Tin mới

Bức xúc vì từ "lẳng lơ", cô gái lần ra manh mối lăng mộ của Cleopatra và người tình Antony

Thứ hai, 21/05/2018, 16:12 (GMT+7)

Các nhà khảo cổ đang tiến rất gần đến việc giải mã bí ẩn hàng ngàn năm về lăng mộ Nữ hoàng Cleopatra. Bài viết của Chip Brown, phóng viên tạp chí lừng danh National Geographic.

Các nhà khảo cổ đang tiến rất gần đến việc giải mã bí ẩn hàng ngàn năm về lăng mộ Nữ hoàng Cleopatra. Bài viết của Chip Brown, phóng viên tạp chí lừng danh National Geographic.

Nỗi ám ảnh của cô gái phản đối cha mình gọi Cleopatra là "lẳng lơ"

...Gần đây, một ngôi đền tại sa mạc ở ngoại ô Alexandria đã trở thành tâm điểm của một cuộc tìm kiếm khác, khi một người tự hỏi rằng liệu một người giỏi tính toán và có tầm nhìn xa như Cleopatra có thể cho xây dựng lăng mộ của mình ở một nơi có ý nghĩa tâm linh hơn là trung tâm thành phố Alexandria hay không, nơi mà bà có thể an nghỉ bên cạnh Antony yêu dấu mà không lo bị quấy rầy?

Vào tháng 11 năm 2006 tại văn phòng của Zahi Hawass, lúc đó là tổng thư ký Hội đồng cổ vật tối cao tại Cairo (Ai Cập), ông chia sẻ với vẻ hào hứng: "Chúng tôi đang tìm kiếm lăng mộ của Cleopatra". 

Nhiệm vụ đặc biệt này được bắt đầu khi một người phụ nữ từ Cộng hòa Dominica tên là Kathleen Martinez liên lạc với ông vào năm 2004 và chia sẻ một giả thuyết rằng: Cleopatra có thể được chôn cất trong một ngôi đền sụp đổ ở Taposiris Magna (nay là Abu Sir), một thị trấn sa mạc ven biển cách Alexandria 45 km về phía Tây.

Nằm giữa Địa Trung Hải và hồ Mareotis, thành phố cổ Taposiris Magna từng là một thị trấn cảng nổi tiếng trong thời gian Cleopatra trị vì. Nhà địa lý Strabo, người từng sống ở Ai Cập vào năm 25 TCN, đã đề cập rằng Taposiris thường xuyên tổ chức một lễ hội lớn hàng năm, rất có thể là để vinh danh thần Osiris.

"Trước đây, chúng tôi nghĩ rằng Cleopatra đã được chôn cất ở Alexandria, trong khu lăng mộ hoàng gia," Hawass nói. Tuy nhiên, theo thời gian, Martinez đã thuyết phục ông với một giả thuyết khác, đáng để khám phá: Cleopatra đủ thông minh để đảm bảo bà và Antony được chôn cất ở một nơi bí mật để không ai có thể làm xáo trộn cuộc sống vĩnh hằng của họ.

Kathleen Martinez có bằng luật học ở tuổi 19, từng giảng dạy khảo cổ học tại Đại học Santo Domingo. Nỗi ám ảnh của cô với Cleopatra khởi nguồn từ một cuộc tranh luận với cha mình vào năm 1990, khi cô 24 tuổi. 

Cha của cô, Fausto Martínez, một giáo sư và học giả pháp lý, bình thường vốn rất cẩn trọng khi phán xét, đã lăng mạ nữ hoàng nổi tiếng như một người đàn bà lẳng lơ.

"Sao cha lại có thể nói như vậy?", cô phản đối. Kathleen lập luận rằng bộ máy tuyên truyền của La Mã cổ đại, với nhiều thế kỷ hạ thấp địa vị của người phụ nữ, đã cố tình bóp méo hình tượng của nữ hoàng Cleopatra. Cuối cùng, sau một giờ tranh luận, giáo sư Martínez đã thừa nhận rằng ý kiến của ông về Cleopatra có thể không công bằng.

Bí ẩn lăng mộ nữ hoàng Cleopatra: Sau 2000 năm vô vọng, các nhà khảo cổ đã tiến rất gần! (P2) - Ảnh 1.

Một bức tượng đá (từ thế kỷ thứ III TCN) hơi lớn hơn một chút so với kích thước người thật, mặc trang phục điển hình của những người dòng dõi hoàng tộc Ptolemy. Nữ hoàng Cleopatra xuất thân từ dòng dõi này.

"Tôi sẽ tìm ra bà ấy"

Kể từ đó, Martinez quyết tâm tìm hiểu mọi thứ về vị nữ hoàng nổi tiếng. Cô đã xem xét các văn bản kinh điển, đặc biệt là tài liệu của Plutarch về liên minh của Mark Antony với Cleopatra. 

Dường như người La Mã đã cố tình mô tả Cleopatra như là một kẻ độc tài đồi bại và dâm dục hơn là một chính trị gia đầy lôi cuốn, người đã biết tận dụng những cuộc đấu đá nội bộ giữa những phe phái của siêu cường La Mã để bảo vệ quyền tự trị của Ai Cập.

Bên cạnh đó, rất có thể các nhà nghiên cứu hiện đại đã bỏ lỡ những manh mối quan trọng về nơi Cleopatra được chôn cất. 

"Bạn không thể tìm thấy bất cứ thông tin gì trong các văn bản cổ đại về nơi Cleopatra được chôn cất", Martinez nói. "Nhưng tôi tin rằng bà ấy đã chuẩn bị mọi thứ, từ cách bà ấy sống cho tới cách bà ấy chết và cách bà ấy muốn được tìm thấy".

Năm 2004, cô đã gửi email cho Hawass nhưng không nhận được hồi âm. Martinez tiếp tục tấn công ông bằng hàng loạt email tiếp theo, lên tới hàng trăm cái theo ước tính của cô. Một lần nữa, không có hồi âm. Cuối cùng, cô quyết định đến Cairo để gặp vị Tổng thư ký Hội đồng cổ vật tối cao ở Cairo thông qua một hướng dẫn viên từng làm việc cho Hội đồng cổ vật tối cao.

Bí ẩn lăng mộ nữ hoàng Cleopatra: Sau 2000 năm vô vọng, các nhà khảo cổ đã tiến rất gần! (P2) - Ảnh 2.

Phần đầu của một bức tượng được cho là nữ hoàng Cleopatra.

"Cô là ai và cô muốn gì?", Hawass hỏi khi Martinez đến văn phòng của mình vào mùa thu năm 2004. Cô không thể giải thích rằng mình đang tìm kiếm Cleopatra bởi lo ngại rằng ông sẽ gộp cô vào với những thành phần tin rằng người ngoài hành tinh đã xây dựng các kim tự tháp! 

"Tôi muốn đến những nơi không mở cửa cho công chúng", Martinez giải thích. Hawass cho phép cô đến thăm các di tích khảo cổ ở Alexandria, Giza và Cairo.

Trở về Ai Cập vào tháng 3 năm 2005, Martinez gọi cho Hawass để báo tin rằng cô đã được bổ nhiệm làm đại sứ văn hóa của Cộng hòa Dominica. Ông cười và nói rằng cô còn quá trẻ để trở thành một đại sứ. 

Cô nói với ông rằng cô đã đến thăm Taposiris Magna vào năm ngoái và muốn quay trở lại. Có những tàn tích của một nhà thờ Coptic ở đó, và người Dominica rất quan tâm đến lịch sử của Kitô giáo. Hawass đồng ý.

Sau khi đi xung quanh và chụp ảnh ở khu di tích, cô gọi điện lại cho Hawass. "Cô có hai phút", ông nói. 

Đã đến lúc thả mạng che mặt. Martinez giải thích với ông rằng cô muốn khai quật Taposiris. 

"Tôi có một giả thuyết," cô nói, và cuối cùng thổ lộ rằng cô nghĩ Taposiris Magna chính là nơi Cleopatra được chôn cất.

"Gì?" Hawass sửng sốt. 

Một nhóm các nhà khảo cổ Hungary vừa mới kết thúc khai quật tại địa điểm này, và các nhà khảo cổ học Pháp đã khai quật các bồn tắm La Mã ngay bên ngoài các bức tường của ngôi đền. Một kế hoạch đang chờ để biến Taposiris Magna thành một điểm thu hút khách du lịch.

"Cho tôi hai tháng", Martinez quả quyết. "Tôi sẽ tìm ra bà ấy".

Nguồn: National Geographic
Tác giả: Chip Brown
Ảnh: George Steinmetz

Công Khanh dịch

Theo Helino/ Trí thức trẻ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news