Sáng 4/6, phiên chất vấn trực tiếp ở kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV được mở đầu với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Chất vấn tư lệnh ngành công an, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, đặt câu hỏi: "Việc điều tra gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 là việc phức tạp, người phạm tội có chức vụ, quyền hạn, nên việc tránh để lọt tội phạm rất quan trọng. Tuy nhiên, việc giao thẩm quyền điều tra các địa phương xảy ra sai phạm lại khác nhau, tại Hòa Bình là Bộ Công an, trong khi Hà Giang và Sơn La lại do công an của các địa phương phụ trách?.
Bộ trưởng Bộ Công an trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm trong sáng nay. Ảnh: Q.H.
Tại sao lại có sự khác nhau trong việc giao thẩm quyền điều tra tại các địa phương, liệu có đảm bảo sự khách quan hay không, và Bộ Công an có vào cuộc hay không, khi phát hiện có dấu hiệu không khách quan trong quá trình điều tra của cơ quan an ninh điều tra địa phương?".
Trả lời câu hỏi này, trên Thanh niên dẫn lời Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, hiện nay, cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an và 2 địa phương Hà Giang, Sơn La đang điều tra 3 vụ, khởi tố 16 bị can liên quan.
Kết quả điều tra tới nay đủ căn cứ kết luận hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao thực hiện nâng điểm cho các thí sinh, làm rõ 214 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi, trong đó Hòa Bình 63 thí sinh, Hà Giang 107 thí sinh, Sơn La 44 thí sinh.
Về việc làm rõ phụ huynh đưa tiền các bị can nhờ nâng điểm, tướng Lâm cho hay: "Trước mắt, để đảm bảo điều tra đúng thời hạn cơ quan điều tra kết luận điều tra khởi tố về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để thực hiện việc can thiệp, sửa chữa, nâng điểm thi cho thí sinh, còn việc đưa nhận tiền nêu trên đang tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ và sẽ công bố sau khi có kết luận điều tra".
Còn việc giao thẩm quyền khác nhau tại các địa phương, Bộ trưởng Tô Lâm lý giải, có 2 vụ án xảy ra tại Sơn La, Hà Giang do công an địa phương thụ lý điều tra và Viện Kiểm sát các địa phương này cũng như Bộ Công an vẫn luôn luôn chỉ đạo giám sát đảm bảo đúng người đúng tội.
Sở dĩ có việc giao thẩm quyền điều tra khác nhau giữa 3 địa phương là do cơ bản các vụ án đều thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra địa phương.
Tuy nhiên, tại Hòa Bình, trước yêu cầu và do nguyện vọng của Tỉnh ủy, công an địa phương, cũng như Bộ Công an nhận định đây là tội phạm mới nên Bộ Công an điều tra để có kinh nghiệm.
Theo ông Lâm, hiện nay chưa có dấu hiệu nào không khách quan để lọt người, lọt tội. Bộ Công an vẫn đang phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát ở địa phương giám sát vấn đề này.
Theo tin tức trên Dân trí, chiều nay, Đại tướng Tô Lâm Bộ trưởng Công an tiếp tục trả lời các vấn đề liên quan đến việc xử lý đối tượng “xã hội đen”, trong đó có việc cấu kết của cán bộ công chức, cán bộ ngành công an với đối tượng này.
“Vấn đề tôi quan tâm là việc cấu kết của cán bộ công chức, cán bộ ngành công an. Vậy ai là người chỉ đạo? Bộ Công an cần có chuyên án xử lý đối tượng này”, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Diến, người đứng đầu ngành công an cho biết, quan điểm của Bộ Công an là rất kiên quyết xử lý các sai phạm trong nội bộ, không có vùng cấm, không bao che bất kỳ trường hợp nào. Trên thực tế, Bộ Công an cũng đã xử lý nhiều trường hợp, kể cả cán bộ cao cấp có liên quan đến vụ việc.
"Đối với thông tin cán bộ ngành công an có liên quan đến tội phạm, chúng tôi khẳng định nếu có chỉ là trường hợp cá biệt. Trong thời gian qua, Bộ Công an cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc luân chuyển địa bàn", nguồn tin trên dẫn lời Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.