"Cháu luôn lo lắng cho bố. Tối nào ngủ cũng đòi đấm lưng cho bố rồi hỏi bố đói không để nấu mì tôm cho bố ăn. Nuôi con vất vả bao nhiêu thì hạnh phúc bên con cũng bấy nhiêu...".
Yêu nhau từ khi chưa có gì trong tay, đến khi sinh con ra thì hai vợ chồng vỡ òa trong hạnh phúc. Vậy mà chưa bao lâu thì gia đình tan vỡ, người vợ ra đi, người chồng một thân một mình gồng gánh nuôi con. Biết bao nhiêu vất vả, bao nhiêu cay đắng, cứ đổ dồn, đổ dồn từng ngày… Đó chính là câu chuyện của một người đàn ông đang làm bố đơn thân có tên là Phan Văn Giang (Sơn Tây, Hà Nội), một thân một mình bán túi xách để nuôi con trai 10 tuổi. Nhưng câu chuyện không hẳn chỉ ngắn gọn như thế. Anh Giang nói, nếu kể ra thì dài lắm, dài như một dòng sông.
Ông bố đơn thân và cậu con trai nhỏ.
Khởi nguồn của một con sông mang tên "Gia đình" và những thác ghềnh ngăn trở
Anh Giang kể, đầu năm 2003 thì vì hoàn cảnh khó khăn, công việc bấp bênh nên anh mới sang Malaysia để xuất khẩu lao động. Chẳng tính chuyện hôn nhân, nhưng bỗng gặp người phụ nữ yêu thương, lo lắng cho anh nơi xứ người, anh đã xiêu lòng.
Anh Giang kể, những năm đầu mới kết hôn, chị thì bán hàng nước ở bến đò, anh thì đêm làm bánh mỳ, ngày chạy xe ôm, tất tả ngược xuôi vì con. Nhưng đó là những ngày hạnh phúc. Nắng mưa cứ đổ dồn xuống đôi vai, xuống mái nhà của đôi vợ chồng trẻ, cho đến khi vợ anh Giang xin được một công việc trong một công ty Nhật Bản.
"Năm con trai anh được 3 tuổi, vợ anh xin vào làm được trong một công ty của Nhật. Sau đó được đi tu nghiệp sinh (dạng xuất khẩu lao động) trong 3 năm. Ngày đó anh có dự cảm không tốt nên cố thuyết phục vợ đừng đi, sợ con còn nhỏ mà đã xa mẹ, sợ vợ chồng xa mặt cách lòng không giữ được nhau" – anh ngẹn ngào nhớ lại.
Vậy mà lần đó, vợ anh vẫn nhất quyết đi…
Con sông rẽ nhánh, mỗi ngả một dòng
Xa mặt cách lòng, có những chuyện không hay xảy ra - những chuyện mà anh Giang không muốn nhắc lại, bởi không muốn nói xấu về người từng đầu gối tay ấp với mình. Đến ngày chị về nước, tin rằng một người đàn bà có lẽ vì xa con, xa chồng quá lâu nên dễ bị cám dỗ, chỉ cần trở về mái nhà xưa thì tất cả sẽ ổn, anh và con hy vọng tất cả sẽ ổn.
"Khi vợ anh về, anh nói sẽ để cho chị khoảng cách và thời gian để suy nghĩ lại. Anh bảo chị hãy ở riêng trong 2 tháng để suy nghĩ về những gì đã qua và lựa chọn. Thật sự, anh hy vọng chị suy nghĩ khác đi, bỏ hết quá khứ và làm lại với bố con anh, vì anh còn thương chị và con anh cũng cần có mẹ.
Sau 2 tháng, vợ anh bảo là quyết định làm lại, nhưng tiếc thay không phải làm lại với anh mà là với một người đàn ông khác. Vợ chồng anh chính thức ly hôn…".
Anh kể lại, khi biết người đàn ông của vợ mình là ai, trước khi quyết định ly hôn vợ, anh đã hẹn gặp người đó, không tức giận, không cay cú, chỉ nói chuyện với tư cách hai người đàn ông.
"Anh đã hỏi bạn nam đó, nếu yêu vợ anh thật lòng và vợ anh cũng vậy thì anh sẽ ly hôn cho hai người đến với nhau. Còn nếu chỉ là say nắng thì xin hãy buông tha vợ anh ra, vì con anh cần có mẹ. Bạn đó nói yêu vợ anh thật, thế là anh giữ lời, anh đành ly hôn thôi".
Thông thường, khi chia tay, người phụ nữ sẽ giành quyền nuôi con và người đàn ông thì trợ cấp cho con đến khi 18 tuổi. Anh Giang thì khác, anh nhất quyết giành quyền nuôi con, dù biết rằng sẽ rất vất vả.
"Từ khi vợ anh đi tu nghiệp thì con đã ở với anh. Hai bố con quấn quít, anh làm gì đi đâu cũng có con đi cùng, cả lúc nắng mưa bố con anh vẫn luôn bên nhau. Con theo bố trên khắp các con đường. Lúc ốm đau, 2 bố con rớt nước mắt nhìn nhau. Nên dù khó khăn thế nào, anh vẫn muốn nuôi con" - anh lý giải nguyên nhân trở thành bố đơn thân của mình như vậy.
Anh cũng chia sẻ, khi từ chối trợ cấp từ vợ, anh chỉ nghĩ, cái con cần là tình yêu của người mẹ, chứ không phải tiền. Suốt những năm tháng vợ vắng nhà, hai bố con vẫn ổn, thì sau khi ly hôn cũng vậy thôi!
Hết thác ghềnh, dòng sông lại êm trôi
Thật sự thì làm bố đơn thân cũng không đơn giản như anh Giang nghĩ, nhất là khi con ngày một lớn và hiếu động. Con trai anh 10 tuổi là 10 năm anh đổi làm biết bao nhiêu là nghề để kiếm tiền nuôi con, từ bán bánh mì, bán mía, bán quần áo thuê, cho đến xe ôm, phụ bếp...
Cứ thế, con đi học, bố đi làm. Con có những ngày ốm, sốt mọc răng, nôn trớ, bố bươn chải từ sáng đến tối. Hai người đàn ông một lớn một nhỏ dựa vào nhau để làm thành một gia đình, dầu khuyết thiếu nhưng vẫn đủ hạnh phúc.
Với anh Giang, hành trình làm bố đơn thân dầu khó khăn và có cả những giọt nước mắt vụng rơi, nhưng chỉ cần về nhà, nhìn thấy con chơi đùa hỏi han bố, anh tự nhủ cố gắng thế nào cũng được, miễn là mang lại cho thằng nhóc một cuộc sống ổn định.
Dạy con với anh Giang cũng là cả một vấn đề lớn. Anh tâm sự, vừa phải làm cha vừa phải làm mẹ, anh hơi "thiêu thiếu" sự dịu dàng với con, nhưng bù lại, ông bố đơn thân cố gắng giải đáp những câu hỏi đầu đời của con bằng những cách chân thật nhất, thông qua đời sống hàng ngày. Nhà có hai cha con, nên anh cũng dạy con tự lập, không dựa dẫm, ỷ lại vào bố.
"Một đứa bé học cách tự lập và tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình từ nhỏ là tốt nhất, nên cái gì con làm được anh sẽ để con tự làm, còn cái gì con không làm được thì anh sẽ làm mẫu và để con tập làm quen dần.
Bây giờ thì cứ mỗi sáng anh đều gọi con dậy, cho con tự vệ sinh cá nhân, sau đó cho con ăn sáng. Đưa con đến lớp rồi anh đi làm. Chiều đến giờ thì đón con về, dắt con ra chợ, hỏi xem con thích ăn gì rồi mua về hai bố con nấu ăn cùng nhau. Anh không nấu tất cả cho con, con phải giúp bố làm. Khi ăn xong con đi tắm xong bố con cùng xem tivi, rồi dạy con học, rồi đi ngủ".
Anh cũng kể thêm về một kỷ niệm vui với con, mà anh cho rằng lần đó đã thay đổi suy nghĩ của anh rằng không phải chỉ dạy con là đủ mà bản thân anh cũng cần phải học hỏi rất nhiều: "Hôm mùng 1 Tết, con anh bị dị ứng nổi mẩn ngứa khắp người. Anh rất lo lắng. Hiệu thuốc không mở cửa. Phòng khám nghỉ. Anh mở google tìm hiểu thì biết đó là dị ứng thời tiết. Anh làm theo cách họ dạy. Là lấy khăn ẩm hơ lửa cho nóng rồi chườm vào những chỗ phát ban. Thật sự hiệu quả ngoài tưởng tượng, chườm đâu nó hết đó. Nếu không học, làm sao mình biết được".
Có lẽ, với anh Giang bây giờ con trai là tất cả. Và có lẽ ông trời thương và đáp lại những khó khăn của anh. Nhóc con anh tên Phan Lê Tấn Dũng, càng lớn càng kháu khỉnh và rất hiểu chuyện, học hành lại chăm. Tất nhiên cũng yêu thương bố vô điều kiện.
"Cháu luôn lo lắng cho bố. Tối nào ngủ cũng đòi đấm lưng cho bố rồi hỏi bố đói không để nấu mì tôm cho bố ăn. Nuôi con vất vả bao nhiêu thì hạnh phúc bên con cũng bấy nhiêu em ạ".
Ngày ngày bán túi xách cho chị em, anh Giang cũng gặp gỡ nhiều phụ nữ. Khi được hỏi anh có muốn tìm mẹ mới cho con không, anh cười lớn, giãi bày: "Hiện tại thì anh chưa có ý định đi bước nữa, vì thực sự thì con anh rất sợ bố yêu ai hoặc lấy ai đó. Con chỉ muốn bố là của con thôi. Nhiều khi con cũng cực đoan đến mức tỏ ra không thích với bất kỳ người phụ nữ nào nói chuyện với bố. Nhiều lần con cũng nói là giữ chân bố thêm 5 năm nữa, tức là sau khi con 15 tuổi bố mới được nghĩ tới chuyện yêu hay cưới vợ".
Nhìn lại hành trình làm bố đơn thân của mình, anh Giang cũng đã tích lũy cho mình một chút ít kinh nghiệm. Nhất là trong chuyện dinh dưỡng ăn uống của con nhỏ và cả những bài học đầu đời của con.
"Khó khăn nhất của bố đơn thân thì có những vấn đề như sau: một là kinh tế, hai là chăm sóc, ăn uống phải làm sao con ăn ngon miệng, dinh dưỡng phù hợp với trẻ. Chuyện dạy học, đôi khi đàn ông không thể dịu dàng và kiên trì bằng phụ nữ, rồi có những ngày hai bố con đều ốm, mọi thứ cứ xáo trộn cả lên".
Đặc biệt, vì con đang sống trong gia đình khuyết, nên anh Giang rất chú trọng chuyện giáo dục. Anh bảo, nhiều ông bố bà mẹ quá thương con nên việc gì cũng làm giúp, đôi khi đó lại là chính những mầm mống gây hại cho trẻ sau này. Còn anh, anh chủ trương phải dạy cho con tự lập, và chịu trách nhiệm với những hành vi của mình, mọi kết quả dù xấu, dù đẹp thì cũng do con mà ra. Con phải giải quyết và cải thiện mình sau này.
Vậy đó, hành trình làm bố đơn thân hoàn toàn không dễ dàng chút nào, đó là cả một quá trình cố gắng không ngừng nghỉ. Mà chỉ những ai đã và đang trải qua mới hiểu thấu được.
Người ta hay nói chỉ có đàn bà phụ nữ mới có thiên chức, thiên chức trong việc chăm lo và coi sóc cho con cái. Nhưng tôi nghĩ, ai đọc câu chuyện này xong cũng sẽ hiểu một điều rằng, cả đàn ông cũng làm được hết đấy chị em ạ, chẳng qua là họ không có cơ hội để thể hiện thôi!
(Ảnh: Nhân vật cung cấp)