Tính từ ngày 6/8, bệnh nhân 57 tuổi này được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Hiện BN đã có 31 ngày chạy ECMO.
Bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy đang tăng cường cho Đà Nẵng), người từng điều trị thành công cho bệnh nhân 91 (phi công người Anh) cho biết, trong quá trình điều trị, hôm 18/8, bệnh nhân chuyển âm tính một lần với SARS-CoV-2. Nhưng trong thời gian 20-24/8, bệnh nhân lại dương tính 3 lần.
Từ hôm 24/8, bệnh nhân được dùng thêm 2 loại thuốc được chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chuyển ra để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn.
Hiện người đàn ông 57 tuổi này đã có 31 ngày chạy ECMO. Ảnh: BSCC
Hiện bệnh nhân này còn phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, máy thở. Đánh giá trên siêu âm phổi cho thấy đông đặc phổi của bệnh nhân còn nhiều và có tình trạng xơ phổi. "Xquang phổi của bệnh nhân rất xấu", bác sĩ Linh cho biết.
Tiên lượng lâu dài, quá trình điều trị của bệnh nhân còn rất nhiều khó khăn phía trước, khả năng cai ECMO của bệnh nhân 416 khó, nguy cơ tử vong rất cao.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy nơi điều trị nam phi công người Anh cũng nhận định, tình trạng bệnh nhân 416 còn nặng hơn, khó hơn bệnh nhân 91 - người từng có thời gian điều trị kỷ lục tại Việt Nam, cũng từng tiên lượng tử vong cao nhưng sau đó hồi phục kỳ diệu và trở về nước.
Theo bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, điểm khác biệt là bệnh nhân 91 không có bệnh nền nhiều như bệnh nhân 416. BN 416 vẫn dương tính SARS-CoV-2 sau hơn 1 tháng điều trị. Các thay đổi về thông số không đáp ứng, bệnh nhân vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, hình ảnh Xquang phổi của bệnh nhân cho thấy đã xơ phổi, không còn là phổi đông đặc có khả năng hồi phục.
Hiện các bác sĩ cũng đưa ra phương án, chờ bệnh nhân sạch hoàn toàn SARS-CoV-2, đánh giá thể tích, chức phổi, cùng các điều kiện khác để tính toán khả năng ghé phổi.
Trong chiều 25/8, tại Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19, Giáo sư Nguyễn Gia Bình cho biết, các bác sĩ đang nỗ lực để cứu những bệnh nhân này.
Các ca bệnh nặng chủ yếu đang được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Hà Nội.
Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, không có công thức điều trị cho các bệnh nhân mà mỗi bệnh nhân cần căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh việc sử dụng thuốc và các chỉ định lâm sàng, cận lâm sàng.
Trên cả nước hiện có 30 trường hợp tiên lượng nặng, trong đó có 15 bệnh nhân rất nặng, nhiều trường hợp có nguy cơ tử vong cao. Tại Bệnh viện dã chiến Hoà Vang, 131 bệnh nhân đang điều trị tại đây có 10 bệnh nhân rất nặng (trong đó 7 bệnh nhân thở máy), trong số này có 5 bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.