Trong vài thập kỷ gần đây, sự chênh lệch giới tính đã khiến Ấn Độ rơi vào tình trạng thiếu phụ nữ trầm trọng. Nhiều đàn ông đã phải tìm đến những kẻ môi giới để mua vợ.
Narinder là một giáo viên tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, sinh ra trong gia đình có bốn anh em nhưng chỉ duy nhất một trong số các anh của Narinder cưới được vợ.
Narinder, 38 tuổi, giáo viên tại bang Uttar Pradesh, Ấn Độ đã phải mua vợ qua những kẻ môi giới. |
Narinder cho biết, trong thời buổi này, chỉ những người giàu và viên chức làm việc trong cơ quan chính phủ mới có thể lấy được vợ. Còn lại, những người dân thường muốn tìm vợ cũng rất khó.
Trong xã hội Ấn Độ cổ hủ, những cô dâu mới phải biết chăm sóc gia đình nhà chồng, hằng ngày nấu cơm, làm việc nhà và dạy con cái. Bởi vậy, khi tìm vợ, những người đàn ông không cần đòi hỏi những người phụ nữ tài giỏi mà chỉ cần những người phụ nữ khéo léo, cam chịu ở nhà và biết chăm sóc con cái là đủ.
Tuy nhiên, với tình trạng nữ giới đang thiếu trầm trọng thì ngay cả việc tìm những người phụ nữ bình thường lấy làm vợ cũng rất khó. Đó là lý do vì sao, nhiều người đàn ông Ấn Độ, mà thậm chí cả Narinder cũng đã phải nhờ đến trung tâm môi giới để tìm vợ.
Những người như Narinder có thể là nạn nhân của việc lựa chọn giới tính trước khi sinh diễn ra nghiêm trọng tại Ấn Độ. Khi số lượng phụ nữ ngày càng giảm, nhu cầu lấy vợ của nam giới trưởng thành lại ngày càng tăng đã tạo điều kiện cho những kẻ xấu trục lợi giở chiêu bài tuyển vợ hoặc bắt cóc phụ nữ nghèo rồi đem bán làm cô dâu.
Những cô dâu bị bán đến từ đâu
Tại một túp lều bùn xiêu vẹo ở phía tây nam bang Assam, một đôi vợ chồng già không kìm nổi nước mắt khi nhìn tấm hình nhỏ của cô con gái Jaida, 16 tuổi. Theo lời của đôi vợ chồng này, cô con gái của họ đã bị mất tích sau cuộc nói chuyện với một người lạ bên bờ sông Brahmaputra.
Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cha mẹ Jaida đã phải trông chờ hoàn toàn vào sự giúp đỡ của nhà hoạt động nhân quyền Shafiq Khan, người đã tìm hiểu vụ việc hơn 3.000 phụ nữ mất tích ở bang Assam năm 2012, có thể giúp họ tìm được con gái.
Shafiq Khan, nhà đấu tranh vì nhân quyền ở Ấn Độ. |
Theo ước tính, mỗi ngày ở Assam có khoảng 10 phụ nữ bị bắt cóc. Và thường những trường hợp bị bắt cóc đều là phụ nữ đến từ khu vực phía đông Ấn Độ như Assam, Jharkhand, West Bengal và Odisha. Tại những khu vực này, hoạt động buôn bán cô dâu diễn ra sôi động bởi tỷ lệ giới tính được cân bằng, số lượng phụ nữ nhiều hơn nên dễ dàng cho việc tìm kiếm và mua bán.
Ngược lại, những bang ở phía tây bắc Ấn Độ tuy giàu có nhưng tình trạng chọn giới tính diễn ra phổ biến dẫn đến số lượng nữ giới ít, nhu cầu tuyển cô dâu ngày càng tăng cao. Đây chính là thị trường tiêu thụ cô dâu hấp dẫn cho những kẻ môi giới.
Cô gái Halida, 14 tuổi, là hàng xóm của Jaida kể lại trước đây cô đã từng bị một người đàn ông đi xe máy bắt cóc rồi nhốt trong một ngôi nhà và hãm hiếp suốt hai ngày. Thậm chí, tên bắt cóc còn nói sẽ đưa cô tới Delhi để bán cho nhà giàu. Nhưng rất may mắn, Halida đã trốn thoát được.
Mặc dù Halida là nạn nhân của vụ bắt cóc và hãm hiếp nhưng cuối cùng cô vẫn phải chịu sự chỉ trích, sỉ nhục từ gia đình và dân làng.
Shafiq Khan, nhà đấu tranh vì nhân quyền ở Ấn Độ đã nói: Hiếp dâm là công cụ để những kẻ buôn bán đã sử dụng để khống chế các nạn nhân. Và sự kỳ thị của xã hội với những nạn nhân bị hiếp dâm đã đẩy họ vào đường cùng hơn nữa.
Khi các cô dâu bị bán
Mặc dù ở một số bang phía bắc, phụ nữ đông hơn đàn ông nhưng tình trạng buôn bán cô dâu vẫn diễn ra sôi nổi. Tại một ngôi làng nhỏ ở bang Haryana, chúng tôi đã gặp hai chị em Tasleema và Akhleema. Vì hoàn cảnh gia đình Tasleema quá nghèo nên họ quyết định bán hai con gái của mình cho một kẻ buôn người.
Tasleema và em gái của cô là Akhleema. |
Sau khi được mua, hai chị em cô bị bán làm vợ cho hai người đàn ông sống ở một ngôi làng thuộc bang Haryana. Chồng của hai cô đã phải trả 2.000 USD cho kẻ môi giới để mua vợ về. Tuy nhiên, cuộc sống của hai cô khi về nhà chồng lại vô cùng vất vả. Hằng ngày, hai chị em chỉ được ở trong nhà làm việc và chăm sóc gia đình. Thậm chí, họ vẫn bị đánh đập và lạm dụng tình dục một cách tàn nhẫn.
Sự phẫn nộ của công chúng sau vụ hiếp dâm tại Delhi đã cho thấy Ấn Độ đang thay đổi dần để thoát ra những chế độ lạc hậu, phân biệt giới tính. Tuy nhiên, tình trạng bắt cóc phụ nữ và buôn bán cô dâu vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Điều này đã cho thấy sự ăn sâu của một nền văn hóa trọng nam khinh nữ đã đi vào tiềm thức của người dân, khó có thể thay đổi. Và những cô gái sẽ vẫn phải sống trong một vòng xoáy luẩn quẩn giống như một sản phẩm có thể trao đổi mua bán ngoài thị trường.
Theo Ngô Hà/ Người Đưa Tin