknaf, gần Cox's Bazar, Bangladesh. Những người này chết sau khi thuyền của họ bị lật trong lúc trốn khỏi Myanmar, ngày 09/10/2017. (Ảnh: Reuters)

Những người tị nạn Rohingya đang cố tránh cơn mưa trong lúc bị lực lượng biên phòng Bangladesh giữ lại, sau khi những người tị nạn này vượt biên trái phép vào Teknaf, Bangladesh, 31/08/2017. (Ảnh: Reuters)

Trong khi những người tị nạn Rohingya đang đi bộ trên bờ biển sau khi đã vượt qua biên giới Bangladesh – Myanmar bằng thuyền qua vịnh Bengal, ở Shah Porir Dwip, Bangladesh; thì phía biên giới Myanmar, những đám khói lớn vẫn đang bốc lên nhiều hơn, ngày 11/09/2017. (Ảnh: Reuters)

Những đứa trẻ tị nạn Rohingya đang thả những chiếc diều tự làm ở trại tị nạn Kutupalong, gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 10/12/2017. (Ảnh: Reuters)

Khi chiêm ngưỡng bộ bức ảnh này, có lẽ không cần bất cứ một miêu tả nào cũng có thể thấy sự kinh hoàng, nỗi đau mà những những người di cư Rohingya phải trải qua.

Trong khi đó, báo New York Times và Washington Post giành giải loạt bài phơi bày vấn nạn quấy rối tình dục ở Mỹ.

Giải Phụng sự cộng đồng, giải cao nhất được trao cho hai tờ báo ở New York, tờ New York Times, với nhóm phóng viên Jodi Kantor, Megan Twohey, Emily Steel và Michael S. Schmidt và tạp chí New Yorker, với phóng viên Ronan Farrow.

Giải thưởng Pulitzer năm 2018 được công bố tại trường đại học Columbia, Mỹ vinh danh 14 tác phẩm báo chí, 7 tác phẩm nghệ thuật về âm nhạc, sách tiểu thuyết, lịch sử, hồi ký, thơ, sách thể loại không hư cấu, kịch...

Trang Vũ (tổng hợp)

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news