Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2020, Việt Nam đã trải qua 4 giai đoạn dịch Covid-19 với khoảng 30.000 ca mắc, trong đó 27.895 ca ghi nhận trong nước, 9.878 người khỏi bệnh và 125 ca tử vong. Qua mỗi đợt, quy mô, địa bàn, mức độ lây lan dịch bệnh đều tăng so với lần trước.
Bộ Y tế đánh giá đợt dịch thứ 4 bùng phát có quy mô lớn, nhiều nguồn lây, nhiều chủng, ổ dịch, đặc biệt sự xuất hiện biến chủng Delta lây lan rất nhanh, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước.
Đặc biệt, dịch bệnh không chỉ xâm nhập vào một số cơ sở y tế mà còn vào các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các sự kiện văn hóa, tôn giáo có tập trung đông người và các đô thị đông dân cư.
Trong hơn một năm qua, Thủ tướng đã ban hành đã ban hành 3 chỉ thị chống dịch số 15, 16, 19 về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch để đáp ứng kịp thời với yêu cầu phòng chống dịch theo từng giai đoạn.
Tuy nhiên, trước diễn biến mới của tình hình dịch, một số giải pháp cần được điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung để đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới để phù hợp với thực tiễn.
Dự thảo Chỉ thị mới được xây dựng trên cơ sở đánh giá, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn phòng, chống dịch từ đầu năm 2020, nhất là từ khi xảy ra đợt dịch thứ 4; tiếp tục quán triệt, tập trung cao độ, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch theo đúng quan điểm, nguyên tắc, phương châm “Chống dịch như chống giặc”.
Tập trung mọi nguồn lực nhằm dập dịch nhanh nhất, sớm nhất có thể, sớm ổn định tình hình, đưa cuộc sống trở lại bình thường; đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân lên trên hết, trước hết, không để bất kỳ bị đói, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu do dịch bệnh
Huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sự ủng hộ, hưởng ứng, hợp tác tích cực và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của mọi người dân. Thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm vật tự tại chỗ, sẵn sàng nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra bảo đảm công bằng trong tiếp cận vắc xin, tập trung cho các đối tượng ưu tiên, trước hết là khu vực sản xuất.
Kịp thời điều chỉnh đối tượng ưu tiên cho phù hợp tình hình thực tế của dịch trong từng giai đoạn; sau khi đạt miễn dịch cộng đồng thì chuyển sang áp dụng cơ chế tiêm chủng mở rộng.
Căn cứ diễn biến dịch bệnh, lựa chọn nhiệm vụ ưu tiên là phòng, chống dịch hoặc phát triển kinh tế - xã hội hoặc đồng thời cả 2 để thực hiện cho phù hợp, hiệu quả. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh.
Dự thảo chỉ thị mới cũng đưa ra nhiều giải pháp chống dịch. Đó là tăng cường kỷ luật chống dịch, cấp dưới phải tuyệt đối chấp hành chỉ đạo của cấp trên; người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về kết quả phòng chống dịch trong phạm vi, địa bàn quản lý; căn cứ tình hình dịch bệnh địa phương có thể vận dụng linh hoạt, bổ sung các biện pháp khác phù hợp.
Thực hiện khoanh vùng nhanh nhất ở phạm vi hẹp nhất có thể, không máy móc theo địa giới hành chính; bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân khu vực thực hiện cách ly, phong tỏa, có biện pháp phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nông sản, thủy sản ở khu vực cách ly, phong tỏa...
Trường hợp cần thiết theo diễn biến dịch bệnh, Thủ tướng sẽ quyết định áp dụng giãn cách theo vùng liên tỉnh.
Các địa phương được áp dụng chỉ định thầu khi mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế chống dịch; ứng dụng công nghệ để truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng; Thực hiện biện pháp phòng chống dịch theo nguy cơ từng địa bàn, khu vực.
Bộ Y tế cũng đề xuất nhiệm vụ, giải pháp theo mức độ nguy cơ dịch bệnh. Cụ thể:
Địa bàn có nguy cơ, bên cạnh áp dụng 5K sẽ điều tra dịch tễ trường hợp mắc bệnh để truy vết, khoanh vùng, cách ly, phong tỏa khu có người mắc bệnh. Thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với những người có nguy cơ.
Hạn chế các hoạt động tập trung đông người. Đối với các sự kiện bắt buộc phải tổ chức thì cơ quan tổ chức phải đảm bảo đầy đủ các quy định của cơ quan y tế trên địa bàn. Lễ hiếu, hỉ, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phải được các cơ quan y tế giám sát chặt chẽ và phải hạn chế tổ chức ăn uống. té
Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn...) được hoạt động nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát xa, quán bar, vũ trường...) và các cơ sở khác theo quyết định...